Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mức đóng BHXH tự nguyện không đổi nhưng hưởng thêm chế độ thai sản

PVH
16/03/2023 - 17:54
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mức đóng BHXH tự nguyện không đổi nhưng hưởng thêm chế độ thai sản

Tuyên truyền, vận động lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa

Chiều 16/3, về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại diện Bộ LĐ-TB&XH lý giải việc bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện là gia tăng quyền lợi cho người tham gia được hưởng thêm chế độ nhưng không phải bổ sung thêm mức đóng.

Chiều 16/3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Như Báo PNVN đã phản ánh, một trong những nội dung mới, được đông đảo lao động nữ quan tâm là dự thảo Luật bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện (tại mục 1 Chương VI).

Theo đó, dự thảo quy định các đối tượng "lao động nữ sinh con", "lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con" hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho 1 con mới sinh, do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong Luật BHXH 2014, BHXH tự nguyện chỉ bao gồm 2 chế độ hưu trí và tử tuất; không có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như bảo hiểm bắt buộc.

Việc bổ sung chế độ trợ cấp thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm thu hút sự tham gia của những người lao động không có quan hệ lao động cũng như đảm bảo sự công bằng về chế độ thai sản giữa những lao động nữ làm việc ở các khu vực khác nhau - chính thức và phi chính thức.

Trả lời báo về căn cứ đưa ra mức 2 triệu đồng và nguồn do ngân sách nhà nước đảm bảo và tại sao không bổ sung cả chế độ ốm đau vào chính sách BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng với 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trên thực tế, người lao động tự do, khu vực phi chính thức, không có giao kết hợp đồng lao động thường có mức thu nhập thấp, thiếu tính ổn định. Việc bổ sung thêm nhiều chế độ thì sẽ phải tăng mức đóng BHXH tự nguyện, như vậy là khó cho người lao động khu vực này. 

Theo ông Nguyễn Duy Cường, dự thảo Luật mới chỉ bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, mà người lao động "không phải bổ sung thêm mức đóng" cho chế độ này. Có nghĩa là mức đóng như cũ - người lao động chỉ phải đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, mà lại được hưởng thêm chế độ thai sản. Đây chính là gia tăng quyền lợi cho người lao động, tạo sức hút tham gia BHXH tự nguyện. 

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mức đóng BHXH tự nguyện không đổi nhưng hưởng thêm chế độ thai sản - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được tiếp tục lấy ý kiến đến ngày 30/4/2023 nhằm hoàn thiện, sửa đổi căn bản các vướng vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH hiện hành, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; đồng thời mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.

Riêng về việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi, tham gia BHXH tự nguyện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm