Đề xuất giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho lao động ở đơn vị nợ, trốn đóng BHXH

PV
20/02/2023 - 13:14
Đề xuất giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho lao động ở đơn vị nợ, trốn đóng BHXH

Khám chữa bệnh BHYT cho phụ nữ mang thai. Ảnh minh hoạ

BHXH vừa có đề xuất phương án nhằm giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ tiền BHXH; trong đó có đề xuất giải pháp cụ thể với trường hợp người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi mà đơn vị chưa đóng đủ tiền BHXH.

Theo thống kê, hiện có hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Chị Lê Thị Nga (ở Hà Đông – Hà Nội), cho biết đã nghỉ làm tại công ty may mặc trên địa bàn hơn 1 năm nay nhưng vẫn không chốt được sổ BHXH. Nhiều lần tới công ty chỉ nhận được những lời hứa hẹn và phân bua về tình trạng khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo chị Nga, doanh nghiệp đóng thiếu, chậm đóng, thậm chí trốn đóng BHXH, thì người lao động luôn đứng ở thế yếu, chịu nhiều thiệt thòi, bởi quyền lợi không được đảm bảo. Phần lớn người lao động đều nhận thức được việc tiền BHXH là doanh nghiệp đóng thay cho người lao động. Như vậy, khi doanh nghiệp giữ tiền này mà không đóng theo luật định là có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Chị Nga cho rằng, người lao động thường ở thế bị động vì không nắm được quá trình chủ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều lao động cũng tỏ ra băn khoăn việc cơ quan chức năng không xác định một cách nhanh chóng doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH cho lao động; đến khi xảy ra tình trạng nợ đọng kéo dài, doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mới phát hiện thì quyền lợi và các chế độ chính sách BHXH của người lao động bị "treo" lại.

Tại hội nghị mới đây, BHXH Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp chậm đóng BHXH đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng (tăng gần 4.000 tỷ đồng so cùng kỳ). Việc chậm đóng diễn ra ở tất các loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ỳ, dùng tiền đóng BHXH để cho hoạt động kinh doanh.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyến Thế Mạnh khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường thanh, kiểm tra doanh nghiệp chưa đăng ký đóng BHXH, đóng không đầy đủ, chậm đóng từ 3 tháng trở lên. Đồng thời lập hồ sơ và chuyển đề nghị khởi tố hình sự với các công ty cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Đề xuất giải quyết chế độ ốm đau, thải sản cho lao động ở đơn vị nợ, trốn đóng BHXH - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho những lao động tại doanh nghiệp trốn đóng, đã phá sản, không còn hoạt động, BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động.

Theo đó, với chế độ hưu trí, cho phép giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.

Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên) mà người lao động có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Với trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.

Với chế độ BHXH một lần, BHXH Việt Nam cũng đề xuất giải quyết cho người hưởng theo quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014: Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH. Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì sẽ giải quyết bổ sung BHXH một lần.

Liên quan đến chế độ tử tuất, BHXH Việt Nam đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp mai táng phí đối với người lao động có thời gian thực đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên hoặc tổng thời gian thực đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) được giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân theo quy định.

Giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 15 năm thực đóng BHXH bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH), có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà không lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần…

Về giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản trên cơ sở thời gian thực đóng BHXH đã được xác nhận. 

Riêng đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi mà đơn vị chưa đóng đủ tiền BHXH, đề nghị cho phép thực hiện như sau: Đối với người có đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 hoặc 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 thì cho phép giải quyết trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi theo quy định.

Trường hợp sau đó, khoản tiền chưa đóng BHXH trước đó được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác mà làm thay đổi mức trợ cấp thì điều chỉnh lại mức hưởng theo chính sách tại thời điểm hưởng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm