Bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - từ trần

Phạm Thương
06/06/2022 - 18:47
Bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - từ trần

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Phu nhân Ngô Thị Huệ. Ảnh: Thư viện quốc gia

Bà Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), lão thành cách mạng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ miền Nam, 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội Khóa đầu tiên của nước Việt Nam, Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã qua đời ngày 5/6/2022, tại TPHCM, thọ 104 tuổi.

Bà Ngô Thị Huệ tên thật là Nguyễn Thị Ngỡi, sinh ngày 22/6/1918, tại xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, tỉnh Kiên Giang (nay là thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, nhà nước, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, sức yếu, bà đã từ trần vào lúc 20 giờ ngày 5/6/2022, hưởng thọ 104 tuổi theo giấy tờ (tuổi thật là 105 tuổi). Lúc 11 giờ ngày 6/6, nghi thức nhập quan đã diễn ra. Dự kiến, linh cữu bà sẽ quàn ở Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TPHCM), Lễ Viếng sẽ tổ chức lúc 9 giờ ngày 7/6; Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 9/6.

Bà Ngô Thị Huệ giác ngộ cách mạng từ năm 11 tuổi, vào Đảng năm 18 tuổi, trở thành một Đảng viên trung kiên, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Khi 22 tuổi, bà đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/1/1940. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Năm 1946, bà là 1 trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội Khóa đầu tiên của nước Việt Nam.

Những vị trí, chức vụ bà Ngô Thị Huệ từng đảm nhiệm:

Năn 1936 -1937: Đảng viên chi bộ xã Mỹ Quới

Năm 1938: Huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh

Năm 1939 - 1940: Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ, Phó Bí thư tỉnh Vĩnh Long

Năm 1941 - tháng 5/1945: Bị bắt bị tù 2 lần (lần 1 tù 12 tháng, lần 2 án chung thân)

Tháng 6/1945 - 1959: Tỉnh ủy viên Bạc Liêu, Đại biểu Quốc hội, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn, cán bộ Ban tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1967: Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Ban tổ chức Trung ương Đảng

Năm 1979: Bà nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác củng cố xây dựng Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ TPHCM và công tác phụ nữ Nam bộ.

Năm 1983 bà là Tổ phó Tổ sử Phụ nữ Nam bộ phụ trách tổng kết tổ sử và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Trưởng ban bảo trợ Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Năm 1994, bà tham gia Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM với các chức vụ Phó Chủ tịch, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TPHCM.

Năm 1997 bà cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong tổ sử phụ nữ Nam bộ được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Một số khen thưởng nổi bật:

Năm 1961: Huân chương kháng chiến hạng Nhất

Năm 1954: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Hai

Năm 1968: Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc

Năm 1976: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất

Năm 1986: Huân chương độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Năm 1997: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng

Năm 2012: Huân chương Hồ Chí Minh

Năm 2020: Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - từ trần  - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Huệ dự hội thảo “Vai trò của đội quân tóc dài trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” nhân kỷ niệm 60 năm Bến Tre Đồng Khởi do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức. Bà Ngô Thị Huệ chụp cùng đoàn đại biếu Colombia, các chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân và Bảo tàng, tháng 12/2019

Công tác tổng kết lịch sử phụ nữ Nam bộ và xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ:

Từ tháng 10/1982 bà Ngô Thị Huệ cùng bà Nguyễn Thị Thập tập hợp cán bộ để tổng kết lịch sử Nam bộ và thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Qua hơn 10 năm thực hiện tổng kết Sử, xây dựng Bảo tàng với vốn tự vận động (các tỉnh, ban ngành, cơ quan, xí nghiệp… ủng hộ tiền, vật tư và huy động cán bộ chuyên môn nghiệp vụ cùng góp sức) đã đạt được kết quả tích cực:

- Phát hành 15 đầu sách gồm quyển Sử chính "Lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ thành đồng" cùng 14 chuyên đề hồi ký về giáo dục truyền thống. Chỉ đạo xây dựng 4 bộ phim tư liệu về truyền thống.

- Xây dựng Nhà Truyền thống phụ nữ, nay là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

- Dựng tượng đài "Bà mẹ" đứng trước Bảo tàng thể hiện hình tượng người Mẹ gần gũi nhất, thương yêu quý trọng nhất của mọi thế hệ.

Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm