'Bác sĩ hề' xoa dịu nỗi đau tuổi thơ

19/09/2015 - 13:16
Có những chú hề không ở trong các rạp xiếc hay nhà hát, mà xuất hiện tại những bệnh viện nhi. Đó là các 'bác sĩ hài' dùng nụ cười xoa dịu nỗi đau cho trẻ thơ.
Sức mạnh của “bác sĩ hề”
Tại Bệnh viện nhi Carmel (TP Haifa, Israel), một bé gái 10 tuổi ngồi trên xe lăn, được 2 y tá ân cần đưa đến phòng xét nghiệm. Suốt 15 phút nhưng bác sĩ không thể lấy được máu của bé để tiến hành các xét nghiệm vì em la khóc, giãy giụa. Không khí phòng khám trở nên nặng nề... Với chiếc mũi đỏ rực, bộ quần áo màu mè, bác sĩ hề với biệt danh Dush bước vào khiến mọi thứ thay đổi. Trò thổi bong bóng, lối kể chuyện hài hước của anh hề đã làm bé gái mỉm cười, thích thú, không còn để ý tới việc bác sĩ đang lấy máu của mình.
Dush tên thật là David Barashi, từng làm việc trong các nhà hát và các loại hình nghệ thuật khác hơn 15 năm. Anh làm việc với tư cách là “chú hề bác sĩ” chuyên nghiệp trong dự án từ thiện “Dream Doctors” (Bác sĩ ước mơ) đã được 10 năm. Ngoài việc có mặt tại các bệnh viện ở Israel, anh còn thực hiện những chương trình và thuyết giảng cho nhân viên bệnh viện trên khắp thế giới như ở Mỹ, Nepal, Singapore, Bulgaria, Ethiopia, Việt Nam... Ngoài Dush, ở Israel hiện có 90 “chú hề bác sĩ” làm việc trong 28 bệnh viện với khoảng 200.000 trẻ mỗi năm. Dự án “Dream Doctors” đang có kế hoạch chuyển sang bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh Alzheimer và mất trí nhớ.

Liệu pháp chú hề bác sĩ xuất phát từ một thực tế rằng cười là yếu tố giúp việc chữa trị hiệu quả hơn, đặc biệt với trẻ em phải ở bệnh viện trong thời gian dài

Tại Mỹ, Thụy Sĩ, Anh, Belarus, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba…, các dự án “bác sĩ hề” đã được triển khai từ nhiều năm nay. Từ năm 1986, các nghệ sĩ biểu diễn xiếc và chuyên gia y tế trên thế giới đã đề cập đến liệu pháp trị bệnh bằng tiếng cười. Liệu pháp này xuất phát từ một thực tế rằng cười là yếu tố giúp việc chữa trị hiệu quả hơn, đặc biệt với trẻ em phải ở bệnh viện trong thời gian dài.
TS Hunter Patch Adams (Mỹ) là người có công lớn đưa hề trở thành một liệu pháp chữa trị từ những năm 1980. Sự cống hiến cho y học của ông đã được dựng thành phim vào năm 1998 với diễn xuất của ngôi sao Robin Williams. Theo tạp chí nhi khoa của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, có đến 60% trẻ lo âu trong giai đoạn trước phẫu thuật như cảm giác căng thẳng, hốt hoảng, bối rối. Sự lo âu cao sẽ là một tác nhân dẫn đến các rắc rối sau phẫu thuật. Chất hài hước giúp bác sĩ tiếp cận người bệnh dễ dàng hơn, tìm được sự đồng cảm với các em, để rồi nhận lại sự cộng tác tích cực của bệnh nhi trong điều trị. 
Không chỉ mang đến nụ cười, Câu lạc bộ hề Bijouxxx (Hà Lan) của chị Evelyn Citroen còn có những nụ hôn, truyền cho các em niềm vui và cảm nhận nồng ấm về một niềm tin chiến thắng nỗi buồn, bệnh tật. Để có thể biến nỗi đau thành nụ cười, biến nghi ngờ thành sự tin tưởng và thấu hiểu, chị Citroen đã không ngừng học hỏi, tham gia đoàn hề đến từ nhiều nước. Họ không ngại khó khăn, thiếu thốn, vét từng đồng trong túi để hỗ trợ các gia đình nghèo. Chính cái tâm của họ đã truyền niềm vui cho những bệnh nhi đang phải chịu nỗi đau thể xác. Có em bé đang bị tiêm, nước mắt lưng tròng đã kịp quên đau mà nhoẻn cười. Chị Citroen tâm sự: “Ở nhiều làng quê châu Phi, người dân coi việc con mình bị bệnh là sự trừng phạt của Chúa Trời, vì thế chính họ cũng rất đau khổ. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp họ vượt qua nỗi đau, giúp các em có được niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Lúc đó, chính nụ cười được chắt ra từ rất nhiều nước mắt!”.
Vào vai người hùng của trẻ thơ
Domique Bayle (58 tuổi, người Pháp), giáo viên thể chất kiêm hướng dẫn viên trượt tuyết đã lập ra Hiệp hội “Petits prince” (Hoàng tử nhỏ) với trụ sở được đặt tại quận 14 của thủ đô Paris. Mục đích là để giúp đỡ các trẻ em bị bệnh nặng như ung thư, bệnh bạch cầu hoặc một số bệnh do gene di truyền tìm lại được chính mình, quên đi đau đớn và hy vọng về tương lai. Các em được tiếp thêm năng lượng và sự yêu đời để chống chọi với bệnh tật. Giúp các em gặp gỡ các vận động viên hay các nghệ sĩ yêu thích, thu đĩa, đi du lịch, bơi lội cùng cá heo, cưỡi ngựa, xem xiếc, trở thành công chúa… đó là việc mà bà Dominique cùng các tình nguyện viên đã làm suốt 27 năm qua.

Để mang tới bất ngờ cho những em mắc bệnh đang lưu trú trong viện, họ ăn vận như những người hùng được các em yêu thích

Không chỉ có bà Dominique, nhiều nhân viên của công ty lau cửa kính High Rise Window Cleaners ở Mỹ cũng thường mặc trang phục độc đáo đến phục vụ tại các bệnh viện nhi. Để mang tới bất ngờ cho những em mắc bệnh đang lưu trú trong viện, họ ăn vận như những người hùng được các em yêu thích: Người Sắt, người Nhện, người Khổng lồ xanh, người Dơi, siêu nhân... Tất cả các bệnh nhi đều ngạc nhiên, ngay cả các y tá và cha mẹ các em cũng bất ngờ.
Chính niềm vui đó là động lực ý nghĩa nhất đối với “những anh hùng của trẻ thơ”. Họ yêu cầu được giấu kín danh tính để tập trung vào việc khích lệ những đứa trẻ trong bệnh viện hơn là sự nổi tiếng cho họ. Theo đại diện của các bệnh viện, đây là liệu pháp điều trị hữu ích giúp các em có thể vơi đi nỗi đau bệnh tật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm