pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo hiểm cháy nổ tại chợ: Vì sao nhiều tiểu thương không mặn mà?
Hiện trường vụ cháy chợ Tam Bạc (TP Hải Phòng)
Nghìn lý do để không mua
Nguyễn Văn Mạnh, 33 tuổi, một tiểu thương chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), cho biết, gia đình anh đã buôn bán tại chợ này hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ mua bảo hiểm cháy nổ. "Mấy năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa không bán được, trong khi tiền thuê ki-ốt lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Với lại, từ trước đến nay tại chợ Ninh Hiệp cũng ít xảy ra cháy nổ (vụ cháy ngày 30/12/2022 vừa qua là vụ cháy duy nhất trong chục năm gần đây-PV) nên chúng tôi không mua bảo hiểm cháy nổ để tiết kiệm chi phí", anh Mạnh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Mai (29 tuổi), một tiểu thương tại chợ Ninh Hiệp, cho biết, chị chưa nghe nói về bảo hiểm cháy nổ ở chợ bao giờ, cũng không được ai tuyên truyền, vận động mua. Thi thoảng, chị thấy Ban Quản lý chợ tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy. "Từ trước đến nay, ở chợ Ninh Hiệp này, nhà ai bị cháy thì người đó tự chịu, chứ có thấy ai có bảo hiểm gì đâu. Nếu có loại bảo hiểm cháy nổ được đền bù thì tốt quá nhưng tôi chưa được ai hướng dẫn mua gói bảo hiểm này", chị Mai nói.
Trao đổi với chúng tôi, một nhân viên hãng Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đối với các loại mặt hàng như quần áo, giày dép buôn bán tại các chợ, tiểu thương rất ít khi mua bảo hiểm cháy nổ. Trong khi chi phí mua bảo hiểm không cao. Ví dụ, tổng giá trị tài sản của cửa hàng khoảng 1 tỷ đồng thì chi phí cho bảo hiểm khoảng 3 triệu đồng/năm.
"Khi xảy ra rủi ro cháy nổ, tài sản trong cửa hàng đó bị hư hỏng thì sẽ có một đơn vị thứ 3 can thiệp, thống kê thiệt hại, từ đó đơn vị bảo hiểm sẽ có căn cứ để đền bù cho người mua bảo hiểm. Công ty tôi cũng có một số bộ phận chuyên đi đến các cửa hàng, khu chợ lớn để tư vấn cho các chủ ki-ốt mua bảo hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được sự quan tâm của nhiều người dân", nhân viên bảo hiểm này cho hay.
Một cán bộ Ban quản lý chợ Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) cho biết, nhiều tiểu thương không mua bảo hiểm cháy nổ bởi một trong những yêu cầu đầu tiên để mua sản phẩm bảo hiểm cháy nổ là chợ phải đảm bảo điều kiện về an toàn cháy nổ, có giấy chứng nhận của cơ quan phòng cháy, chữa cháy.
Trong khi đó, nhiều tiểu thương thường chất hàng hóa không khoa học, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Ngoài ra, họ còn có thói quen thắp nhang, cúng ngay bên trong quầy hàng. Đó là chưa kể nhiều tiểu thương không có đủ hóa đơn chứng từ hàng hóa. Trong khi theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được bồi thường dựa trên các hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Do đó khi xảy ra sự cố, nếu các tiểu thương không có đủ hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh thiệt hại thì khó được giải quyết bồi thường. Vì vậy, nhiều tiểu thương không mặn mà với bảo hiểm cháy nổ.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo luật sư Nguyễn Thị Vinh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là loại hình bảo hiểm cho các tổn thất tài sản, trụ sở, máy móc thiết bị, nhà cửa, kho hàng… gây ra bởi rủi ro cháy nổ, hỏa hoạn; được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 97/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và an sinh xã hội. "Theo quy định, chợ kiên cố thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là đối tượng bắt buộc có bảo hiểm cháy, nổ", luật sư Vinh nói.
Luật sư Nguyễn Thị Vinh cho biết, khi mua bảo hiểm cháy nổ tại chung cư, chợ dân sinh... Ban quản lý sẽ mua phần chung. Cụ thể, nếu là chợ, trung tâm thương mại thì Ban Quản lý bỏ tiền mua Bảo hiểm phần chung, còn tiểu thương mua bảo hiểm cho các quầy của mình. Khi xảy ra cháy nổ, hãng bảo hiểm sẽ căn cứ vào hợp đồng, đánh giá thiệt hại và bồi thường cho người mua.
Tại các chợ, trách nhiệm tổ chức bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy thuộc về người đứng đầu Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý kinh doanh và khai thác chợ. Khi xảy ra cháy, nổ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 51, Nghị định 144/2021/NĐ-CP, trong đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho 1 nạn nhân có thương tích dưới 61% hoặc 2 nạn nhân trở lên có tổng thương tích dưới 61%.
Trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định có yếu tố cấu thành tội phạm thì người đứng đầu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt đến 8 năm tù. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.