Bác sĩ chỉ cách trị táo bón ở trẻ

22/03/2016 - 16:23
Táo bón là một bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp, có thể gây những hậu quả khó lường như khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
Theo các bác sĩ Nhi khoa, một đứa trẻ khỏe mạnh trong độ tuổi 1-4 sẽ đại tiện từ 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, do bị táo bón nên có bé mấy ngày không đi cầu lần nào.

Trẻ bị táo bón thường có một số dấu hiệu sau: Giảm số lần đại tiện bình thường. Mỗi lần đi đại tiện rất khó khăn và có cảm giác đau. Chất thải rất cứng và khô… Thấy những biểu hiện này ở con, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách chữa trị cho trẻ. Ngoài ra, táo bón làm bụng trẻ đầy chướng, khó chịu, hay quấy khóc, mệt mỏi, ít ăn và không chịu chơi.

1395626442-tretaobon1.jpg
 Táo bón khiến trẻ biếng ăn. Ảnh minh họa

Táo bón được chia làm 2 loại: Táo bón cơ năng, chủ yếu là do chế độ ăn, sinh hoạt gây ra như uống ít nước, ăn ít chất xơ, mải chơi không chịu đi vệ sinh, sợ bẩn. Táo bón thực thể, do một số bệnh gây nên như phình đại tràng bẩm sinh, nứt kẽ hậu môn, suy giáp trạng, đại tràng dài.

BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, có nhiều cách để nhận diện trẻ bị táo bón.Với những trẻ nhỏ bú mẹ (chưa ăn dặm), có thể cả tuần mới đi cầu nhưng phân mềm thì không phải táo bón, khi đi cầu bé có thể vặn vẹo nhăn mặt là do tập rặn. Để đối phó với tình trạng này, mẹ chỉ cần xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ và bình tĩnh chờ.

Cũng có những trường hợp trẻ bị táo bón do mẹ cho sử dụng sữa ngoài pha quá đặc. Khi đó mẹ cần chú ý pha sữa theo đúng hướng dẫn.

Khi đi học, có bé ham chơi nên nín cầu, sợ nhà cầu ở trường mất vệ sinh nên nín cầu; ăn nhiều thức ăn không đủ chất xơ, uống không đủ nước; ít vận động... Những trường hợp này, cần kiên trì tập cho bé đi cầu đúng giờ ngày đi 2 lần thường sau ăn sáng và sau ăn chiều, mỗi lần ngồi từ từ 5-10 phút, hát hay vừa đọc gì vừa đi cầu; cho bé ăn đủ rau, trái cây, sữa chua...

lam-gi-khi-tre-bi-tao-bon-1.jpg
Cho bé ăn đủ các loại rau xanh, trái cây sẽ cải thiện được tình trạng táo bón. Ảnh minh họa.

Đối với trường hợp trẻ bị táo bón kinh niên, theo BS Khanh, trẻ có những biểu hiện như: Rất sợ đi cầu; phân cứng; chướng bụng, đau bụng, chảy máu khi đi cầu... Để khắc phục, ngoài việc tập cho bé đi cầu đúng giờ và ăn đủ các loại rau xanh, trái cây, thì khi cần thiết có thể phải dùng thuốc mềm phân, nhiều trường hợp phải dùng vài tháng, thậm chí phải dùng tới lớn.

"Quan niệm sai lầm trong chữa táo bón kinh niên là nghĩ thuốc mềm phân có hại, gây thói quen lờn thuốc, nên các mẹ thường tự ngưng khi thấy con đã bớt táo bón. Vì thế, cha mẹ không nên dừng cho con uống thuốc, đồng thời khuyến khích bé tập đi cầu, giải thích cho bé tình trạng này sẽ hết khi lớn. Nếu tất cả các biện pháp trên vẫn không giải quyết được tình trạng táo bón của trẻ, mẹ nên đưa bé đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa nhi", BS Khanh lưu ý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm