Theo ThS Lê Lan Anh, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây từ người sang người, chủ yếu theo đường tiêu hóa, dễ gây thành dịch, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhỏ, đặc biệt là nhóm tuổi mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh có nhiều mức độ khác nhau, có thể chỉ biểu hiện tại da niêm mạc, cũng có thể diễn biến phức tạp và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... thậm chí dẫn đến tử vong.
Biểu hiện ban đầu của chân tay miệng là sốt, thông thường sốt nhẹ, có thể không sốt hoặc sốt thoáng qua nhưng có thể sốt rất cao. Tiếp theo xuất hiện các tổn thương ở da niêm mạc. Ở miệng thường có các nốt phỏng nước sau vỡ thành các vết loét, bội nhiễm có mủ, xung quanh miệng có thể có các ban đỏ. Trên lòng bàn tay, bàn chân có các nốt phỏng nước nổi cộm trên mặt da, tổn thương da có thể gặp ở mông, đầu gối.... Ngoài ra trẻ có thể có các biểu hiện nhiễm virus như viêm hô hấp, tiêu chảy...
“Trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần vì mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm chủng virus khác thuộc nhóm enterovirus”, ThS Lê Lan Anh cho biết.
Ở các ca bệnh thể nhẹ, trẻ sốt nhưng vẫn kiểm soát được nhiệt độ bằng thuốc hạ nhiệt, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được... Bác sĩ sẽ hướng dẫn gia đình theo dõi, điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ; bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanh methylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitamine bằng hoa quả tươi và thường trẻ sẽ tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.
Tuy nhiên, ThS Lê Lan Anh cho biết, có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển sang độ nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: Sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ nhiêt, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi ngủ, quấy khóc liên tục bất thường.
Bệnh tay chân miệng dễ dẫn đến các biến chứng nếu nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: Thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
“Giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh do nhiễm virus tay chân miệng. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ, quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu trẻ có các triệu chứng giật mình, quấy khóc nhiều hoặc sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để theo dõi phát hiện sớm các biến chứng nặng nề”, ThS Lan Anh khuyến cáo.
Gần 62.000 trẻ mắc tay chân miệng, 6 ca tử vong Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến đầu tháng 10/2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Một số tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh cao, tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu... |