pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ khoa sản đưa ra những cách để nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Vai trò của người chồng đặc biệt quan trọng giúp người phụ nữ vượt qua được giai đoạn buồn thoáng qua
Phụ nữ dễ rơi vào trầm cảm sau sinh khi ở một mình, không có gia đình bên cạnh
Sự việc người mẹ trẻ dìm chết 2 con nhỏ (2 và 5 tuổi) dưới sông ở Nam Định mới đây, nghi do người mẹ mắc bệnh loạn thần là một trong số rất nhiều bi kịch gia đình, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có thể giết dần, giết mòn người mẹ?
BS.CK2 Lương Bạch Lan – Trưởng khoa Hậu sản A, BV Hùng Vương cho biết sau khi sinh, người phụ nữ rất dễ rơi vào trầm cảm, đây là một căn bệnh nguy hiểm, có thể giết dần, giết mòn người phụ nữ.
"Lúc đầu chỉ là cảm xúc buồn nản, lo vô cớ, xong dần dần người mẹ có cảm giác mình có tội, không chăm sóc được con, thậm chí còn hoang tưởng rồi giết cả con rồi tự sát", BS Lương Bạch Lan nói về mức độ nguy hiểm của trầm cảm sau sinh.
Theo BS Lương Bạch Lan, sau khi sinh em bé, về mặt sinh học, cơ thể người mẹ có những thay đổi về nội tiết tố khiến người mẹ rơi vào tình trạng buồn thoáng qua, điều này dễ thấy nhất ở giai đoạn 3-5 ngày sau sinh.
Trong giai đoạn này, người mẹ hay gặp tình trạng buồn vô cớ, dễ khóc, dễ cười, nếu có người quan tâm, san sẻ thì tình trạng buồn thoáng qua của người mẹ sẽ hết, nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm, sau đó là loạn thần sau sinh, rất khó để điều trị.
"Theo thống kê gần đây thì trong vòng 3 tháng đầu tiên, 15% phụ nữ sau sinh rơi vào trầm cảm, tỷ lệ là 25% trong 1 năm đầu. Về tình trạng trầm cảm sau sinh trước đây ít được quan tâm nhưng bây giờ đã phổ biến hơn", BS Lương Bạch Lan nói.
Để có thể nhận biết được một người phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, Trưởng khoa Hậu sản A, BV Hùng Vương cho biết bắt đầu từ những thay đổi về tâm sinh lý, cảm xúc, hành vi của người phụ nữ.
"Về mặt cảm xúc, người phụ nữ sau sinh hay buồn, chán nản, cáu gắt, tránh né giao tiếp rồi dần dần cảm thấy mất hứng thú với các hoạt động, sinh hoạt, mệt mỏi trong công việc. Nặng hơn nữa là người phụ nữ không chăm sóc được cho bản thân mình, trí nhớ giảm sút, quên những việc lặt vặt hằng ngày, mất tin tưởng vào bản thân. Tự thấy cảm giác tội lỗi, tự buộc tội bản thân, chăm sóc con lúng túng…, cảm thấy không phải là người mẹ tốt, thậm chí có những ý nghĩ hoang tưởng, ý định tự tử", BS.CK2 Lương Bạch Lan nói.
Phụ nữ sau sinh thường trầm cảm khi "ở một mình"
Theo BS Lương Bạch Lan, những người mẹ sinh con lần đầu tiên hoặc không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, một mình chăm con, con bệnh tật… thường hay gặp về vấn đề tâm lý, dễ bị trầm cảm sau sinh hơn. Ngoài ra, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế cũng tác động vào tinh thần người mẹ sau sinh.
"Vai trò của gia đình, đặc biệt là người chồng sau khi sản phụ sinh con rất quan trọng. Người chồng phải chia sẻ được những cảm xúc của vợ. Sau sinh em bé thì người mẹ mệt mỏi, hay đau khi căng sữa, đau tử cung, nếu lúc này người chồng phụ chăm sóc, bồng bế con, trông con cho vợ ngủ… thì sẽ giúp người mẹ đỡ căng thẳng hơn.
Người chồng cũng cần chia sẻ công việc gia đình, nuôi con, chăm sóc con, quan tâm vợ sẽ giúp người vợ không cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình", BS.CK2 Lương Bạch Lan phân tích.
Một trong những lý do khiến người phụ nữ rơi vào trầm cảm khi đứa con sinh ra mắc bệnh, phải tách rời mẹ từ lúc chào đời, điều trị ở một nơi khác. Trường hợp này rơi vào nhóm phụ nữ điều trị hiếm muộn khi mang thai dễ sinh non hơn. Vậy nên khi con chào đời thì mẹ nằm ở một nơi, con nằm ở một nơi, tác động rất lớn vào tâm lý người mẹ.
"Người mẹ lúc căng sữa nhưng không thể cho con bú, rồi họ nhìn những người mẹ kế bên có con, bản thân lại phải xa con. Nhiều người mong muốn nghe được tiếng khóc của con thôi cũng ấm lòng nhưng không được. Từ đó, nỗi lo âu, buồn chán khiến người mẹ tự đặt câu hỏi tại sao người mẹ khác có con ở bên còn mình lại không? Từ buồn chán dẫn đến thất vọng, trở nên cáu gắt, sau đó là suy nghĩ và hành vi tiêu cực", BS. Lương Bạch Lan chia sẻ.
Theo BS Lan, trầm cảm sau sinh không chỉ "tấn công" người mẹ, đứa bé mà còn ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. Tại BV Hùng Vương, có trường hợp bệnh nhân trầm cảm sau sinh có ý định tự tử, la hét, đập phá và đòi nhảy ra khỏi hành lang bệnh viện. May mắn là nhờ có sự can thiệp kịp thời của đội ngũ nhân viên bệnh viện, gỡ nút thắt tâm lý, lo âu của người mẹ nên đã không xảy ra nguy hiểm.
Để giúp người phụ nữ tránh tình trạng trầm cảm sau sinh, BS. Lan cho rằng người mẹ cần có những hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, được phụ giúp chăm sóc con, không để người mẹ một mình tự xoay xở mọi thứ. Vai trò của người chồng và gia đình rất quan trọng trong giai đoạn này.
Khi phát hiện người mẹ có những lo âu, biểu hiện bất thường về tâm sinh lý, người thân nên có sự chia sẻ, trò chuyện để hiểu về những khó khăn, vướng mắc mà bản thân người mẹ đang gặp phải. Đồng thời đưa người phụ nữ sau sinh đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị chuyên khoa kịp thời.