'Bà mẹ' của phong trào nhân quyền Hoa Kỳ

03/09/2016 - 20:24
Đó là bà Rosa Parks, người đã kiên trì đấu tranh vì quyền lợi của người da màu ở Hoa Kỳ những năm giữa thế kỷ XX.
Rosa Parks tên thật là Rosa McCauley sinh ngày 4/2/1913 tại thành phố Tuskegee, tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ. Cha mẹ li hôn khi bà còn nhỏ, Rosa Parks về sống với mẹ tại thành phố Montgomery. Tại đây, bà lớn lên trong một đại gia đình gồm ông bà ngoại người em trai tên Sylvester.
1.jpg
 Chân dung bà Rosa Parks
Thành phố Montgomery thuộc tiểu bang Alabama là một nơi không có nhiều thiện cảm đối với những cư dân da màu trong suốt thập niên 1920 và 1930. Trong thời gian sống tại đây, bà chỉ được đi học ở những ngôi trường nghèo dành cho người da màu. Mỗi ngày, bà phải đối diện với những luật lệ áp đặt cách hành xử nơi công cộng như chỉ được uống nước ở những nơi dành riêng cho người da màu, lên xe buýt phải nhường chỗ cho người da trắng và cũng không được ngồi ở những băng ghế ngang hàng với họ...

Tuy vậy, với sự dẫn dắt của người mẹ, Rosa Parks lớn lên với lòng tự hào về chính mình và về những người da đen khác dù rằng phải sống với những luật lệ coi thường phẩm giá con người.

Năm 20 tuổi, Rosa Park lập gia đình với một người thợ cắt tóc tên là Raymond Parks. Ngoài thời gian đi làm, bà tham gia hoạt động với Hiệp hội Quốc gia Vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) cũng như Hội Cử tri ở Montgomery.

Đến tuổi 30, bà Parks đã có nhiều kinh nghiệm với sự kỳ thị và bất công của các luật lệ của người da trắng. Cũng như nhiều người da đen khác ở miền nam Hoa Kỳ, bà đã tẩy chay những nơi có bảng dành riêng cho người da màu “Colored”. Bà sẵn sàng đi bộ từng bậc thang thay vì đi thang máy dành riêng cho người da đen. Bà đặc biệt ghét hệ thống xe buýt. Vào thời của bà, hành khách da đen phải lên xe ở cửa trước, trả tiền vé, bước ra bằng cửa trước và lên xe lần nữa bằng cửa sau. Dù rằng đa số hành khách là người da đen, 4 hàng ghế trên đầu luôn được dành cho hành khách da trắng. Ngay cả hàng ghế ở giữa, họ chỉ được ngồi nếu không có hành khách da trắng nào lấy chỗ.

Thời gian đó, một cảnh tượng thường thấy trên xe buýt là những khách hàng da đen, cả đàn ông lẫn phụ nữ đứng trong sự giận dữ thầm lặng trước 4 hàng ghế trống trơn dành cho người da trắng.

 
Cho đến ngày lịch sử 1/12/1955, ngày mà sau này nhiều sử gia Hoa Kỳ coi là ngày xảy ra biến cố châm ngòi cho phong trào đòi nhân quyền ở vùng nam Hoa Kỳ.

Bà Rosa Parks thời gian đó là thợ may cho cửa hàng Montgomery Fair. Hôm đó bà cảm thấy rất mệt mỏi vì đã phải làm việc nhiều trong ngày. Khi ra về, bà lên một chiếc xe buýt và chỉ có được ghế trống ở hàng ghế giữa. Xe chạy được một quãng thì có một nam hành khách da trắng bước lên xe và đòi bà phải đứng dậy nhường ghế. Tài xế xe buýt ra lệnh cho bà Parks và 3 hành khách da đen khác phải đứng lên nhường chỗ. Ba người kia làm theo lệnh, nhưng bà Parks từ chối. Người tài xế dọa gọi cảnh sát. Bà Parks chỉ nhẹ nhàng trả lời “Xin cứ gọi cảnh sát”.

Bà Parks bị đưa về đồn cảnh sát. Sau đó, bà bị cảnh sát Alabama bắt giam và phạt 14 USD. Nhà hoạt động Rosa Parks không phải là người da đen đầu tiên đi xe buýt ở Montgomery bị bắt vì tội không nhường chỗ cho người da trắng, nhưng bà là người đầu tiên dám thách thức những bộ luật phân biệt chủng tộc tại Alabama.
rosa-parks-sau-khi-b-bt-hm-1-12-1955.jpg
 Rosa Parks sau khi bị bắt hôm 1/12/1955.
Việc bà bị bắt đã mở màn cho phong trào phản kháng có một không hai trong lịch sử nước Mỹ. Cộng đồng người da đen ở Montgomery đã phản ứng quyết liệt. Nhận thấy rằng tình hình đã chín muồi cho một cuộc tẩy chay hệ thống chuyên chở công cộng, họ đã họp nhau và quyết định kêu gọi toàn thể cộng đồng hưởng ứng điều này.

Một mục sư da đen, ông Martin Luther King đã in 7.000 tờ truyền đơn kêu gọi mọi người bắt đầu từ ngày 5/12 /1955 hãy không sử dụng xe buýt mà hãy đi bộ, đi xe cùng với nhau hoặc đi taxi nếu cần.

Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày, gây tình trạng thiệt hại tài chính trầm trọng của công ty xe buýt, dẫn đến việc chấm dứt thi hành các luật lệ kỳ thị trên xe buýt. Từ đó, bà Parks được coi là “Bà mẹ của phong trào Nhân quyền Hoa Kỳ”.
 
Câu chuyện của bà được in trong sách giáo khoa để nhiều thế hệ học sinh Hoa Kỳ lớn lên sau đó đều được đọc và hiểu về một thời đại với những điều phi lý mới chỉ xảy ra hơn nửa thế kỷ trước.

Sau vụ việc đó, bà bị mất việc. Bà đã cùng chồng chuyển đến Hampston rồi đến Detroit. Rosa Parks trở thành phụ tá của nghị sĩ đảng Dân chủ John Conyers tại Detroit suốt từ năm 1965 đến khi nghỉ hưu năm 1988. Nghị sĩ Conyers đánh giá: "Bà ấy giống như một vị thánh. Bà rất khiêm nhường, nói năng dịu dàng, nhưng bên trong bà là một sự cương quyết mãnh liệt".
chic-xe-bus-hiu-general-motors-ni-xy-ra-v-rosa-parks-hm-nay-l-hin-vt-trng-by-ti-bo-tng-henry-ford.jpg
 Chiếc xe Bus hiệu General Motors, nơi xảy ra vụ Rosa Parks, giờ trở thành hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Henry Ford
Năm 1992, khi hồi tưởng về hành động nổi tiếng của mình trên xe buýt ở Montgomery vài thập kỷ trước, bà Rosa Parks bày tỏ: "Nguyên nhân thực sự khiến tôi không đứng dậy lúc đó là vì tôi cảm thấy mình có quyền được đối xử như bất cứ hành khách nào khác. Chúng tôi đã phải chịu đựng kiểu đối xử đó quá lâu rồi".

Năm 1996, bà được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự Do. Trong buổi trao huy chương này, Tổng thống Clinton nói “Khi bà ngồi xuống trên chiếc xe buýt đó cũng chính là lúc bà đứng lên đòi hỏi công lý và công bằng cũng như đòi hỏi tất cả chúng ta phải có thái độ tương tự”.

Năm 1999, Quốc hội Hoa Kỳ trao tặng bà Huy chương Vàng danh dự (Congressional Gold Medal of Honor), giải thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ. Trong buổi nhận huy chương, có sự chủ tọa của Tổng thống Clinton, bà Parks nói “chiếc huy chương này là niềm khích lệ cho tất cả chúng ta cố gắng đến khi nào tất cả mọi con người đều được quyền bình đẳng.”
tng-thng-obama-ti-l-khnh-thnh-bc-tng-b-rosa-parks-washington-ngy-27-2-2013.jpg
 Tổng thống Obama tại lễ khánh thành bức tượng bà Rosa Parks ở Washington ngày 27/2/2013
Ngày 24/10/2005, bà Rosa Parks qua đời ở tuổi 92. Thi hài của bà được chuyển bằng máy bay về Montgomery và được đưa bằng xe ngựa tới nhà thờ thánh Paul.

Vào ngày nhân dân Montgomery cử hành lễ tang bà Rose Parks, các hàng ghế trước của mọi xe buýt chạy trong thành phố đều có thắt những dải băng tang để tưởng nhớ người phụ nữ đã góp phần xoá bỏ một điều luật bất công, góp phần xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc không chỉ trên xe buýt mà ở khắp mọi nơi, để mọi con người đều được đối xử công bằng cho dù họ mang màu da nào.

Một bức tượng của bà đã được Tổng thống Barack Obama khánh thành tại thủ đô Washington ngày 27/2/2013 để tưởng nhớ nhà hoạt động tranh đấu cho nhân quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm