pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bản Ploang (Quảng Bình): Người dân đau đáu, mòn mỏi chờ điện, phủ sóng điện thoại
Ông Hồ Văn Thiệt ngồi lau lại chiếc tivi cũ mà lòng xót xa
Điện đến, dân vui
Nằm lọt thỏm giữa núi non trùng điệp, bản Ploang cách trung tâm xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hơn 40km. Đường bê tông dẫn vào bản mới có khoảng 2 năm nay, trước đó, nếu muốn vào bản Ploang phải đi bộ qua đường rừng.
Bản Ploang có 36 hộ dân sinh sống với 136 nhân khẩu, tất cả đều là người đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều và 100% là hộ nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây thiếu thốn đủ thứ, không điện, không sóng điện thoại, không có một loại dịch vụ nào, ngay cả cái chợ cũng không có.
Nguồn lương thực chủ yếu là con gà, con vịt do nhà nuôi, rau củ quả thì tự vào rừng tìm kiếm. Ngày cận Tết, người dân nơi đây phải dậy từ 3h sáng để đi bộ quãng đường 30km để đến chợ mua bán, dù chỉ là túi muối, cân thịt, vài lạng cá khô... rồi lại cuốc bộ từng đó cây số về bản khi trời đã nhá nhem tối.
Bà Hồ Thị Thi, trưởng bản Ploang, cho biết, năm 2018, bà con trong bản rất vui mừng vì các cấp, các ngành đã quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Lần đầu tiên trong lịch sử bản Ploang được thắp sáng bằng ánh đèn điện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con nơi đây.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, một vài năm sau, những trạm điện năng lượng mặt trời này lần lượt hỏng hết khiến bản Ploang quay lại thời kỳ tăm tối. Dù đã nhiều lần "kêu cứu" với chính quyền địa phương về việc này, nhưng đến nay những trạm điện năng lượng mặt trời ở Ploang vẫn không được sửa chữa.
Nhìn những trạm điện năng lượng mặt trời chưa một vết xước hay hoen rỉ, nhưng đã không thể sử dụng, người dân ở bản Ploang vô cùng xót xa, tiếc nuối.
Điện đi, dân mắc nợ
Ông Hồ Văn Thiệt (50 tuổi) cho biết, thời điểm trạm điện năng lượng mặt trời vẫn hoạt động, gia đình ông đã đi vay mượn tiền của người thân và bán cả đàn gà đi để mua các thiết bị điện tử như: Tivi, quạt, bóng đèn... Thế nhưng chưa sử dụng được bao lâu thì đã phải... xếp xó.
"Hồi đó, tôi vay mượn của người thân được 10 triệu đồng, với bán đàn gà được hơn 2 triệu, số tiền này tôi mang đi mua đồ điện hết. Cả năm nay gia đình tôi phải chắt bóp chi tiêu để trả nợ, bữa cơm chỉ có rau và măng rừng, ngoài vườn có gà đấy, nhưng có dám thịt ăn đâu, phải để bán lấy tiền trả nợ", vừa nói, ông Thiệt vừa lau lại chiếc tivi bám đầy bụi ở góc nhà.
Từ khi điện năng lượng mặt trời xuất hiện tại bản Ploang, không chỉ gia đình ông Thiệt, mà còn nhiều gia đình khác cũng đầu tư mua các thiết bị điện về sử dụng. Thế nhưng giờ đây, họ đang phải đối mặt với những khoản nợ "khổng lồ" mà không được hưởng gì.
Người dân ở bản Ploang chủ yếu kiếm sống dựa vào rừng. Hàng ngày phụ nữ ở nhà trông con, đàn ông đi rừng kiếm củi và hái măng để bán. Người nào may mắn lắm thì mới lãi được vài chục nghìn từ việc bán măng, còn lại đa số chỉ kiếm đủ cho gia đình ăn hoặc về tay không.
Cuộc sống mưu sinh của người dân bản Ploang vốn đã vất vả, thế nhưng mỗi khi ốm đau, bệnh tật, họ còn khốn khổ hơn rất nhiều. Người bệnh được người khỏe khiêng bộ 20km bằng đường rừng để đến trạm y tế. Hôm nào thanh niên trong bản đi vắng thì người bệnh đành nằm ở nhà chống chịu với cơn đau.
"Ở đây không có sóng điện thoại, muốn gọi điện phải đi ra 30km. Sau đó nhờ các chú bộ đội gọi xe vào bản để đưa người bệnh đi cấp cứu. Thời gian để xe vào đến bản cũng mất gần nửa ngày. Chính vì thế, mỗi khi đau ốm, chúng tôi thường chọn cách khiêng người đi trạm y tế bằng đường rừng, vì đây là cách nhanh nhất", ông Thiệt nói.
Người dân kêu cứu
Trước đây khi các trạm điện năng lượng còn hoạt động, nó là niềm tự hào của người dân bản Ploang, mỗi khi ra ngoài, họ thường khoe với mọi người rằng, bản của họ đã có điện. Thế nhưng hiện tại các trạm điện năng lượng đã không còn hoạt động khiến họ tự ti hơn với xã hội bên ngoài.
Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều người dân ở bản Ploang đều cho rằng, mong muốn lớn nhất đối với họ lúc này là có điện. Sau đó là có sóng điện thoại, để người dân bớt khổ cực.
"Chúng tôi chỉ mong ước được nhà nước đầu tư, tu sửa lại các trạm điện năng lượng, đưa ánh sáng về với bản Ploang thôi. Chứ cuộc sống không điện thế này khó khăn quá. Không có điện nên không thể tiếp cận được nguồn thông tin bên ngoài để mở mang kiến thức. Dù có tivi, có điện thoại nhưng người dân cũng đành để đó chứ không biết lấy đâu nguồn điện mà sử dụng", bà Hồ Thị Hoa cho hay.
Rời bản Ploang khi trời đã xẩm tối, một số gia đình đã chuẩn bị thắp sáng căn nhà của mình bằng những ngọn nến, đèn dầu. Từ xa quay nhìn lại, chúng tôi thấy ông Thiệt đang dọn dẹp những chiếc lá cây rụng xuống trạm điện năng lượng.
Từ ngày có trạm điện, người dân ở bản Ploang đã luôn có ý thức chăm sóc và bảo vệ chúng như những đứa con, cho dù những trạm điện này đã không thể sử dụng. Người dân ở bản Ploang tin rằng, sẽ có một ngày, những trạm điện năng lượng này sẽ được sửa chữa và ngày đó sẽ là ngày tươi sáng ở bản Ploang.