pnvnonline@phunuvietnam.vn
Australia hỗ trợ 94,5 triệu USD cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Mê Kông (giai đoạn 2023-2034)
Thượng nghị sĩ Penny Wong - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia (bìa trái) và GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tham dự diễn đàn có Thượng nghị sĩ Penny Wong - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và hơn 600 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, đại diện bộ ngành, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo uy tín trong nhiều lĩnh vực, nhằm trao đổi thông tin chuyên sâu và khả năng hợp tác trong các ưu tiên chung của khu vực.
Phát biểu tại diễn đàn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết: "Tăng cường hợp tác khu vực là phương thức hữu hiệu để các quốc gia thích ứng với một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Niềm tin chính trị sâu sắc và sự tăng cường giao lưu đã trở thành cầu nối rút ngắn khoảng cách địa lý giữa Australia và Việt Nam, khiến quan hệ giữa 2 nước thật sự trở thành quan hệ láng giềng khu vực, gần gũi và bền chặt hơn bao giờ hết".
Trong các vấn đề được bàn thảo tại diễn đàn, Thượng nghị sĩ Penny Wong - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia cũng tuyên bố gói hỗ trợ trị giá 94,5 triệu USD của Australia dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Mê Kông trong giai đoạn 2023-2034.
Gói hỗ trợ mới này hứa hẹn giúp các doanh nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Mê Kông chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa phát thải thấp; thành lập một trung tâm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cán bộ, cộng đồng và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác với doanh nghiệp để hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tiếp cận tài chính và đổi mới; tăng cường hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước.
"Đây là ví dụ cho thấy Australia và Việt Nam đang cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi năng lượng. Ngân quỹ này sẽ hỗ trợ thiết thực cho những nỗ lực thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực sông Mê Kông", Bộ trưởng Penny Wong nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia của 2 nước đã tham gia tọa đàm bàn tròn để báo cáo, trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ 3 nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, diễn đàn thống nhất hợp tác khu vực là một trong những phương thức hữu hiệu để các quốc gia thích ứng và ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng, chưa từng có trên thế giới cũng như khu vực hiện nay.
Thứ hai, sự chuyển đổi từ việc tham gia những "hiệp định nông" sang "hiệp định sâu", chú trọng nhiều đến vấn đề chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung cũng đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia. Các dự án liên kết trong khu vực không chỉ bao hàm việc xây dựng mạng lưới hạ tầng kỹ thuật truyền thống, mà còn hướng tới xây dựng hạ tầng số, tăng cường kết nối tri thức và con người. Nhiều sáng kiến khu vực đã tạo dựng nền tảng cho sự thay đổi về tương quan sức mạnh kinh tế, chính trị, góp phần hình thành cục diện kinh tế, chiến lược mới trong khu vực và thế giới.
Thứ ba là tạo dựng một "mô hình" với "phương thức" hợp tác riêng có, bao trùm và rộng mở. Cộng đồng ASEAN là một minh chứng thành công cho "mô hình" và "phương thức" hợp tác riêng có này. Theo đó, phương châm chiến lược "lấy ASEAN làm trung tâm", sử dụng phương thức đối thoại thay đối đầu, thúc đẩy sự kết nối trong khu vực không chỉ duy trì sự ổn định và thịnh vượng chung của các nước ASEAN, mà còn thiết lập những cầu nối với nhiều quốc gia trên thế giới. Tất cả nhằm đóng góp tích cực cho một thế giới phát triển trên nền tảng hòa bình, thịnh vượng chung.