Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em

PVH (thực hiện)
15/09/2023 - 14:09
Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), phát biểu tại Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Ảnh: PVH

Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra. Tuy nhiên, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho rằng, mức này là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản.

- Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi. Ông có nhận định thế nào về một số nội dung, quy định được sửa đổi, bổ sung lần này liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của phụ nữ, lao động nữ?

- TS. Bùi Sỹ Lợi: Mục tiêu có tính chất căn bản sửa đổi luật BHXH 2014 là bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, dựa trên quyền con người theo Hiến pháp 2013 (Điều 34); đặc biệt là phải hướng đến xây dựng sàn lương hưu nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người nghỉ hưu theo nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt là phải khắc phục những khoảng trống của pháp luật hiện hành; bảo đảm bình đẳng giới và không phân biệt đối xử, thu hẹp khoảng cách lương hưu giữa nam và nữ, bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe và dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, cơ hội bình đẳng của phụ nữ trong tìm kiếm việc làm. 

Ước tính gần 40% trong số hơn 1,5 triệu phụ nữ Việt Nam sinh con đã hưởng chế độ thai sản ở Việt Nam vào năm 2021.

Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Ảnh 1.

Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia đối với Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 15/9. Ảnh: PVH

Theo Công ước Bảo vệ thai sản của ILO, 2000 (C 183), các quy định bảo vệ thai sản nên được áp dụng cho tất cả phụ nữ, kể cả những người làm việc trong điều kiện không chính thức. Bảo vệ thai sản bao gồm: nghỉ thai sản; hỗ trợ tiền mặt và trợ cấp y tế; Bảo vệ sức khỏe; cho con bú; bảo vệ việc làm và không phân biệt đối xử. Do đó cần thiết có chế độ thai sản đa tầng tại Việt Nam.

Việc mở rộng trợ cấp thai sản cho tất cả các bà mẹ của trẻ sơ sinh có thể được thực hiện thông qua một hệ thống trợ cấp thai sản đa tầng. Chế độ thai sản đa tầng sẽ hiện thực hoá quyền bảo vệ thai sản của tất cả phụ nữ ở Việt Nam, bất kể tình trạng việc làm của họ. Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 2 dựa trên quan hệ đóng góp (BHXH) sẽ thay thế thu nhập bị mất dành cho cha mẹ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện sinh con hoặc nhận nuôi con. 

Chế độ trợ cấp thai sản từ tầng 1 do ngân sách nhà nước chi trả dành cho tất cả những người không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội sẽ mang lại sự bảo đảm thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia BHXH.

- Cơ quan soạn thảo đề xuất  bổ sung chế độ thai sản với BHXH tự nguyện, mức trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra, ông có ý kiến gì với quy định này?

- TS. Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta phải "Hướng tới một hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam" mức hưởng chế độ thai sản phải tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, đảm bảo không có phụ nữ nào ở Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói vì có con.

Nếu quy định như dự thảo Luật "người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con" là rất thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, chỉ bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.

Bảo vệ quyền thai sản của lao động nữ, tăng cường phúc lợi, sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Ảnh 3.

Người lao động được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: PVH

Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ). Do đó, đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) là phù hợp và vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. 

Chi phí hưởng chế độ thai sản do ngân sách nhà nước chi trả tại tầng 1, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam, cần chi từ Ngân sách nhà nước cho các chương trình trợ giúp xã hội khoảng 4.900 tỷ đồng/năm, tương đương 0,05% GDP cả nước năm 2022.

Hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính từ việc đóng BHXH đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, qua đó tăng diện bao phủ của BHXH. Mục tiêu của trợ cấp gia đình/trợ cấp trẻ em là góp phần đảm bảo không một phụ nữ Việt Nam nào (hoặc gia đình) bị rơi vào tình trạng nghèo vì sinh con.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm