pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài 2: Học gì từ việc Đài Loan (Trung Quốc) giảm thiểu túi nilon, túi nhựa sử dụng một lần?
Đài Loan (Trung Quốc) thành công trong quá trình triển khai giảm thải rác thải nhựa. Ảnh: IT
Để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa từ việc dùng túi nilon sử dụng một lần, các siêu thị và nhà bán lẻ đã có những cam kết chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Nhưng do những nguyên nhân khách quan, chủ quan, hiện quá trình này diễn ra còn nhỏ lẻ, hiệu quả manh mún. Đài Loan (Trung Quốc) thực hiện quá trình giảm thiểu rác thải nhựa có kết quả tốt hơn bằng nhiều giải pháp.
1. Người gây ô nhiễm phải trả chi phí
Đài Loan đã có nhiều giải pháp, thực hiện thành công trong quá trình giảm thải rác thải nhựa. Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, lượng rác thải ở Đài Loan giảm từ 8,88 triệu tấn năm 1988 còn 6,13 triệu tấn năm 2003. Sở dĩ lượng rác giảm được nhiều do nhiều biện pháp nhưng nguyên nhân chính là thực hiện phân loại rác tại nguồn để thu hồi tái chế, tái sử dụng. Người dân phải trả phí cho rác thải nên chủ động không dùng những sản phẩm chỉ sử dụng một lần như túi nilon..
Việc thu gom rác tái chế ở Đài Bắc, Đài Loan tiến hành 3 lần/tuần và bằng xe thu gom riêng. Còn với rác là thực phẩm thừa thì mỗi xe thu gom rác thông thường đều có thùng chứa riêng để thu. Việc phân loại rác tại nguồn thực hiện có kết quả là nhờ làm tốt đồng thời các công tác vận động, tuyên truyền cũng như xử phạt nghiêm minh (từ 750.000 VNĐ cho đến 2.250.000 VNĐ cho việc không phân loại rác tại nguồn) và đầu tư đồng bộ phương tiện thu gom.
Thu phí thu gom, xử lý chất thải rắn theo khối lượng là một trong những nguyên tắc phổ biến trên toàn thế giới trong công tác bảo vệ môi trường: "Người gây ô nhiễm phải trả chi phí". Ở Đài Loan, người thu phí theo khối lượng rác thải ra bằng cách thông qua việc bán túi chứa rác (do cơ quan quản lý môi trường độc quyền) cho các hộ phát thải rác với giá 50 NN, tương đương 25.000 VNĐ cho một bao rác 20kg. Hộ nào thải nhiều rác thì phải trả nhiều tiền mua túi đựng rác. Biện pháp này ngoài việc đảm bảo công bằng cho người dân, còn có tác dụng thúc đẩy người dân phân loại rác để tái sử dụng, tái chế.
2. Đa dạng hoá công nghệ xử lý
Quan điểm của Đài Loan là không có gì bỏ đi hết nếu biết cách sử dụng. Thời điểm 2004 ở Đài Loan, lượng rác là 18.250 tấn/ngày hay 6.760.000 tấn/năm, trong đó 40% có thể tái chế thành vật liệu mới, nếu tính cả việc đốt để thu hồi năng lượng thì tỷ lệ tái chế lên đến 90%.
Về chính sách tái chế toàn bộ rác và không có bãi chôn lấp bao gồm: 1) Sản xuất compost từ chất thải hữu cơ và phân gia súc; 2) Tái chế, tái sử dụng toàn bộ kim loại, thủy tinh, nhựa, giấy, 3) Thu hồi nhiệt từ các nhà máy đốt rác để phát điện, 4) Phân loại, tái chế, tái sử dụng vật liệu xây dựng và tro đốt. Mục tiêu của chương trình này là loại bỏ bãi chôn lấp. Để thực hiện được chương trình tái chế tất cả/không còn bãi chôn lấp, họ phải giải quyết những thách thức sau: Phải có những công nghệ thích hợp và chi phí hợp lý; cần phải thiết lập thị trường trao đổi rác có thể tái chế; tăng cường sức cạnh tranh về chi phí tái chế và thị trường sản phẩm tái chế; cần nhập những công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải tiên tiến...
3. Chính sách cụ thể, có lộ trình rõ ràng để bảo vệ môi trường thành phố
Năm 1999 bắt đầu chính sách loại bỏ các quảng cáo bất hợp pháp trên đường phố. Tính đến năm 2004 đã có 10.000 số điện thoại liên quan đến quảng cáo bị cắt. Năm 2000, thực hiện việc thu phí xử lý rác qua chính sách "Trả tiền cho mỗi túi đựng rác". Đến tháng 5/2004, tổng số rác đã giảm được 42,89% so với năm 1999, lượng rác tái chế tăng 7,6%. Tỉ lệ sử dụng túi đựng rác phải trả tiền đạt 99,99%.
Năm 2003 tiến hành chương trình phân loại và thu gom rác bếp. Lượng thu gom trung bình hàng ngày là 150 tấn và được tái sử dụng 100% (làm thức ăn cho heo và làm compost). Xúc tiến chương trình: "Đánh giá và cải thiện vệ sinh các quầy bán hàng" và chương trình: Đánh giá ảnh hưởng của nước nhỏ giọt từ các máy điều hòa không khí".
Năm 2004, củng cố việc thi hành chính sách "Bảo vệ môi trường, hợp tác để phát triển" với các nội dung như xử phạt các trường hợp vứt rác bừa bãi, gạt tàn thuốc lá và nhả bã trầu không đúng chỗ, dắt chó mà không làm sạch chất chó phóng uế, dán quảng cáo bất hợp pháp...
Ngoài những hoạt động trên, ngành môi trường Đài Bắc còn thu được nhiều thành tích khác như: Có 162 điểm cung cấp nước uống miễn phí; xây dựng các nhà vệ sinh công cộng miễn phí; thực hiện đường dây nóng giải quyết khiếu nại về môi trường; tăng cường chủ trương đến năm 2010 toàn bộ lượng rác sẽ được tái chế và không còn bãi chôn lấp.
Từ hình thức xử lý rác từ năm 1970 - 1991: Chôn lấp là biện pháp chủ yếu. Năm 1992: Đốt là biện pháp chủ yếu, chôn lấp là biện pháp phụ. Tháng 7/2000: Thực hiện thu phí thu gom, xử lý rác bằng việc bán túi đựng rác. Tháng 12/2003: Thu gom và tái chế rác bếp.
Kết quả, lượng rác giảm từ 4.039 tấn/ngày (1998) xuống còn 2.082 tấn/ngày (2003).
(Còn nữa)