Lúc này, vấn đề đặt ra là cần huy động một lượng vốn khá lớn. Xuất thân từ dân marketing, bà chủ thảo kế hoạch kinh doanh khá hấp dẫn rồi đăng lên Facebook để gọi vốn và được nhiều người hưởng ứng. Bà cho biết, chỉ trong vòng 1 buổi đã có hơn 100 người đồng ý góp vốn với số tiền từ 100 tới 1.000 USD! Kết thúc “chương trình gọi vốn”, bà huy động được hơn 600 triệu đồng từ 160 cổ đông. Từ nguồn vốn này, cộng với khoản tiền riêng tích lũy được từ trước, một nhà hàng khá sang trọng ra đời và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới ẩm thực Sài thành. Chỉ trong khoảng 3 năm qua, bà đã trả được hơn 80% số tiền góp vốn nhờ công việc kinh doanh thuận lợi.
Để tri ân những người góp tiền thông qua Facebook, trong quá trình thiết kế nhãn hiệu nhà hàng, bà đã quyết định chọn slogan: “Nhà hàng đầu tiên được xây dựng từ Facebook”, đồng thời làm đơn đăng ký nhãn hiệu đó ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Tưởng chừng như vậy là “an toàn” nhưng bất ngờ cách đây ít lâu, bà chủ nhà hàng nhận được thư của Công ty luật TNHH BMVN - đại diện pháp lý của Facebook, Inc. ở Việt Nam - cảnh báo về khả năng nhà hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của Facebook. Theo văn bản này, BMVN khẳng định rằng Facebook, Inc. là chủ sở hữu hợp pháp các nhãn hiệu Facebook nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, Facebook, Inc. có quyền độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các nhãn hiệu Facebook ở Việt Nam. Việc nhà hàng này sử dụng tên Facebook trong nhãn hiệu của mình, dù không nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng của Facebook, nhưng có thể làm người tiêu dùng lầm tưởng nhà hàng này có liên kết, tài trợ hoặc được công nhận bởi Facebook, Inc.
Dù không lợi dụng danh tiếng của facebook nhưng việc sử dụng tên facebook trong nhãn hiệu là phạm luật
Trong quá khứ cũng từng có không ít vụ việc tương tự, khi tên tuổi hoặc nhãn hiệu của một số hãng nổi tiếng bị sử dụng để quảng bá cho các thương hiệu khác ít nổi tiếng hơn. Vào năm 2011, hai công ty ở TPHCM là Công ty CP Thương hiệu quốc tế (Interbrand JSC) và Công ty Truyền thông thương hiệu quốc tế (Inter Brand Media Co., Ltd), lần lượt trở thành bị đơn trong vụ kiện liên quan tới việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà nguyên đơn là Công ty Interbrand Group (Anh quốc).
Cụ thể, công ty cổ phần Thương hiệu quốc tế sử dụng dấu hiệu “Interbrand” như là nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh, phương tiện quảng cáo bao gồm cả trên mạng internet; sử dụng tên viết tắt “Interbrand JSC” gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”; sử dụng tên miền www.interbrand.com; www.interbrandvn.com gây nhầm lẫn và vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng “Interbrand”.
Còn công ty TNHH Truyền thông thương hiệu quốc tế cũng sử dụng dấu hiệu “Interbrand” như là nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh, phương tiện quảng cáo bao gồm cả trên mạng internet.
Việc đặt tên, đăng ký bản quyền nhãn hiệu cần được chú trọng để tránh những trường hợp kiện tụng
Thật ra, nhiều doanh nghiệp nổi tiếng nước ngoài còn “kỹ tính” đến mức không chỉ đăng ký bản quyền đối với tên nhãn hiệu, mà còn đăng ký độc quyền cả kiểu chữ hay màu sắc được sử dụng trên nhãn hiệu. Vì vậy, sự thiếu thận trọng trong việc sử dụng nhãn hiệu, kiểu chữ hay màu sắc chủ đạo để đưa vào “bộ nhận diện thương hiệu” của những doanh nghiệp đang khởi nghiệp hay mới phát triển, đều có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Trở lại với vụ việc của Facebook, bà chủ nhà hàng nọ đã bước đầu nhận thức là “có thể đã vi phạm bản quyền của họ”. Tuy nhiên, bà vẫn hy vọng chủ của Facebook biết rõ về hoàn cảnh ra đời của nhà hàng, về những tâm tư của bà, để “quay ra ủng hộ và cấp thư đồng ý cho tôi sử dụng. Vì tất cả những gì tôi làm là từ cộng đồng và vì cộng đồng, hoàn toàn tương tác và có được từ mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này”.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực pháp lý thì đó là một hy vọng hết sức mong manh!