pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bác sĩ sản khoa giải đáp chi tiết: Chọn sinh mổ chủ động khi nào?
1. Sinh mổ là gì?
Theo Ts.Bs Phạm Ngọc Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Thanh Nhàn, sinh mổ là một phương pháp sinh em bé thông qua một vết mổ trên thành bụng. Sinh mổ chủ động là việc lên kế hoạch trước để sinh con. Điều này thường được thực hiện nếu có các vấn đề ngăn cản quá trình sinh thường hoặc nếu sức khỏe của người mẹ không cho phép.
Tại Việt Nam, theo các thống kê từ các trung tâm sinh sản, có tới gần 50% trường hợp đẻ con là sinh mổ, và nhiều nơi còn có tỷ lệ cao hơn. Tỉ lệ sinh mổ ngày càng cao trong những năm gần đây, các mẹ có xu hướng chọn sinh mổ kể cả khi không có chỉ định y khoa.
2. Những trường hợp sinh mổ sẽ tốt hơn sinh thường
+ Với người mẹ:
Bác sĩ có thể tư vấn sinh mổ chủ động cho bạn trong các trường hợp sau:
+ Gần đến ngày sinh nhưng thai chưa quay đầu xuống.
+ Thai có kích thước lớn hoặc mang thai nhiều bé cùng lúc.
+ Mẹ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt đường sinh dục có thể lây nhiễm cho trẻ trong quá trình sinh thường.
+ Mẹ mắc bệnh lý tim mạch đặc biệt thì sinh thường có thể gây nguy hiểm.
+ Mẹ đã sinh mổ nhiều lần trước đây hoặc sức khỏe yếu khó sinh thường bình thường.
+ Mẹ từng phẫu thuật tử cung trước đó.
Ngoài sinh mổ chủ động, có những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển dạ, thì bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai như:
+ Thai có dấu hiệu suy thai như nhịp tim quá nhanh, quá chậm.
+ Quá trình chuyển dạ cổ tử cung tiến triển chậm,hoặc ngừng không tiến triển thêm trong thời gian dài.
+ Trẻ có kích thước quá lớn, mẹ gặp khó khăn hoặc không thể sinh thường.
Các vấn đề liên quan tới phần phụ của thai như rau tiền đạo, bất thường đường âm đạo có thể dẫn tới các vấn đề nguy hiểm cho sản phụ nếu sinh thường.
Ngoài những trường hợp trên, phương pháp sinh mổ dần được nhiều mẹ bầu lựa chọn do không mất sức, không gây đau đớn nhiều như sinh thường. Trong suốt quá trình ca mổ đẻ diễn ra, mẹ vẫn hoàn toàn tỉnh táo để cảm nhận, trải nghiệm thời khắc sinh con và bế con sau sinh. Thời gian của ca sinh mổ cũng thường ngắn hơn so với sinh thường, có thể chủ động thời gian cho cả mẹ và gia đình. Một số gia đình còn chọn giờ sinh mổ để mong em bé sau này có tương lai xán lạn…
Đối với em bé:
Sinh mổ là lựa chọn an toàn hơn cho bé trong các trường hợp nếu chọn sinh thường thì bé có thể gia tăng tỷ lệ gặp các vấn đề bất lợi như: thai to, cân nặng trên 4kg, ngôi thai không thuận, thai có vấn đề đặc biệt như chậm tăng trưởng trong tử cung, hoặc bất thường về phần phụ của thai (dây rốn, rau, ối,...),… Nếu gặp các vấn đề khó khăn phát sinh trong quá trình sinh thường thì sinh mổ lấy thai sẽ giúp bác sĩ xử trí nhanh hơn để gia tăng tính an toàn cho mẹ và bé.
3. Các vấn đề bất lợi khi sinh mổ so với sinh thường
Bác sĩ Hà cho hay: "Một số thai phụ chọn mổ chủ động do sở thích cá nhân hơn là vì lý do y tế. Tuy nhiên, quyết định này có nguy cơ gây hại cho cả mẹ và bé.
Đối với người mẹ: Với phương pháp sinh mổ, sản phụ cần sử dụng thuốc gây tê và có thể cả thuốc gây mê, các loại thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ như: giảm nguồn sữa mẹ, tụt huyết áp, giảm sự co thắt bình thường của tử cung, đau đầu vai gáy kéo dài… Ngoài ra sinh mổ có thể khiến mẹ bị mất máu nhiều hơn có thể phải truyền máu, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, nguy cơ tổn thương các cơ quan khác. Những mẹ đã sinh mổ được khuyến cáo lần mang thai tiếp theo là sau 24 tháng để giảm các nguy cơ do mang thai xuống mức thấp nhất. Nhưng nếu bạn có thai trước thời gian này thì cũng không nên bỏ thai, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và theo dõi, quá trình khám thai chuẩn theo dõi sát sao sẽ giảm thiểu các nguy cơ do mang thai sớm sau sinh mổ gây ra.
Đối với em bé: So với trẻ sinh thường, đầu tiên, trẻ sinh mổ dễ mắc các bệnh hô hấp như chậm tiêu dịch phổi, do lồng ngực của trẻ không được ép chặt để đẩy nước trong phổi ra hết giống như lúc chui qua đường âm đạo. Thứ hai trẻ không có hệ vi sinh vật giống như những em bé được đẻ thường, trên thế giới đã có những bằng chứng là những nghiên cứu về vấn đề này trẻ sinh mổ có thể bị rối loạn đường ruột trong 6 tháng đầu sau sinh.
