pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bắc Giang: Sáng tạo trong phòng ngừa bạo lực, bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Cán bộ Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Tiền Giang, phường Hoàng Văn Thụ, tỉnh Bắc Giang, cung cấp tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực cho hội viên
Từ năm 2016 trở về trước, các thôn An Lập, Sỏi Làng của xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình (BLGĐ).
Nắm bắt được tình hình, Hội LHPN xã Ngọc Lý đã phối hợp với các đoàn thể đến từng hộ tìm hiểu nguyên nhân, gặp gỡ riêng vợ, chồng để hòa giải, phân tích đúng, sai, khuyên nhủ để không lặp lại các vụ việc tương tự. Chính quyền xã đã gọi một số trường hợp lên trụ sở làm việc, viết cam kết không tái phạm.
"Có những ông chồng cục cằn, thô lỗ, chúng tôi khéo léo, lựa thời điểm để khuyên nhủ, thậm chí đến nhà 3-4 lần mới thuyết phục được. Nhờ đó, các vụ hành hung vợ con ở những thôn này hầu như không còn. Một số trường hợp làm đơn ly dị song đã rút đơn", chị Nguyễn Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Lý nói.
Xác định phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái là nội dung quan trọng nhằm thực hiện bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh vận dụng nhiều cách làm hiệu quả. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang thường xuyên tập huấn, trang bị kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình tới hội viên ở cơ sở.
Bà Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, cho biết, ngoài tập huấn, xây dựng hệ thống văn bản, Hội đưa công tác này vào chỉ tiêu thi đua làm căn cứ đánh giá, xếp loại phong trào hằng năm. Đồng thời, thành lập tổ dư luận xã hội gồm cán bộ hội chuyên trách tại 3 cấp, kịp thời nắm bắt, báo cáo thông tin vụ việc từ cơ sở.
Tổ chức giám sát pháp luật, tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Ký kết với cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em, thường xuyên trao đổi thông tin, vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nạn nhân.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 221 câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ; 234 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng; 2.311 mô hình CLB “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, 46 mô hình “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “3 an toàn”, “Mẹ và con gái chung tay phòng, chống xâm hại tình dục”... Các mô hình, CLB hoạt động hiệu quả đã góp phần ngăn ngừa những vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Với phương châm phòng ngừa là chính, các hội ở cơ sở thường xuyên bám sát, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay khi phát sinh tại cộng đồng. Bà Ninh Thị Kim Thoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chủ nhiệm CLB Phòng, chống BLGĐ tổ dân phố Tiền Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Tổ dân phố có nhiều lao động tự do làm nghề bốc vác, xe ôm, thợ xây... Một số người vì kinh tế khó khăn lại lao động nặng nhọc nên dễ nổi nóng, phát sinh mâu thuẫn. Do đó, Chi hội thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh của hội viên có nguy cơ xảy ra bạo lực cao từ tổ liên gia, hàng xóm lân cận để động viên, khuyên nhủ, không để mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Nhờ đó, mấy năm gần đây, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực hầu như không còn".
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra nhiều vụ việc phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại. Qua theo dõi của Hội LHPN tỉnh, trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh có 146 vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em (xâm hại tình dục, xâm hại tính mạng, BLGĐ…); Đưa ra xét xử 106 vụ, với 126 bị cáo phạm tội liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những vụ việc được phát hiện, xử lý. Trên thực tế, số nạn nhân bị bạo lực, xâm hại có thể còn cao hơn do nhiều phụ nữ, trẻ em gái e ngại, sợ sệt hoặc bị dọa dẫm không dám đấu tranh, tố cáo.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền ở nhiều nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả. Hậu quả của hành vi bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em gây tổn hại về thể chất (tính mạng, sức khỏe), tinh thần; phá vỡ hạnh phúc gia đình; Ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Nhằm hạn chế BLGĐ, các cấp hội phụ nữ tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến BLGĐ, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái, trong đó tập trung nhiều vào nhóm đối tượng gia đình kinh tế khó khăn, có người mắc tệ nạn xã hội, nhất là khu vực nông thôn, miền núi.
Đặc biệt, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ sao cho hấp dẫn, như: Tọa đàm, hội thi, sân khấu hóa, tiểu phẩm…
Thành lập CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích ở các khu dân cư. Chính quyền, ngành chức năng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Các cơ quan tố tụng tăng cường giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại phụ nữ, trẻ em.