Hàng chục hộ dân "chịu trận"
Bãi rác Hồng Sơn là bãi rác tập trung của huyện Đô Lương, được phê duyệt xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Quy mô bãi có diện tích 4,2 ha với hệ thống bãi rác xử lý gồm 4 ô chôn lấp rác với diện tích 22.652 m2, khối tích chôn lấp theo thiết kế là 142.713 m3 với mục tiêu xử lý lượng rác thải của 33 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thực tế khi lượng rác ngày càng lớn, bãi rác đã trở nên quá tải và hiện nay bãi rác chỉ tập kết, xử lý cho 14 đơn vị xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương. Bãi rác chỉ cách nhà dân mấy chục bước chân, theo thời gian ngày càng quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Gia đình ông bà Phan Sỹ Sơn - hộ dân hiện sinh sống cách bãi rác hơn 50m - bức xúc : “Đã nhiều năm nay, bãi rác này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân. Hằng ngày, chúng tôi phải sống trong cảnh hôi thối, ruồi muỗi, nguồn nước bẩn. Trời nắng chỉ cần một trận gió là mùi hôi thối từ bãi rác bay vào làng. Những ngày thời tiết thay đổi ruồi nhặng bay vào nhà dân nhiều nhiều như vãi trấu có những thời điểm người dân ăn cơm cũng phải mắc màn, nhà có đám giỗ cũng không ai dám ăn cỗ, bởi ruồi muỗi quá nhiều”.
Nhà vợ chồng anh Bùi Văn Hà chỉ cách bãi rác 70 m, sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hôm anh và vợ con phải “sơ tán” sang nhà người thân vì không chịu nổi mùi bốc lên từ những đống rác nằm bên kia sườn đồi. Anh Hà cho biết “Người dân trước đây dùng nước giếng khoan nhưng giờ đây, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nhưng dân chỉ biết chung tiền đào những mương nhỏ để “nắn dòng” nước đen không cho chảy vào vườn nhà mình. Nước sinh hoạt thì người dân phải tích trữ nước mưa để sử dụng, tuy nhiên đến mùa khô là lại thiếu nước. Nơi đây cũng chẳng chăn nuôi nổi con gà con vịt vì cứ bị dịch bệnh chết liên miên, người dân thì thường bị các bệnh ngoài da như mẩn ngứa đặc biệt là trẻ em, rồi dịch tiêu chảy”.
Được biết, số hộ dân của xóm 9, xã Hồng Sơn sống trong khu vực ô nhiễm do bãi rác tập trung của huyện Đô Lương có 10 hộ với khoảng 40 khẩu. Anh Hà than thở với chúng tôi: “Suốt nhiều năm trời bức xúc, tôi phải đi khắp nơi, gửi đơn từ lên các cơ quan chức năng để cầu cứu, nhiều lần chúng tôi cũng muốn chặn xe chở rác tuy nhiên bãi rác thì nằm trên đất xã Hồng Sơn, nhưng xe chở rác lại đi qua xã Bồi Sơn. Được biết, sẽ có 4 gia đình được di dời trong năm 2018, số còn lại thì không biết đến khi nào”.
Vẫn chỉ là lời hứa
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuấn chủ tịch UBND xã Hồng Sơn, cho biết: “Xã đã nhận được phản ảnh của người dân sống gần bãi rác Hồng Sơn từ nhiều năm nay. Do đây là bãi rác của huyện nên xã chỉ biết kiến nghị để cấp trên có giải pháp xử lý. Mới đây địa phương đã tiến hành khảo sát, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng, đo đạc vùng đất tái định cư cho người dân. Hiện tại, chúng tôi cũng hết sức sốt ruột chờ đợi kinh phí từ huyện, để di dời, tái định cư cho những người dân sống cạnh bãi rác, tránh tình trạng bức xúc kéo dài.”
Được biết, thời gian qua, huyện Đô Lương cũng đang tìm giải pháp để giải quyết những tồn tại phát sinh từ bãi rác Hồng Sơn. Để giảm bớt khó khăn cho người dân, năm 2017, UBND huyện trao tặng 10 máy lọc nước trị giá 45 triệu đồng cho 10 hộ nằm ở vùng ngoài bãi rác thải, có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước. Đầu năm 2018, UBND huyện đã kiểm tra việc thu gom vận chuyển và chôn lấp rác thải của Công ty CP Hợp tác Đầu tư và Phát triển Môi trường huyện Đô Lương. Qua kiểm tra, đã yêu cầu công này thực hiện đầy đủ quan trắc định kỳ theo quy trình vận hành bãi xử lý rác thải được phê duyệt, doanh nghiệp phải lập lịch trình vận hành, phun thuốc diệt ruồi, các hóa chất liên quan đầy đủ.
Mặc dù vậy, đây vẫn mới chỉ là các giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết gốc rễ vấn đề. Thời gian cứ trôi, bãi rác Hồng Sơn vẫn tồn tại và ngày càng phình ra gây ô nhiễm trầm trọng, những người dân như ông Sơn, anh Hà vẫn đang phải “khốn khổ” sống và chờ đợi các cơ quan chức năng triển khai phương án di dời, tái định cư.