Kỷ luật một số lãnh đạo huyện, xã để xảy ra tình trạng XHTE
Tiếp tục đợt giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, ngày 24 - 25/9, đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Địa bàn này trong năm 2019 nổi lên nhiều vụ XHTE với mức độ nghiêm trọng, liều lĩnh, với các hành vi như dâm ô, hiếp dâm trẻ em… gây bức xúc dư luận.
Có mặt tại "điểm nóng”, đoàn giám sát với sự tham gia của đại biểu khách mời - bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN - đã nghe những thông tin về vấn nạn XHTE từ phía tỉnh, trong giai đoạn 2015 - 2019 với 98 trẻ em bị xâm hại với nhiều mức độ khác nhau. Đáng chú ý có 61 em bị xâm hại tình dục (9 em mang thai). Trong số 98 vụ XHTE thì có đến 70 đối tượng không thuộc diện quen biết, người thân hay người có trách nhiệm chăm sóc nạn nhân. Tình hình này khá khác biệt so với một số tỉnh/thành như Hà Nội, Hòa Bình… khi đối tượng XHTE tại đây phần lớn là người thân quen của nạn nhân.
Ông Lê Ánh Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết, xác định sự phức tạp của tình hình nên công tác tuyên truyền pháp luật và phổ biến các kỹ năng phòng ngừa XHTE được tỉnh đẩy mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật của hệ thống chính trị còn có tuyên truyền dạy kỹ năng sống thông các tổ chức tình nguyện của Hội LHPN và Hội Bảo vệ quyền trẻ em.
“Đây là hai diễn đàn rất sôi nổi, hoạt động hiệu quả vì nắm bắt được nhu cầu của học sinh, phụ huynh muốn được trang bị kỹ năng sống, phòng chống xâm hại, đuối nước, bạo lực học đường…. Cách thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt lồng ghép vào chương trình ngoại khóa nên phụ huynh học sinh đón nhận tốt, chúng tôi đang tiếp tục nhân rộng” - ông Lê Ánh Dương cho hay.
Một trong những kết quả rõ rệt của các hoạt động phòng ngừa là giảm hẳn tình trạng trẻ đuối nước. Năm 2016 có 80 vụ đuối nước thì năm 2017 giảm còn 25 vụ, năm 2018 giảm còn 11 vụ và đến hiện tại, rất ít vụ đuối nước xảy ra. Tỉnh cũng thẳng thắn phê bình, kỷ luật một số lãnh đạo huyện, xã vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng XHTE.
Tuy nhiên, ông Dương thừa nhận, 98 vụ XHTE xảy ra chưa phản ánh hết thực chất, như "phần nổi của tảng băng chìm". “Nhưng phần nổi chắc chắn là phần nghiêm trọng, được xử lý phần lớn. Còn những vụ khác thì gia đình dàn xếp giấu diếm, thực tế là có. Trong 98 vụ, mỗi vụ đều mang tính nhạy cảm, lãnh đạo tỉnh trực tiếp xử lý từng vụ việc cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao!” - ông Dương cho biết.
Bảo vệ trẻ em gắn với vai trò của tổ chức đoàn thể
Tại cuộc giám sát, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao những hoạt động liên quan đến bảo vệ trẻ em được tỉnh Bắc Giang triển khai hiệu quả, cụ thể với hai việc điển hình là gắn vai trò trách nhiệm và xử lý người đứng đầu và thực hiện tốt việc phòng chống đuối nước ở trẻ, giảm thiểu đáng kể số trẻ bị đuối nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, hai mô hình này cần cân nhắc nhân rộng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cũng ghi nhận việc xã hội hóa nguồn lực cho công tác trẻ em được thực hiện rất tốt, trong bối cảnh kinh phí phân bổ cho tỉnh về lĩnh vực này chưa cao. “Từ các tổ chức đoàn thể đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em - một trong những tổ chức điển hình trong toàn quốc làm tốt ở Bắc Giang về công tác trẻ em, được lãnh đạo tỉnh trực tiếp đứng ra hỗ trợ, đây là điều đáng mừng” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Điều mà Chủ tịch Hội LHPNVN băn khoăn chính là kiến nghị của ngành LĐTBXH tỉnh về việc cần bố trí cán bộ làm công tác trẻ em phải được đãi ngộ xứng đáng và phải là cán bộ chuyên trách. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cần xem lại cách tiếp cận cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em nếu chỉ vì được đãi ngộ xứng đáng mới làm tốt nhiệm vụ. Bởi công tác trẻ em cần có sự tham gia của rất nhiều cấp, ngành thì mới có thể làm tốt gốc rễ vấn đề, từ phát hiện, chăm lo và bảo vệ trẻ em.
Đồng tình với điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho rằng, nói cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ trẻ em nhưng nếu không có người dân tham gia thì khó mà hoàn thành được. Vì vậy việc huy động được các tổ chức xã hội chung tay là điều cần thiết, bên cạnh đó cần phát huy các cơ sở dịch vụ chăm sóc trẻ em tại chỗ mà hiện nay cả tỉnh có khoảng 400 điểm - đó là điểm sáng cần phát huy.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội - cũng ghi nhận một số nỗ lực của tỉnh trong công tác tuyên truyền về bảo vệ gia đình, trẻ em, trong đó là việc thành lập được mô hình “Tòa án gia đình” hiện có ít địa phương làm được, kể cả Hà Nội. Bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý về việc cần quan tâm hơn đến các vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo trong tiếp cận tuyên truyền kỹ năng phòng chống XHTE, bởi phần lớn các chương trình này đều được xã hội hóa, tập trung vào nơi phụ huynh có thu nhập cao.
Còn theo ông Tạ Văn Hạ - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - cần xem xét con số 70 vụ có đối tượng xâm hại là người lạ, người ngoài. Theo ông Hạ, địa bàn tỉnh phức tạp, tội phạm được trấn át ở thành phố lớn dạt đến, hoặc từ biên giới vào, có cả tội phạm nước ngoài. Do đó, tỉnh cần phân tích nguyên nhân để đưa ra giải pháp phòng ngừa.
Kết luận cuộc giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dù tỉnh Bắc Giang có nhiều nỗ lực nhưng nguy cơ XHTE vẫn tiềm ẩn khi phạm vi địa điểm không chỉ ở đô thị mà rộng ra mọi địa bàn, đến nông thôn miền núi, thậm chí ở trường học. 3 vấn đề mà Bắc Giang cần quan tâm chính là mối liên hệ giữa gia đình, cộng đồng cơ sở và nhà trường, từ đó tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật, kỹ năng cho trẻ.
“Đoàn giám sát sẽ rút hồ sơ của một số vụ, đọc kỹ hồ sơ để rà soát quy trình xem tỉnh đã thực hiện đúng chưa, còn vướng mắc chỗ nào, từ đó làm cơ sở để điều chỉnh về vấn đề pháp lý. Còn về mặt hình sự, luật đã quy định rất nghiêm khắc, vấn đề lưu ý là áp dụng như thế nào cho tương xứng với tính chất phạm tội” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh. Cũng theo ông, thực tế đã có nhiều địa phương làm tốt trong việc phòng chống XHTE, với kinh nghiệm là dựa vào dân, dựa vào cơ sở, phát huy vai trò của các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ.
“Những tổ chức này, nếu làm có tâm huyết và trách nhiệm, chắc chắn họ sẽ làm tốt” - ông Uông Chu Lưu nói.