Bảo vệ trẻ trong 'mùa' đuối nước

17/06/2016 - 15:22
Thông thường, cứ vào dịp hè, số trẻ bị đuối nước gia tăng. Vì vậy thời gian này vẫn bị gọi là 'mùa' đuối nước.
Từ đầu tháng 6 đến nay, BV Nhi TƯ tiếp nhận nhiều ca đuối nước, trong đó có những trường hợp cấp cứu quá muộn. TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ cho biết, vào ngày 5/6, BV tiếp nhận một trường hợp đuối nước nhưng không qua khỏi do nạn nhân đã phù não. Đó là bé Nguyễn Huy D., 5 tuổi, ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, chẳng may trượt chân xuống bể bơi ở gần nhà. Bé được người lớn phát hiện và vớt lên bờ khi đã bị đuối nước 10 phút. Dù lập tức được chuyển đến BV Nhi TƯ điều trị tích cực nhưng với tình trạng thiếu oxy dẫn đến phù não cấp, bệnh nhi đã tử vong.
phan-anh.jpg
Bé Phan Anh đang được điều trị tại BV Nhi TƯ
May mắn hơn, bé Trần Phan Anh, 8 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn đang được các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi sau 1 tuần điều trị tích cực. Chiều ngày 10/6, bé Phan Anh theo các anh lớn ra hồ bơi gần nhà. Trong lúc các anh không để ý, bé Phan Anh tự trèo sang khu vực dành cho người lớn và gặp nạn ở đó. Bé được cấp tốc chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi TƯ.

Chết đuối trong… nhà

Cùng đuối nước tại ao, hồ, có trường hợp trẻ bị đuối nước trong nhà của mình. Chị Hoàng Thị Bé (28 tuổi), ngụ tại Đồng Nai, nghẹn ngào khi nghe chúng tôi hỏi về tai nạn thương tâm xảy ra với con gái 13 tháng tuổi. Chị Bé cho biết, chị cháu bập bẹ biết đi nên cả nhà đều khuyến khích, để con đi khắp nhà. Hôm xảy ra tai nạn, khoảng 5 phút em không thấy con đâu, tôi chạy vào bên trong tìm thì thấy con đang chúi đầu vào xô nước. Ngay sau đó, tôi đưa con đến BV nhưng cháu đã tử vong sau đó 2 ngày.

Theo BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), mỗi năm, BV tiếp nhận khoảng 30 ca cấp cứu do đuối nước. Không ít nạn nhân bị đuối nước, trong kỳ nghỉ hè, bố mẹ các cháu gửi về quê ở với người thân. Trường hợp 2 cháu tử vong ở Thừa Thiên-Huế, sau khi được nghỉ hè, được bố mẹ gửi về quê là ví dụ.

Dạy trẻ kỹ năng tránh tai nạn

Đa phần nguyên nhân khiến trẻ đuối nước do sự quản lý trẻ trong ngày hè chưa chặt chẽ, phụ huynh thường chủ quan với các vật dụng chứa nước; không dạy trẻ tập bơi...

Theo BS Đinh Tấn Phương cho rằng, để hạn chế các tai nạn trong dịp hè với trẻ, phụ huynh không nên để trẻ chơi một mình; dạy trẻ tập bơi. Với những trẻ nhỏ, cần giám sát chặt chẽ bé; không nên để xô chậu có nước trong nhà, vì bé rất hiếu động, có thể ngã hoặc rúc đầu vào chậu, xô nước.

Các bậc phụ huynh cần chú ý để mắt tới trẻ, không để trẻ chơi ở cạnh ao, hồ, kênh, mương. Với nhóm trẻ lớn, đặc biệt là các bé trai bản tính vốn hiếu động, gia đình cần giáo dục ý thức tự bảo vệ mình cho bé.

a11.jpg
Khi trẻ tắm ở ao hồ, người lớn cần giám sát

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước ở sông, ao hồ... cần tìm cách đưa vào bờ. Sau đó, cần làm thông đường thở xem có gì nằm trong miệng trẻ không. Tiếp đến là hồi sức tim phổi cho trẻ, lay trẻ xem trẻ còn cử động hay không; cần ấn tim, hà hơi thổi ngạt (trẻ đuối nước tại nhà cũng cần thực hiện các biện pháp trên). Nếu gửi trẻ về quê, cần dặn trẻ tránh những chỗ nguy hiểm; nhờ người lớn giám sát chặt trẻ; tốt nhất là rào quanh bờ ao, giếng nước.

Để tránh tác dụng ngược trong việc cấp cứu trẻ bị đuối nước, phụ huynh không nên thực hiện các biện pháp sơ cứu truyền thống như lăn bé, dốc ngược trẻ để đẩy nước ra ngoài… mà quan trọng nhất là cần hồi sức tim phổi cho trẻ. Khi sơ cứu, cần đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, ngửa cổ bệnh nhân để thông đàm nhớt. Ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 30 lần ấn tim và 2 lần thổi ngạt. Khi ấn tim, cần ấn với lực chiều sâu 1/3-1/2 chiều dày thành ngực, 1 tay bắt mặt ở cổ hay nách, bẹn, khi thấy mạch nảy nghĩa là ấn tim hiệu quả. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trên đường đi, vẫn cần thực hiện các biện pháp sơ cứu.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó trẻ em là 3.500 (9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày). Trong khi đó, một khảo sát của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ có 35% trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long biết bơi, tỷ lệ này ở Đồng bằng sông Hồng là 10%. 

Gần đây nhất, ngày 15/6, em Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp, ở xóm 7, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tử vong do đuối nước khi tắm ở ao.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm