Băn khoăn từ sự xâm lấn của lễ hội “ngoại lai”

PV
08/03/2021 - 14:54
Băn khoăn từ sự xâm lấn của lễ hội “ngoại lai”

Giới trẻ hóa trang trong Lễ hội Halloween. Ảnh minh họa

Người ta đổ xô đi mua vàng trong Ngày Vía Thần tài mà có khi không rõ nguồn gốc của ngày này; cứ đến dịp cuối tháng 10 là ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM lại ngập tràn “sắc màu ma quỷ” hưởng ứng lễ hội Halloween… Thực tế, những lễ hội “ngoại lai” đang ngày càng phổ biến trong đời sống, trong khi một số lễ hội truyền thống lại có nguy cơ bị mai một.

Theo ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương, trong văn hóa truyền thống của người Việt chỉ có tục thờ cúng ông Địa chứ không có Thần tài, việc thờ cúng Thần tài mới chỉ xuất hiện từ khoảng hai chục năm trở lại đây do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc. Còn "phong trào" đi mua vàng trong Ngày Vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) có lẽ cũng không nằm ngoài mong muốn tài lộc, sự thịnh vượng, sung túc đến với bản thân và gia đình.

Những năm gần đây, không chỉ các tầng lớp thanh thiếu niên mà ngay cả những người đứng tuổi, cao tuổi cũng không còn xa lạ với lễ hội Giáng sinh (Noel) vào 24/12. Bà Ngọc Hân, giáo viên nghỉ hưu ở quận 3, TPHCM, chia sẻ: "Dịp Noel, tôi rất vui khi được dạo chơi ở khu vực trung tâm thành phố và khu xóm đạo; được tặng quà cho trẻ em trong các chương trình thiện nguyện". Còn bà Ánh Hồng (57 tuổi, ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng luôn tạo điều kiện cho con cháu tận hưởng niềm vui vào dịp này. "Tôi thích Noel, vì nó không chỉ diễn ra một ngày duy nhất mà là một "mùa". Khắp nơi đều có không khí rộn ràng, vui tươi cho đến tận Tết Dương lịch. Giới trẻ tiếp nhận rất tích cực các lễ hội này, tận hưởng nó như một món ăn tinh thần giữa bộn bề học tập, công việc hàng ngày", bà Hồng nhận xét.

Không chỉ Noel mà các lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều như: Lễ hội Halloween (31/10), Lễ Tình nhân (Valentine - 14/2), Ngày của mẹ, Ngày của cha... Trong tham luận tại Hội thảo Khoa học quốc gia "Giải pháp hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội" (tháng 12/2020), ThS. Trần Thị Bích Thủy, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TPHCM, cho rằng, đây là quá trình tất yếu của thời đại công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại, của xu thế toàn cầu hóa. Các thông tin được lan truyền ngày càng rộng rãi, nhanh chóng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như instagram, facebook, twitter, zalo... Nó giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ tiếp nhận các luồng văn hóa từ bên ngoài du nhập vào rất dễ dàng. ThS. Trần Thị Bích Thủy cũng cho rằng thực trạng này đã phản ánh được quan điểm và nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Có những lễ hội được người Việt tiếp nhận chọn lọc từ phương Tây, giúp mọi người hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của các nước trên thế giới. Điều này đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, kích cầu thị trường, tạo sự thân thiện với cộng đồng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và du lịch tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là dịp để kết nối tình cảm của mọi người với nhau, tạo ra cơ hội kinh doanh và tạo ra thêm cơ hội giải trí cho tất cả mọi người.

Một số nhà văn hóa khác cho rằng trong một năm, người Việt chỉ có Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất, con cháu thường phải tranh thủ về quê, đoàn viên gia đình, làm tròn bổn phận. Còn vào các lễ hội "ngoại lai" kể trên, đa số mọi người tranh thủ vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, thỏa mãn tự do cá nhân mà không bị ràng buộc lễ nghĩa, khuôn phép, quy chuẩn của gia đình, xã hội.

Nhiều người đổ xô đi mua vàng trong Ngày Vía Thần tài - Ảnh minh họa: ST

Nhiều người đổ xô đi mua vàng trong Ngày Vía Thần tài - Ảnh minh họa: ST

Không ít băn khoăn

Bên cạnh những mặt tích cực của lễ hội "ngoại lai", có thể dễ dàng nhận thấy sự tiếp nhận và tham gia các lễ hội từ nước ngoài quá nhanh, quá rầm rộ, ít chọn lọc khiến cho các dịp lễ này mất dần ý nghĩa vốn có của nó, đồng thời còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh xã hội nước nhà. Vào dịp Noel, khắp nơi trang hoàng lộng lẫy khiến cho người nước ngoài có thể lầm tưởng đây là văn hóa truyền thống của Việt Nam. Một thực trạng khác, các doanh nghiệp xem Giáng sinh là dịp tăng doanh thu. Hầu hết các cửa hàng, thương hiệu, sản phẩm đều được quảng cáo giảm giá để kích thích thị hiếu tiêu dùng của người dân. Từ đó có thêm hiện tượng thú chơi hàng độc, lạ, khoe khoang sự giàu có, lãng phí trong dịp Giáng sinh, làm cho ý nghĩa tôn giáo bị phai mờ.

Đáng nói hơn, một số phụ huynh cũng ủng hộ việc tham gia hóa trang trong dịp Halloween nhưng chưa biết chọn lọc cho phù hợp với văn hóa và lứa tuổi con em mình. Kết quả là, sau lễ hội này, các trang mạng cá nhân (facebook, zalo...) tràn ngập hình ảnh ghê rợn với niềm tự hào về sự sành điệu của mình hoặc để hù dọa người khác. Ý nghĩa vốn có từ xưa ở phương Tây của lễ hội Halloween là xua đuổi ma quỷ. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, giới trẻ ít chú trọng vào ý nghĩa đó. Đến cuối tháng 10, họ chỉ "đua nhau" mua các trang phục kinh dị, hóa trang rùng rợn để đi chơi, tụ tập chụp hình... Hay trong Ngày Vía Thần tài, các cửa hàng vàng tung đủ chiêu hấp dẫn khách hàng; nhiều người "đổ xô" đi mua vàng dẫn tới hiện tượng "cháy" hàng, có khi chỉ cầm được tờ hóa đơn, còn vàng thì phải sau đó vài ngày đến cả tuần mới nhận được. Làm vậy thì liệu có thực sự là "lấy hên"?

Khi quá nhiều lễ hội "ngoại lai" khiến giới trẻ quan tâm, nhiều người hưởng ứng theo kiểu "phong trào" thì có thể dẫn tới việc các lễ hội truyền thống ít được quan tâm hơn.

Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cho rằng, sự xâm nhập của nền văn hóa từ bên ngoài đã ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hơn nữa, việc tiếp thu văn hóa mới thiếu chọn lọc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lễ hội truyền thống của các dân tộc, dẫn tới nguy cơ bị mai một, biến dạng. Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có Văn bản số 458/BVHTTDL-VHDT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) thuộc Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ đề nghị là trong quá trình phục dựng lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại.

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu, lễ hội dân gian truyền thống không nên tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian; chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt. Đặc biệt, cần tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào DTTS.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm