Bất bình đẳng giới và 'công dân hạng hai' ở Jordan

03/03/2016 - 07:00
Một người đàn ông Jordan dù kết hôn với ai thì con họ sinh ra có đầy đủ quyền lợi. Nhưng nếu một phụ nữ Jordan kết hôn với người ngoại quốc thì con cái của họ chỉ như "công dân hạng hai".

Khaled al - Maani đang ngồi ngay ngắn trên tấm nệm nhung màu nâu trong phòng khách nhà mình tại miền Nam Marka, Jordan để đọc sách. Cậu bé 13 tuổi nhớ lại cách đây 5 năm, cậu rất ghét trường học sau một lần cô giáo tịch thu sách giáo khoa của cậu chỉ vì cậu mắc một lỗi nhỏ. Cậu bị coi thường và không có quyền như những học sinh khác trong lớp vì cậu là người Ai Cập. “Nhưng mẹ tôi là người Jordan”, Khaled thổn thức.

Gia đình Khaled có 8 thành viên, chỉ có mẹ cậu là công dân Jordan trong khi cậu và 6 anh chị em của mình dù sinh ra và lớn lên ở Jordan nhưng vẫn chỉ được coi như “công dân hạng hai”.

Theo Luật Quốc tịch của Jordan, một phụ nữ nước ngoài kết hôn với một người đàn ông Jordan có thể được nhập tịch Jordan và những đứa con của người đàn ông Jordan sẽ luôn có quyền công dân dù chúng được sinh ra ở bất kỳ nơi đâu. Nhưng điều này không được áp dụng đối với trường hợp một người đàn ông ngoại quốc kết hôn với một phụ nữ Jordan và những đứa con của họ mất quyền công dân Jordan.

Cuộc sống của những người có mẹ là người Jordan và bố là người nước ngoài sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Nếu không có quyền công dân, họ gần như không tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và công việc bị hạn chế khiến gia đình rơi vào cảnh nghèo túng. Chính phủ Jordan có nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho công dân của mình nhưng không phải cho những đứa con lai này. Ngoài ra, để có công việc hợp pháp, những người con lai Jordan phải mua giấy phép việc làm với giá không hề rẻ mỗi năm. Đối với những người không có quốc tịch thì Jordan không khác nào là “nhà tù ảo”. Một người con lai tâm sự, anh phải làm việc ở nhà, rất ngại ra khỏi nhà vì nếu có bất cứ điều gì xảy ra, anh ta không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng. “Bạn không thể đến cảnh sát, vì bạn không có quốc tịch hoặc chứng minh nhân dân”, anh cho biết.

 

2.jpg
 

Một người phụ nữ cho biết con trai 20 tuổi của cô bị cảnh sát đánh đập vì không xuất trình thẻ chứng minh tại một trung tâm mua sắm ở Amman. “Nhờ tiếng kêu “Mẹ tôi là người Jordan” của nó mới cứu nó thoát khỏi bị đánh chết và bị bỏ tù”, người phụ nữ kể. Một vài tuần sau đó, cậu con trai đã định tự tử sau khi bị từ chối cấp phép lái xe.

Một trường hợp khác, để cho con trai đầu đi học đại học, Mashal al-Zoubi đã phải đóng 10.000 dinar (14.000 USD), cao gấp 3 lần học phí đối với một công dân Jordan. Sau khi đứa con trai ra trường, gia đình Mashal đã phải tốn 400 dinar (565 USD) để có giấy phép xin việc hằng năm nhưng rủi thay, cậu vẫn không thể tìm được việc làm phù hợp vì nhiều công việc chỉ ưu tiên cho công dân Jordan. Người con trai khác của Mashal đang làm tạp vụ cho một công ty nhưng cũng bị họ giữ hết các giấy tờ như những người nhập cư bất hợp pháp khác.

“Chúng tôi cảm thấy rằng những đứa con của chúng tôi đang bị trừng phạt vì chúng tôi kết hôn với người ngoại quốc”, Mashal - người đã kết hôn với một người đàn ông Ai Cập, khóc nức nở.

 

11.jpg
 

Hàng ngàn phụ nữ Jordan kết hôn với người nước ngoài đã tổ chức hơn 50 cuộc biểu tình trong suốt một thập kỷ qua tại nhiều địa điểm khác nhau, từ Văn phòng Chính phủ đến Tòa án Hoàng gia để đòi quyền công dân cho con cái của mình. Tháng trước, Chính phủ nước này đã có câu trả lời cuối cùng và cũng đã dập tắt niềm hy vọng của những phụ nữ đáng thương khi từ chối yêu cầu của họ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã thực hiện một số đề án nhằm cung cấp một số lợi ích cho nhóm những đứa con lai của phụ nữ Jordan. Những lợi ích đó cũng được áp dụng cho con cái của những phụ nữ Jordan không có chồng nhưng được theo học tại các trường tiểu học công lập, được đóng bảo hiểm y tế, được miễn phí những giấy tờ liên quan đến vấn đề cư trú hay giấy phép việc làm...

Quyết định của Chính phủ đã gây ra những phản ứng trái chiều, một số kẻ xem đó như là một “bước tiến”, những người khác lo ngại điều này chỉ khiến làm sâu sắc thêm sự kỳ thị trong nước.

“Chúng tôi không phải là công dân hạng hai hoặc tị nạn ngay trong đất nước của mình mà chúng tôi đáng được hưởng đầy đủ quyền công dân thay vì chỉ một số lợi ích nhất định”, Aroub Soubh, lãnh đạo của tổ chức “Vì quyền công dân của tôi”, nói.

Các nhà hoạt động mô tả những lợi ích mà Chính phủ đã nêu ra là “không đủ” và “đáng thất vọng”. “Đây là một bước rất nhỏ hướng tới việc con cái của phụ nữ Jordan có chồng ngoại quốc sẽ có nhiều quyền lợi hơn trong tương lai”, Nima Habsahna, người sáng lập một cơ sở đòi quyền công dân đầy đủ cho con cái của phụ nữ Jordan, chia sẻ.

Theo quy định, phụ nữ phải sống tại Jordan 5 năm liên tục thì con cái của họ mới được hưởng các lợi ích dù rằng chưa đầy đủ như những đứa trẻ có quyền công dân. Điều này, theo các nhà hoạt động nhân quyền, là vi phạm “quyền di chuyển tự do và theo đuổi một công việc mới cũng như cơ hội giáo dục ở nước ngoài.”

Các quan chức Jordan lo ngại rằng, Jordan sẽ có nguy cơ trở thành “quê hương thay thế” cho người Palestine nên đã không cấp quyền công dân đầy đủ cho con cái của những phụ nữ Jordan lấy chồng nước ngoài. Theo số liệu của Chính phủ, tính đến năm 2014, quốc gia này có 52.650 phụ nữ Jordan kết hôn với người Palestine - con số không nhỏ khiến các quan chức Chính phủ phải để tâm tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm