pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài 1: Livestream bán hàng, đón đầu hành vi mua sắm của người tiêu dùng
Lê Dương Bảo Lâm, một trong số các nghệ sĩ nổi tiếng livestream bán hàng thu hút hàng triệu lượt view. Ảnh: IT
Đặc biệt dịch Covid-19 đã tác động thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng chọn mua online, nơi mà thứ gì cũng có, kể cả hàng hiệu.
Livestream bán hàng, nhiều cạnh tranh khốc liệt
Theo We are Social vào tháng 1 năm 2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, Facebook chiếm 66,20 triệu, đạt tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1% trên tổng dân số. Theo phân tích của Kepios, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022. Theo đó, trung bình trong một ngày, người dùng Việt Nam đã dành ra 6 giờ 52 phút để truy cập mạng Internet.
Trong đó, họ dành 2 giờ 37 phút để sử dụng mạng xã hội, 2 giờ 43 phút để xem các livestream hoặc video online và dùng 1 giờ 21 phút để nghe nhạc trực tuyến. Với tốc độ công nghệ internet bùng nổ nhanh chóng và phổ biến ở Việt Nam như vậy, người tiêu dùng rõ ràng đã tiếp cận thông tin và sử dụng kênh mua sắm theo phương thức trực tuyến trên các loại thiết bị điện tử đa dạng.
Nếu một cửa hàng truyền thống một ngày phục vụ 200 khách đã được xem là công suất lớn thì một lần livestream bán hàng của một người kinh doanh online có thể thu hút 3000 đến hàng chục ngàn người vào xem, tuỳ vào sức hút của người bán hàng.
Chị T.H, người kinh doanh online chia sẻ: "Mình từng làm tư vấn môi giới trong lĩnh vực OEM cho các công ty, cá nhân kinh doanh (Original Equipment Manufacturing /sản xuất thiết bị gốc/ sản xuất sản phẩm gốc). Và trung bình một khách hàng OEM 10.000 sản phẩm có thể bán 2 năm chưa hết. Nhưng 10.000 sản phẩm đó, người livestream có thể bán trong 5 ngày đến 1 tuần. Đổi lại bài toán về giá khác nhau. Tại sao người ta đổ xô mua hàng livestream? Bán hàng truyền thống theo giá niêm yết, đầu tư chí phí mặt bằng, nhân viên, marketing thì giá của sản phẩm sẽ phải gấp 3 đến 5 lần so với giá gốc.
Trong khi hiện nay tôi livestream bán hàng thì chỉ cần tăng giá 10, 20% so với giá cost là có lời, có lời là bán. Bán để dịch chuyển dòng tiền nhanh nhất. Giải phóng kho hàng và thay mới các mặt hàng để thu hút khách". Trả lời cho câu hỏi, vì sao khách lại chọn mua hàng của chị, chị T.H cho biết công ty đang giải quyết kho hàng tồn khổng lồ cho một số nhãn hàng có tiếng. Ngay từ khi bắt đầu chuyển hướng bán hàng online, chị T.H đã xác định mình sẽ chọn bán hàng hiệu giá tốt. Vậy hàng hiệu có thực sự giảm giá hay bán hàng tồn kho với giá rẻ hay không?
Ngoài hàng hiệu tồn kho
Trên thế giới, nhiều năm trước, những cái tên như Louis Vuitton, Chanel, Hermès, Burberry... cũng đều huỷ, đốt bỏ phụ kiện, quần áo không bán hết hằng năm để bảo vệ tính xa xỉ của thương hiệu chứ tuyệt đối không giảm giá. Lí do chính thức được các nhãn hàng cao cấp này đưa ra chính là bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn ngừa vấn nạn hàng nhái. Tại Việt Nam, một trong những mặt hàng thời trang là kính mắt cũng có những con số tồn kho đáng chú ý.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Kính mắt Việt Tín đạt gần 235 tỷ đồng, tăng 29% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho chiếm phần lớn với 148 tỉ đồng. Tương tự, đến ngày 31/12/2022, tài sản của công ty TNHH Kính mắt Việt Nam khoảng 126 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm phần lớn, tương ứng 78% tổng tài sản công ty.
Để xử lý vấn đề này, một số nhãn hàng đã có những thay đổi trong hướng xử ý hàng tồn trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm này theo hướng uyển chuyển hơn. Một trong những cách đó là họ tìm các kênh phân phối hàng hiệu lỗi mùa, tồn kho tại các thị trường khác nhau.
Tại Việt Nam, ra đời từ 5 năm trước, Vstyle, công ty chuyên bán hàng giảm giá của 300 thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa, thời trang và phụ kiện nổi tiếng thế giới đã xuất hiện, thu hút hàng triệu tín đồ săn hàng hiệu. Các sản phẩm thời trang xa xỉ lỗi mùa, quá tuổi nhưng với giới mua sắm bình dân thì vẫn là mặt hàng đáng mơ ước.
Tuy vậy, theo chị T.H, đa số dân livestream bán hàng không đủ năng lực để làm việc và kết nối với các nhãn hàng có tên tuổi, họ bán hàng "fake" và hàng giả rất nhiều. Lí do, trừ những người nổi tiếng có vài trăm ngàn đến vài triệu lượt người theo dõi trên mạng, những người kinh doanh online phải trả các khoản phí khổng lồ cho các nền tảng facebook, youtube, tiktok, instagram để tăng tương tác thu hút người vào xem livestream của mình để bán hàng.
Chi phí trên facebook ngày càng tăng. Nhiều người có vốn, có mối quan hệ thương mại với các nhà sản xuất đã khiến cho hoạt động kinh doanh này ngày càng chuyên nghiệp hơn, với tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Rất nhiều người bán hàng online đã không thể trụ nếu nguồn hàng không phong phú, không có giá tốt, kịch bản bán hàng không thu hút, nhãn hiệu không đủ sức thuyết phục khách hàng. Chị T.H cho biết, một đêm livestream bán hàng có thể lên đến 300, 400 triệu đồng. Để chuẩn bị cho một buổi livestream với chi phí như thế thì sự chuẩn bị phía sau nó là rất lớn: Nguồn hàng, kịch bản livestream, nhân viên nhận đơn, nhân viên đóng hàng, kho hàng…Việc một đêm chốt vài nghìn đơn hàng, doanh thu từ 2, 3 tỷ/đêm là chuyện bình thường. Nếu chạy quảng cáo từ 20, 30, 50 đến 90 triệu một đêm thì chỉ tiếp cận được khoảng 500 mắt (lượt xem livestream). Và đây là bảng giá công khai của facebook.
Cũng tiếp bước nghệ sĩ nước ngoài, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam tham gia thị trường này cũng rất thành công. Nghệ sĩ hài Việt Hương thậm chí còn sản xuất dòng nước hoa và mỹ phẩm của riêng mình để bán trên livestream.
Cựu diễn viên điện ảnh Việt Trinh cũng đang dần khẳng định tên tuổi với sản phẩm kính mắt, kính thời trang hàng hiệu giá tốt.
Các nghệ sĩ, KOL và các vlog có thể được trả từ vài chục triệu, 100 đến 200 triệu cho một buổi livestream là bình thường, tuỳ vào độ "hot" của thương hiệu cá nhân.
Là hàng giả, hàng nhái
Số còn lại, rất nhiều người kinh doanh online vẫn đang bán hàng nhái, hàng giả. Điển hình là thời gian vừa qua rất nhiều vụ việc người nổi tiếng, các vlog đình đám đã phải đối mặt với các án tù trốn thuế, buôn lậu và bán hàng gian hàng giả. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là người kinh doanh ham lợi, người mua thiếu hiểu biết, ham rẻ và chế tài quản lý thương mại điện tử vẫn là một bài toán đang được các cơ quan liên quan tập trung xử lý. Trong lúc đó, người tiêu dùng tiếp tục bị lừa, thuế vẫn bị thất thu và các nhà sản xuất, người kinh doanh chân chính thì vừa chống đỡ bằng mọi công cụ trong tay vừa oằn mình "chịu trận".