pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ Mỹ tặng gần 500 hiện vật văn hóa cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật do ông Mark Rapoport trao tặng
Ngày 17/5, nhân dịp chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 2022, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu chủ đề Bảo tàng – Nơi kết nối tình yêu di sản, đón nhận gần 500 hiện vật văn hóa Việt Nam do ông Mark Rapoport cùng gia đình trao tặng.
Năm 1969, Mark Rapoport lần đầu đến thăm Việt Nam khi còn là sinh viên y khoa. Ông được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cử đi làm tình nguyện viên y tế, hầu hết làm việc tại bệnh viện TP Đà Nẵng và ở các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ nơi đây, ông đã sưu tầm những hiện vật văn hóa của Việt Nam.
Sau đó, ông trở về Mỹ làm việc tại thành phố New York trong 25 năm tại các trường y tế, bệnh viện và Chính phủ. Năm 2001, ông cùng gia đình đến sống ở Hà Nội để thực hiện một nghiên cứu lớn về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã sưu tầm được một bộ sưu tập lớn về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ đồ vật của các dân tộc thiểu số, nhưng sau đó là các đồ vật của người Kinh và tổ tiên của họ.
Trong vòng 20 năm, Mark Rapoport đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật về văn hóa của các dân tộc tại Việt Nam. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và ông Mark Rapoport có cơ duyên gặp nhau từ cách đây hơn 10 năm, tổng số hiện vật ông trao tặng cho Bảo tàng tính đến nay là 650 hiện vật với đa dạng các loại hình và chất liệu. Lý giải cho điều này, ông chia sẻ: "Tôi trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì tôi yêu quý và rất tin tưởng nơi này. Đây sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt những giá trị của chúng".
Trong ngày 17/5, Mark Rapoport đã trao tặng gần 500 hiện vật, tiêu biểu là các bộ sưu tập: Dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng... Số hiện vật được trao tặng không chỉ có giá trị văn hóa mà với ông Mark Rapoport đó còn là những kỷ niệm về những chuyến đi sưu tầm, về những lần ông bất ngờ với văn hóa Việt Nam.
Có thể kể đến là chiếc gùi 3 ngăn – một trong hai hiện vật đầu tiên ông đã mua trong chuyến công tác lần đầu tại Việt Nam năm 1969 từ những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam. Hay bộ sưu tập bao đựng dao của người Nùng làm bằng gỗ với những dòng chữ, hình ảnh được khắc ở xung quanh và bên trong chiếc bao thể hiện tình yêu, sự lãng mạng của người dân tộc Nùng. Độc, lạ và kỳ công hơn nữa là 20 bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần trong đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (như Cô Chín, Bà Mụ…).