pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bám bản" vì tương lai tươi sáng của trẻ vùng cao
Cô Cổ Thị Vui hướng dẫn học sinh chăm sóc vườn rau của trường
Nỗi lo ở "bản xa"
Cũng như nhiều điểm trường ở vùng cao tỉnh Lào Cai, điểm trường Thâm Mạ thuộc trường Mầm non Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nằm ở địa bàn khó khăn, phải đối mặt với tình trạng lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông và việc đi lại.
Cô Cổ Thị Nương (40 tuổi) đã có hơn 14 năm gắn bó với Trường Mầm non Thâm Mạ. Cô dạy lớp 2-3 tuổi, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cô nhớ lại cách đây 5 năm, xã Nghĩa Đô xảy ra một trận lũ quét, làm sạt lở đoạn đường hơn 10km. Đây cũng là con đường mà hằng ngày các cô đi xe máy đến điểm trường để dạy trẻ.
"Sạt lở làm giao thông bị ngăn cách và mất sóng điện thoại khiến chúng tôi không thể liên lạc được với phụ huynh để nắm bắt tình hình của trẻ. Sau đó 1 tuần chúng tôi quyết định đi bộ 10km trên con đường sạt lở ấy để đến điểm trường và đồng hành cùng phụ huynh trông nom các cháu. Khi ấy, điểm trường bị mất điện, thức ăn đều do phụ huynh mang đến. May mắn là lúc đó chúng tôi được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà thiện nguyện và phụ huynh học sinh, cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết để cả cô và trò vượt qua được những khó khăn đó", cô Nương nhớ lại.
Cũng có 12 năm gắn bó với công tác dạy trẻ mầm non ở Nghĩa Đô, cô Cổ Thị Vui (34 tuổi) cũng có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong nghề. Trong năm học 2018-2019 cô được phân công dạy lớp 5 tuổi ở điểm trường Nà Đình với lớp học 30 trẻ, trong đó có 1 trẻ bị tim bẩm sinh.
Trong quá trình cô dạy học, có lần bé lên cơn đau tim và bị ngất. Các cô đã hô hấp nhân tạo và kịp thời đưa bé đến trạm y tế cấp cứu. Đó là thời khắc mà cô thấy hoảng sợ nhất, chỉ biết khẩn cầu cho bé qua khỏi.
Rồi năm học 2021-2022 cô được phân công giảng dạy tại lớp 4 tuổi ở điểm trường Thâm Mạ. Khi đuổi theo một trẻ chạy khỏi lớp, đồng nghiệp của cô Vui là cô giáo Dung đã bị ngã chấn thương cột sống và di chứng để lại tới tận bây giờ. "Nếu lúc đó cô Dung không đuổi theo thì chắc bé đã gặp những điều không may. Nhưng di chứng để lại cho cô Dung cũng khiến chúng tôi rất buồn", cô Vui trải lòng.
Đó là những kỷ niệm khiến cô "thót tim" và lo lắng. Nhưng cũng vì thế mà cô càng muốn gắn bó hơn với trường, với lớp, cố gắng để phần nào giảm thiểu những rủi ro cho các bé trong quá trình trông nom, dạy dỗ.
Cô Vui chia sẻ: "Có một thực tế là giáo viên mầm non vùng cao phải chịu nhiều áp lực về mặt thời gian. Các cô thường xuyên phải đến sớm và về muộn, thời gian kéo dài hơn 8 tiếng/ngày do phụ huynh đi làm trên nương, trên rẫy đến tối mới về đón con".
Trả trẻ tại nhà
Cô Cổ Thị Vui cho biết, học sinh vùng cao đa phần là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao so với thành thị. Tỷ lệ chuyên cần thấp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ. Có một thực tế bấy lâu nay là hầu hết trẻ em ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số chịu thiệt thòi hơn trong việc tiếp cận giáo dục. Ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế xã hội, về giao thông đi lại khó khăn thì cũng bắt nguồn từ một phần nhận thức của các bậc phụ huynh vẫn còn hạn chế.
Một trong những khó khăn của giáo viên nơi đây chính là phải kiêm cả nhiệm vụ trả trẻ tại nhà vì một số phụ huynh không có điều kiện đưa đón con, và do kinh tế còn khó khăn nên phụ huynh đi làm qua cả giờ đón. Cùng với đó, một số phụ huynh còn chưa nhiệt tình trong việc phối kết hợp với cô giáo để rèn trẻ tại nhà, mọi việc dồn hết lên vai cô giáo.
Cô Nương cũng tâm sự, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc cho trẻ đến trường. Đầu năm giáo viên vẫn phải đến từng nhà để vận động trẻ ra lớp, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ theo đúng chỉ tiêu được giao.
Chia sẻ thêm về nguyện vọng của mình, cô Nương nói: "Chúng tôi đều mong muốn sự quan tâm của các cấp, các ban, ngành, cung cấp đầy đủ các đồ dùng, thiết bị dạy học cho các trường mầm non. Bên cạnh đó, cần có các chế độ đãi ngộ cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn. Đồng thời mong muốn phụ huynh quan tâm hơn nữa để cùng chia sẻ với cô giáo trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ".
Cũng bởi công tác giáo dục trẻ vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, nên các cô luôn luôn có những sáng kiến, sáng tạo trong việc dạy trẻ mầm non. Có trên 10 năm công tác tại Trường Mầm non Nghĩa Đô, cô Nguyễn Thị Nhúc (31 tuổi) cho biết, trong công tác chuyên môn cũng như quá trình dạy trẻ, cô luôn tìm ra những phương pháp đổi mới để tiết dạy phong phú hơn, giúp trẻ hứng thú học.
Cô thường tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian, hoạt động ngoài trời, cho trẻ đi khám phá khu du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa Đô. Qua đó, để trẻ phát triển về thể chất và kỹ năng xã hội, hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cô cũng dạy trẻ tự chăm sóc bản thân, làm việc nhóm và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
"Với 100% là học sinh dân tộc thiểu số, thường sử dụng tiếng mẹ đẻ, ít tiếp xúc với tiếng Việt, điều này gây khó khăn trong việc giao tiếp và truyền đạt kiến thức. Trẻ em vùng cao thường gắn bó với các phong tục tập quán của dân tộc Tày, khiến cô giáo phải cần nỗ lực nhiều hơn để cân bằng việc giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền tải kiến thức theo chương trình giáo dục mầm non", cô Nhúc chia sẻ.
Mặc dù phải kiêm nhiệm nhiều vai trò từ giảng dạy, chăm sóc đến việc huy động, thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường, các cô giáo mầm non vùng cao vẫn đang từng ngày nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tận tâm với nghề để mang lại kiến thức cho trẻ vùng cao.
Các cô đều mong muốn nhìn thấy trẻ được học tập trong môi trường tốt, phát triển toàn diện, thoát khỏi đói nghèo và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.