Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ca khúc Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao ra đời. Thế hệ trẻ ngày nay cũng đã được hưởng cuộc sống hòa bình với những tiện ích hiện đại. Thế nhưng mỗi khi giai điệu Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh… cất lên, dù là ai trên đất nước Việt Nam đều cảm thấy lòng mình hòa âm vào khí thế rộn ràng của khúc tráng ca một thời. Điều đó thể hiện sức sống, sức lay động, sức ảnh hưởng tuyệt vời của ca khúc được đánh giá là một trong những đại diện âm nhạc xuất sắc nhất viết về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước. Vậy nên, việc các cựu thanh niên xung phong đều thuộc lòng và yêu thích ca khúc này là điều hết sức dễ hiểu.
Đó là những ngày khói lửa ác liệt năm 1966, khi nhạc sĩ Xuân Giao đi thực tế qua tuyến đường sinh tử Quảng Bình – Quảng Trị. Chứng kiến tinh thần dũng cảm của các nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường cho xe ra tiền tuyến, niềm xúc động của nhạc sĩ Xuân Giao đã hiện thực thành ca khúc có tên gọi hết sức giản dị: Cô gái mở đường.
Điều đặc biệt nhất ở ca khúc Cô gái mở đường là giai điệu phấn khởi, nhí nhảnh làm nền cho những ca từ đẹp đẽ, tự nhiên. Công việc khó khăn gian nguy, ngàn cân treo sợi tóc trên tuyến lửa của những nữ thanh niên xung phong trong ca khúc của nhạc sĩ Xuân Giao thoạt trở nên nhịp nhàng, tràn đầy khí thế xung phong, phấn chấn. Một cái tài nữa của nhạc sĩ Xuân Giao là chỉ bằng những so sánh, ví von, liên tưởng thú vị đã cho thấy sức xuân, ý chí kiên trung, bạo liệt của tuổi mười tám đôi mươi, bất chấp mưa bom, bão đạn của quân thù: Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi, núi ngả cúi đầu…. Và trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, dường như “tiếng hát át tiếng bom” tiếp thêm nghị lực để các cô gái hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng từ hình ảnh những cô gái xinh đẹp, khỏe khoắn, lạc quan, không chút sợ hãi, hết mình vì nhiệm vụ mở đường cho xe đi tới, ca khúc Cô gái mở đường đã hòa cùng không khí tiến công náo nức trên khắp mọi miền đất nước góp công cùng tiền phương tiến thắng thù. Lồng ghép vào những câu hát vui tươi là trái tim cùng hướng tới lãnh tụ, tới miền Nam yêu thương đang rên xiết dưới gót giặc thù. Rất tự nhiên, nhạc sĩ Xuân Giao lý lẽ về động lực khiến những cô gái trẻ măng, trong sáng, nghịch ngợm không quản ngại gian lao, không sợ hãi cái chết đó là tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng, tiếp bước những anh hùng để xứng đáng, làm rạng rỡ non sông gấm vóc.
Như một bản anh hùng ca tuyệt đẹp vẫn tỏa sáng ngay giữa đời thường, giữa thời bình, ca khúc viết về những cô gái anh dũng trên cung đường Trường Sơn khói lửa mỗi khi được đồng thanh cất lên lại khơi dậy những ký ức đáng tự hào một thời của những nữ thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ. Sẽ không còn xa lạ gì với hình ảnh những dịp kỷ niệm, gặp gỡ của các cựu thanh niên xung phong, cùng với giai điệu rộn rã của bài hát là những giọt nước mắt tuôn rơi vì xúc động - Xúc động vì nhớ lại một thời quả cảm và niềm tiếc thương những đồng đội đã mãi mãi ngã xuống.
Nhạc sỹ Xuân Giao lúc sinh thời
Cùng với Bài ca Trường Sơn của Trần Chung, Bài ca bên cánh võng của Nguyên Nhung, Chào em cô gái Lam Hồng của Ánh Dương, Đường tôi đi dài theo đất nước của Vũ Trọng Hối, Cô gái mở đường là nốt thăng trong giai điệu tự hào tiếp thêm nhiệt huyết thanh xuân cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932 tại Hưng Yên, lớn lên tại Kiến An, Hải Phòng. Cùng với 'Cô gái mở đường', ông còn lưu danh bởi những ca khúc 'Chào sông Mã anh hùng', 'Đi tới những chân trời'… Bên cạnh đó, tên tuổi của ông cũng gắn liền với các ca khúc trẻ thơ như Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà… Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Xuân Giao qua đời ngày 21/8/2014 tại Hà Nội.