Bà đồ xuống phố đón Xuân

Mộc Miên
17/01/2025 - 12:45
Bà đồ xuống phố đón Xuân

Bà đồ Thủy Tiên có nhiều năm gắn bó với phố ông đồ của Lễ hội Tết Việt

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TPHCM) luôn là điểm nhấn của Lễ hội Tết Việt với hình ảnh của những ông đồ, bà đồ cho chữ mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là một trong những bà đồ tham gia chương trình từ những năm đầu tiên phố ông đồ được tổ chức, chị Tường Nhàn (ngụ tỉnh Tây Ninh) - cho biết, việc được trở thành bà đồ tại chương trình lễ hội trong dịp Tết đã trở thành niềm vui của chị.

Bắt đầu học và theo đuổi đam mê thư pháp từ năm 2012 và từ năm 2016 đến nay, năm nào chị Nhàn cũng tham gia phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. "Bản thân tôi tham gia gian hàng tại phố ông đồ vì thấy vui, thỏa sức với niềm đam mê của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn gửi tặng những câu chữ đầy ý nghĩa đến du khách trong dịp Tết, đặc biệt là với những người yêu thích nghệ thuật thư pháp", bà đồ Tường Nhàn chia sẻ.

Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 1.

Phố ông đồ là điểm đến của nhiều người dân, du khách suốt nhiều năm qua mỗi độ Tết đến Xuân về

Và cứ thế, suốt nhiều năm qua, cứ đến chừng giữa tháng Chạp âm lịch, bà đồ Tường Nhàn lại bày mực tàu giấy đỏ, thướt tha trong tà áo dài góp phần giúp cho phố ông đồ càng thêm sôi động, rực rỡ sắc màu.

Lễ hội Tết Việt Ất Tỵ 2025 diễn ra tại khu vực Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM (quận 1, TPHCM) đến ngày 2/2/2025 (Mùng 5 Tết). Trong đó, phố ông đồ được sắp đặt dọc mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai là điểm nhấn đối với người dân, du khách trong Lễ hội.

Nhiều năm tham gia vào hoạt động này, chị Nhàn cũng cảm nhận rõ sự đổi thay của phố ông đồ khi ngày càng được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng hơn. Các gian hàng thư pháp đều được trang trí đẹp mắt, mang đậm không khí Xuân. Du khách không chỉ đơn giản là đến xin chữ mà còn có thêm không gian để trải nghiệm, chụp hình. Cũng chính điều này đã góp phần giúp cho phố ông đồ ngày càng thu hút được đông đảo du khách gần xa.

Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 2.

Bà đồ Tường Nhàn tham gia phố ông đồ vì niềm vui, được thỏa sức với niềm đam mê của bản thân

"Trong thời gian tổ chức, phố ông đồ thường hoạt động đến 22 giờ thì tạm nghỉ, nhưng có khi tôi vẫn ngồi viết chữ đến hơn 23 giờ, thậm chí muộn hơn vì du khách vẫn ngồi chờ. Vì là đam mê nên bản thân tôi cũng không thấy vất vả gì cả, chỉ thấy vui", bà đồ Tường Nhàn tâm sự.

Tại phố ông đồ, có hàng chục gian hàng thư pháp nhưng mỗi gian hàng là một phong cách khác nhau. Không chỉ viết thư pháp đẹp, những ông đồ, bà đồ còn dành thời gian lắng nghe tâm sự và chia sẻ với những người đến xin chữ. Mỗi người sẽ xin cho mình một chữ khác nhau với ý nghĩa, mong muốn riêng trong dịp năm mới.

Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 3.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 4.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 5.

Hình ảnh mực tàu khiến mọi người gợi nhớ đến Tết xưa

Bà đồ Thủy Tiên (ngụ TPHCM) cho biết, năm nào cũng mong chờ những ngày giáp Tết để ra phố ông đồ cho chữ và đắm chìm trong không khí vui Xuân cùng mọi người. Theo chị Thủy Tiên, đối với những ông đồ, bà đồ thì không có gì hạnh phúc hơn khi thể hiện được những tác phẩm thư pháp đẹp, ý nghĩa để gửi đến mọi người trong dịp Tết.

"Khi tham gia phố ông đồ, bản thân tôi gặp được nhiều người rất đặc biệt. Mọi người chia sẻ với nhau rất thân tình. Dù ở từ sáng đến tối nhưng tôi không cảm thấy mệt, vì đây là đam mê của mình. Không gian ở phố ông đồ cũng khiến cho bản thân như ở trong không khí của Tết xưa; xóa tan những mệt mỏi, khó khăn trong năm cũ để đón năm mới bình an", bà đồ Thủy Tiên chia sẻ. 

Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 6.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 7.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 8.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 9.

Các gian hàng tại phố ông đồ ngày càng được bài trí công phu, tinh tế

Anh Phạm Văn Nguyên - Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM - cho biết, phố ông đồ trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt đã tạo nên thương hiệu và ngày càng được nhiều người biết đến. Đây cũng nơi quy tụ nhiều ông đồ, bà đồ trong dịp Tết.

Theo anh Nguyên, trước đây, các ông đồ, bà đồ chủ yếu viết thư pháp cho du khách về treo trong dịp Tết. Những năm gần đây, các ông đồ, bà đồ không chỉ chú trọng đến việc viết thư pháp mà còn rất chú trọng đến việc trang trí cho không gian gian hàng thật đẹp để người dân thưởng lãm. Mỗi gian hàng là một không gian thư pháp khác nhau, có đặc trưng riêng rất đẹp mắt.

Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 10.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 11.
Bà đồ xuống phố đón Xuân- Ảnh 12.

Nơi đây trở thành điểm check-in của nhiều người dân, du khách trong dịp Tết

"Những năm đầu, phố ông đồ chủ yếu là nam giới. Sau này khi phong trào thư pháp chữ Việt ngày càng phát triển thì nhiều chị em phụ nữ tham gia học thư pháp và tham gia vào phố ông đồ. Sự góp mặt của các bà đồ trong trang phục áo dài truyền thống góp phần tạo cho không gian phố ông đồ trở nên tươi mới, hấp dẫn hơn. Không chỉ thu hút nhiều du khách đến xem tranh, mua tranh, thư pháp mà còn thu hút người dân đến tham quan, chụp hình trong dịp Tết", Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM nhấn mạnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm