pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bắc Âu bất ngờ tăng tỷ lệ sinh trong đại dịch
Ảnh minh họa
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, số ca sinh ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới đều giảm mạnh. Vào năm 2020, tỷ lệ sinh của Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, số ca sinh ở Trung Quốc cũng giảm 15% và Pháp có ít trẻ em được sinh ra nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland) đều duy trì tỷ lệ sinh ổn định, thậm chí một số nước còn đang giữa giai đoạn bùng nổ trẻ sơ sinh.
Trong quý II-2021, khi có số ca sinh nhiều hơn bình thường 16,5%, Iceland phải tăng công suất các khoa hộ sinh để đáp ứng nhu cầu. Phần Lan chứng kiến tỷ lệ sinh tăng vọt 7% trong khi Đan Mạch và Na Uy có mức tăng lần lượt là 3% và 5%. Sự gia tăng này khiến các chuyên gia bối rối, mặc dù có vô số lý do giải thích việc tỷ lệ sinh ở các quốc gia Bắc Âu giảm nhẹ hơn một số quốc gia khác.
Ngược chu kỳ
Thông thường tỷ lệ sinh của một quốc gia sẽ chịu tác động từ nền kinh tế của quốc gia đó. Khi kinh tế thịnh vượng, tỷ lệ sinh tăng lên, còn trong khủng hoảng, nhiều cặp vợ chồng trị hoãn sinh con. Một giả thuyết hàng đầu giải thích cho xu hướng ngược này ở Bắc Âu là trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn, hỗ trợ tài chính khi sinh con giúp các cặp đôi giảm bớt lo ngại về gánh nặng kinh tế. Trẻ sơ sinh có thể góp phần đảm bảo tài chính cho gia đình.
Cả 5 quốc gia Bắc Âu đều thực hiện chế độ nghỉ phép có lương cho người lao động khi sinh con trong ít nhất 11 tháng. Các khoản thanh toán dao động từ khoảng 53% thu nhập ở Đan Mạch đến 100% ở Na Uy với số tiền gần 6.000 USD (hơn 137 triệu đồng) một tháng.
Khi đại dịch bắt đầu, Lilja Karen Kjartansdóttir (24 tuổi, sinh viên ngành du lịch) và chồng quyết định sinh thêm con thứ hai. Lúc đó, Kjartansdóttir chưa tốt nghiệp, đại dịch ập đến khiến ngành du lịch đang bùng nổ ở Iceland ảnh hưởng nặng nề do các chuyến bay quốc tế bị hạn chế. Kjartansdóttir quyết định thay đổi trật tự ưu tiên, chọn có em bé để hưởng trợ cấp sinh con trong khi đại dịch khiến sự nghiệp của cô tạm dừng.
Thời điểm tuyệt vời để sinh con
Số tiền trợ cấp Kjartansdóttir được nhận là 1.370 USD (hơn 31 triệu đồng) một tháng, trong khi chồng cô được nghỉ phép nửa năm với trợ cấp mỗi tháng 2.565 USD (gần 59 triệu đồng). "Đó là thời điểm tốt để sinh con, cha mẹ sẽ được nhận tiền trợ cấp thai sản vì tìm việc làm rất khó khăn", Kjartansdóttir nói.
Khi được hỏi liệu đại dịch có ảnh hưởng đến quyết định mang thai của mình không, Saara Valtonen, 31 tuổi, ở Pori, Phần Lan trả lời: "Theo quan điểm cá nhân của tôi, đó là thời điểm tuyệt vời để mang thai vì tôi không phải bỏ lỡ bất cứ điều gì. Tôi có lý do tuyệt vời để ở nhà, giữ an toàn cũng như thực sự tập trung vào bản thân, chồng con và bây giờ là em bé của chúng tôi".
Suvi Vallarén (ở Helsinki, Phần Lan) cũng có cùng quan điểm. Cô cho biết: "Chúng tôi đã lên kế hoạch sinh con sau vài năm. Nhưng khi có lệnh phong tỏa, tất cả các kỳ nghỉ bị hủy bỏ, chồng tôi cũng bắt đầu làm việc tại nhà. Chúng tôi nghĩ bây giờ có con sẽ tốt hơn".
Một trường hợp khác tương tự là cô Drífa Hrund Gudmundsdóttir, nhà sinh học phân tử đang học tiến sĩ tại Đại học Iceland. Vợ chồng cô đã có hai cô con gái, con nhỏ 15 tuổi còn con lớn 17 tuổi. Gudmundsdóttir từng cho rằng đại dịch là khoảng thời gian rất căng thẳng, nhưng hóa ra mọi người trong gia đình cô lại sống hạnh phúc. Cô chia sẻ, trong đại dịch mọi thứ chậm lại rất nhiều. Thông thường các con gái của cô sẽ dành thời gian với bạn bè hoặc chơi thể thao. Nhưng trong thời gian phong tỏa, cô và các con đều cùng nhau ăn trưa. Họ trò chuyện về mọi thứ và trải qua khoảng thời gian vui vẻ, cùng nhau nấu ăn và giải các câu đố. Đó không phải là việc cha mẹ sẽ làm cùng con cái nếu không bị buộc phải ở nhà suốt ngày, người phụ nữ 38 cho biết.
Gudmundsdóttir nói: "Tôi nghĩ khoảng thời gian đó là điểm ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi nhận ra rằng trước đây tôi chưa sẵn sàng làm những công việc của một người mẹ". Mùa xuân năm 2020, Gudmundsdóttir và chồng quyết định sinh con thứ ba. Tháng 3/2021, họ đón cặp song sinh Brynja Lill và Baldur Logi.
Theo Chiara Comolli, nhà nghiên cứu về Nhân khẩu học Đại học Stockholm (Thụy Điển), một khả năng khác mà đại dịch khiến xu hướng sinh sản thay đổi là do sự xuất hiện của phương thức làm việc từ xa. Bà giải thích: "Nếu làm việc từ xa vẫn được duy trì và được coi là một điều kiện cấu trúc theo cách tích cực để dung hòa giữa công việc và gia đình ở phụ nữ thì về lâu dài điều này có thể có tác động tích cực hơn đến việc sinh con so với các lệnh hạn chế và phong tỏa". Trước đó, các nước Bắc Âu đã trải qua một thập kỷ giảm sinh không rõ nguyên nhân. Phúc lợi từ nhà nước đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng bất chấp những chính sách tuyệt vời này, tỷ lệ sinh vẫn giảm. Tình trạng này được đột ngột cải thiện khi đại dịch COVID-19 ập đến.