Sau khi sinh mổ, thường là sữa mẹ về chậm hơn so với sinh thường, do đó bé không được nhận kháng thể tốt từ sữa mẹ ngay sau sinh.
Có những trường hợp hi hữu nhưng vẫn có thể xảy ra, đó là trẻ sinh mổ bị nhiễm độc thuốc gây mê do thuốc dùng cho mẹ trong quá trình sinh. Trẻ sinh ra có thể ngủ luôn, không có phản xạ khóc và hô hấp bình thường, có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp, suy hô hấp rất nguy hiểm,…
Tuy là cha mẹ có quyền quyết định về phương pháp sinh mà bạn muốn, nhưng mẹ bầu cũng cần biết rằng sinh mổ là một phẫu thuật lớn, và các biến chứng rất hiếm gặp nhưng có thể rất nghiêm trọng. Vì vậy, quyết định này cần được đưa ra một cách sáng suốt. Nếu bạn đang xem xét sinh mổ chủ động vì lý do cá nhân, hãy đặt câu hỏi và thảo luận các mối quan tâm của bạn với bác sĩ quản lý chăm sóc sức khỏe của bạn để có quyết định tốt nhất cho mẹ và bé của bạn".
4. Mẹ cần chú ý điều gì sau sinh mổ?
Theo bác sĩ Hà, mẹ cần chú ý 6 điều sau ngay sau khi cuộc sinh mổ diễn ra:
1. Nghỉ ngơi nhiều:
Sinh mổ là phẫu thuật lớn. Cũng giống như với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, cơ thể bạn cần thời gian để chữa lành sau đó, sinh mổ cần 6-8 tuần.
2. Chăm sóc cơ thể:
+ Tránh đi lên và xuống cầu thang nhiều.
+ Để tiện cho việc sử dụng thức ăn và đồ dùng thay tã, hãy giữ chúng gần mình để tránh phải đứng lên quá thường xuyên.
+ Không nên nâng những đồ vật nặng hơn bé của bạn. Hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ đối tác, bạn bè hoặc gia đình.
+ Khi ho hoặc hắt hơi, hãy giữ bụng để bảo vệ vết mổ.
+ Cần mất tới 8 tuần để mẹ phục hồi hoàn toàn.
+ Tránh tập thể dục quá mức, nhưng hãy đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên. Việc di chuyển sẽ giúp cơ thể phục hồi và ngăn ngừa táo bón và huyết khối.
3. Giảm đau:
Hỏi bác sĩ về những loại thuốc giảm đau phù hợp, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú hoặc vắt sữa. Bên cạnh sử dụng thuốc giảm đau, bạn có thể dùng chườm ấm để giảm đau ở vị trí phẫu thuật.
4. Tập trung vào chế độ dinh dưỡng tốt:
Dinh dưỡng tốt vẫn rất quan trọng trong những tháng sau khi sinh con như thời gian mang thai trước đó. Nếu bạn đang cho con bú hoặc vắt sữa, bạn vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho con của bạn. Ăn đa dạng thực phẩm sẽ giúp bé của bạn khỏe mạnh và giúp bạn củng cố sức khỏe. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy ăn nhiều trái cây và rau quả trong khi cho con bú sẽ truyền vị cho sữa mẹ, tăng cảm giác thích thú và tăng tiêu thụ thực phẩm đó khi trẻ lớn lên.
Đồng thời, mẹ bỉm cũng cần uống đủ nước và các loại thức uống khác để tăng sản lượng sữa và tránh táo bón.
5. Chú ý đến những thay đổi sau sinh:
Những thay đổi mà bạn có thể trải qua bao gồm:
+ Cơn đau bụng sau sinh, một loại đau giống như chu kỳ kinh nguyệt xảy ra khi tử cung của bạn trong giai đoạn co trở lại kích thước trước khi mang thai.
+ Tiết sữa, căng tức ngực.
+ Xuất huyết sau sinh.
+ Khô âm đạo.
+ (Diastasis recti)sự chia tách các cơ bụng.
+ Rụng tóc.
+ Những thay đổi về da, chẳng hạn như da lỏng hoặc mụn trứng cá.
+ Bị đổ mồ hôi vào ban đêm.
+ Đau đầu.
Một số trong số những thay đổi này, chẳng hạn như cơn đau co bụng sau sinh và xuất huyết sau sinh, sẽ dần đi qua trong thời gian. Nếu bạn gặp các vấn đề khác và không có hướng giải quyết, hãy tìm chuyên gia, hoặc hỏi bác sĩ của bạn.
6. Đi khám sau sinh:
Trong khoảng thời gian 3 tháng sau sinh được gọi là giai đoạn thứ tư của thai kỳ. Hiệp hội Nhi khoa và Sản khoa Mỹ (ACOG) khuyên rằng người phụ nữ nên đi khám ít nhất 2 lần trong giai đoạn này.
Lần khám đầu tiên nên được thực hiện không muộn hơn 3 tuần sau sinh( ở việt nam hiện nay thường là 1 tháng sau sinh). Lần khám thứ 2 nên được thực hiện trước thời hạn 3 tháng(12 tuần) sau sinh.
Trong những lần khám này, mẹ bỉm sữa và bác sĩ của bạn sẽ thảo luận về các chủ đề như: Phục hồi thể chất của bạn; Tâm lý, sức khoẻ và cách bạn ngủ tốt nhất.; Tình trạng sức khỏe của bé và lịch cho bé bú sữa; Phương pháp tránh thai; Hay trong một số trường hợp thì cần quản lý các bệnh mãn tính, quản lý các biến chứng liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ.