pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bài cuối: Giải pháp trị “bệnh” quên tiếng Việt
Lớp "Vui học tiếng Việt" do chị Trịnh Hải Hà (Việt kiều Singapore) mở cho trẻ em người Việt tại Singapore. Ảnh: Thu Ba
Quên tiếng Việt - căn bệnh trầm kha
Hiện nay, quá trình hội nhập và sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ, tiếng nói. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn xác, thậm chí kết hợp với các từ ngữ nước ngoài diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, sự du nhập của nhiều yếu tố ngoại lai, việc sử dụng ngôn ngữ tự sáng tác trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ ảnh hưởng không nhỏ đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Trong lĩnh vực kinh tế, kể từ khi Việt Nam đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có sự hòa nhập và giao lưu phát triển. Từ đây, xuất hiện yếu tố "sính ngoại", dẫn đến "bệnh" quên tiếng Việt nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là trên lĩnh vực kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, có thể là do tâm lý muốn thể hiện đẳng cấp nhãn hàng; muốn nâng tầm thương hiệu hoặc muốn thu hút sự chú ý của khách hàng… khiến cho các doanh nghiệp phải vẽ ra những cái tên nghe nó "Tây" hơn, hiện đại hơn.
Trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ, sự phát triển của thương mại được nâng tầm thành các chuỗi cung ứng mang tính hệ thống. Một doanh nghiệp định hướng kinh doanh, họ thường mở chuỗi cửa hàng từ tỉnh, thành phố đến tận huyện xã, mang tính đồng bộ. Từ thương hiệu, biển hiệu, nhãn hàng… đều đồng nhất. Do vậy, nếu quy cách, mẫu mã, hình thức của biển hiệu một đơn vị nào đó, được triển khai sử dụng, thì tất cả các cửa hàng của họ trên toàn hệ thống đều đồng nhất một kiểu, điển hình như hệ thống Mixue, Winmart, hay Highlands Coffee… Việc sử dụng thống nhất thương hiệu giúp nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh dễ định vị được sản phẩm đối với khác hàng, tạo lợi thế trong cạnh tranh. Trên thực tế luật cũng không cấm việc làm này nhưng nhiều cơ sở kinh doanh đã lạm dụng thương hiệu, thậm chí không tôn trọng những quy tắc, quy định trong hoạt động quảng bá. Trên nhiều tuyến phố, trong các trung tâm thương mại, hình ảnh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tràn lan tên nhãn hàng, biển hiệu chỉ ghi tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh). Nhiều sản phẩm, thương hiệu trong nước cũng chạy theo trào lưu sính ngoại chỉ ghi mỗi tiếng nước ngoài.
Ở Việt Nam, các quy định về bảng hiệu, nhãn hàng trong hoạt động quảng cáo đã được quy định rõ ràng và cụ thể từ khá sớm. Ngay từ năm 2001, Pháp lệnh Quảng cáo đã quy định: Tiếng nói, chữ viết dùng trong quảng cáo là tiếng Việt, trừ trường hợp từ ngữ đã được quốc tế hoá, thương hiệu hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt. Đến Luật Quảng cáo năm 2012, nội dung về bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt tiếp tục được quy định tương tự như pháp lệnh quảng cáo. Nhưng có lẽ việc kiểm tra, kiểm soát chưa được sát sao, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào Việt Nam làm ăn kinh doanh, đã "quên" không thực hiện, lâu dần nó trở thành "căn bệnh" trầm kha.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - đó là bổn phận
Đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn nghiêm túc trong việc quản lý, giám sát "căn bệnh" quên tiếng Việt này. Tuy nhiên, để "điều trị" hiệu quả thì cần phải có những giải pháp cụ thể, đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cơ quan, ban ngành quản lý, và cả chính những người dân trong cộng đồng.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nhà nghiên cứu Văn hóa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho rằng: Đối với tình trạng nhiều biển hiệu, nhãn hàng, nhiều công trình mắc "bệnh" quên tiếng Việt như hiện nay thì các cơ quan quản lý trực tiếp cần phải áp dụng các chế tài đã được luật hóa để kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh. Chính quyền địa phương phải giao nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng thanh tra ngành Văn hóa, đề nghị họ tăng cường thanh kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm. Mà không chỉ làm ở cấp tỉnh hay huyện, cần phải đề nghị các cấp chính quyền từ phường, xã trở lên. Phải có sự vào cuộc mang tính tổng thể thì mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng này.
Bên cạnh đó, cần phải công khai các trường hợp vi phạm, để làm gương cho các đơn vị khác, biết đó mà tránh. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, tại điều 35 đã quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo. Theo đó, ngoài mức xử phạt bằng tiền, biện pháp khắc phục kèm theo là buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định.
Trong "Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam", ngày 8/9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp".
Trên bình diện quốc tế, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) coi chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. UNESCO đã lấy ngày 21/2 hằng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, UNESSCO cũng cảnh báo: Trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói trên thế giới, hơn 50% ngôn ngữ có khả năng bị tuyệt chủng trong vòng một vài thế hệ tới; 96% ngôn ngữ được nói bởi chỉ 4% dân số thế giới. Dù thế giới có hàng nghìn ngôn ngữ nhưng thực tế chỉ có vài trăm ngôn ngữ đang thực sự có giá trị trong hệ thống giáo dục và trong các lĩnh vực công cộng, trong đó chưa đầy 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số.
Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam đã phải trải qua bao thăng trầm và đổi thay cùng lịch sử nhưng vẫn luôn khẳng định được sức sống mãnh liệt, khẳng định được sự giàu đẹp vốn có của nó. Trong môi trường phát triển của công nghệ cùng hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bằng câu nói của tiền nhân: "Văn hoá là hồn cốt dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất". Thông điệp của Tổng Bí thư không chỉ mang ý nghĩa hiệu triệu mà sâu xa hơn, đó còn là lời nhắc nhở trước về nguy cơ xói mòn, lai căng, thậm chí mất mát giá trị mang hồn cốt, bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có tiếng nói và chữ viết của người Việt Nam.