Bạo lực với trẻ em có nguyên nhân sâu xa từ xung đột hôn nhân, gia đình

PV
22/02/2022 - 18:09
Bạo lực với trẻ em có nguyên nhân sâu xa từ xung đột hôn nhân, gia đình

Xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực với trẻ em. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đạo đức xã hội xuống cấp ở 1 nhóm bộ phận xã hội; Xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; sự tác động của Covid-19; sự thờ ơ của cộng đồng… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em.

Như PNVN đã đưa, Phiên giải trình về nội dung "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Uỷ ban Xã hội tổ chức tại Nhà Quốc hội vào sáng 22/2.

Nhiều đại biểu nêu thực trạng đáng báo động là thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng về bạo hành trẻ em xảy ra. Đây không chỉ là vụ việc mang tính đơn lẻ mà trở thành 1 vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm. Các đại biểu đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đánh giá đầy đủ, toàn diện, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng chống bạo lực trẻ em cũng như những đề xuất/ giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện.

Giải đáp các ý kiến, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% số vụ, nhưng diễn biến phức tạp, một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, toàn diện, đã và đang đi vào cuộc sống. Theo ông Đào Ngọc Dung, sau giám sát tối cao của Quốc hội, sự phối hợp giữa các cơ quan trong bảo vệ trẻ em đã tốt hơn, nhịp nhàng hơn. Gần đây, việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em cũng đã nhanh chóng và kiên quyết hơn.

Bạo lực với trẻ em có nguyên nhân sâu xa từ xung đột hôn nhân, gia đình - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Các biện pháp áp dụng can thiệp trợ giúp thời gian vừa qua cơ bản là kịp thời. Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến trẻ em chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời; không ít địa phương, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề này.

Phân tích nguyên nhân xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở 1 nhóm bộ phận xã hội; Xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, xã hội, trong đó có vấn đề thực hiện quyền trẻ em;… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Tất cả các vụ việc vừa qua đều bắt nguồn từ xung đột gia đình, mà người lớn không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường".

Khẳng định nguyên nhân sâu xa của các vụ việc đau lòng thời gian vừa qua bắt nguồn từ xung đột trong quan hệ hôn nhân, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, "người trong cuộc đã không có kỹ năng giải quyết những trục trặc, mẫu thuẫn trong hôn nhân. Đồng thời không biết điều chỉnh trạng thái tâm lý, không làm chủ được hành vi rất đến những hành động rất tàn bạo, đau lòng đối với trẻ".

Ngoài ra, môi trường xã hội chưa thực sự an toàn. Trong xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ "đèn nhà ai, nhà nấy rạng", cũng là một lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em.

Bạo lực với trẻ em có nguyên nhân sâu xa từ xung đột hôn nhân, gia đình - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục

Kết luận Phiên giải trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Trẻ em và sau chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 121 thì công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương quan tâm hơn.

Tuy nhiên, các văn bản điều chỉnh về lĩnh vực bạo lực trẻ em còn hạn chế, chưa bao quát hết các nội dung, đối tượng cần điều chỉnh trong lĩnh vực này; công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở chưa thường xuyên. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị các bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, chú trọng việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong việc sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Ban hành hướng dẫn giải quyết các vụ việc ly hôn, trong đó quy định rõ khi quyết định quyền nuôi con phải xem xét quyền lợi mọi mặt của trẻ em, chú trọng khả năng bảo vệ trẻ khỏi bị nguy cơ xâm hại, bạo lực.

Ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện công tác gia đình và công tác trẻ em, chú trọng việc phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

Về triển khai thực hiện, tăng cường phát triển mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở cơ sở, chú trọng việc nâng cao vai trò của Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận thông tin, xử lý tin báo, tố giác về các trường hợp bị xâm hại, bạo lực hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực…

Bạo lực với trẻ em có nguyên nhân sâu xa từ xung đột hôn nhân, gia đình - Ảnh 4.

Toàn cảnh phiên giải trình

Đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19, chú trọng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ em.

Đề nghị Bộ Công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp nắm đầy đủ, phát hiện kịp thời thông tin liên quan tới bạo lực trẻ em; lập danh sách phân loại, quản lý, theo dõi chặt các đối tượng có tiền án tiền sự trên địa bàn; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp biết thông tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực mà không báo tin đến cơ quan có thẩm quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm