Bất cập trong giáo dục, can thiệp cho trẻ tự kỷ đến tuổi trưởng thành

21/09/2018 - 12:57
Trẻ tự kỷ dần trưởng thành đến độ tuổi 15 – 16 nhưng vẫn không kiểm soát được hành vi, có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân các em và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay hầu như không có cơ sở, trung tâm nào nhận trông nom đối với những trẻ tự kỷ này.

Trong phòng học nhỏ của Khoa Can thiệp trẻ tự kỷ thuộc Trung âm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì – Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Bảo Yến kiên nhẫn kèm dạy 1 trẻ suốt 1 giờ đồng hồ chỉ lặp đi lặp lại 3 chữ cái. Thậm chí, đang ngồi tập đọc, bé tự nhiêm im bặt, thuyết phục thế nào cũng không nói; thậm chí lẳng lặng đi ra một góc ngồi, không giao tiếp với bất kỳ ai; hoặc gào thét, đập phá đồ đạc.

Tại trung tâm này đang tiếp nhận, can thiệp cho hàng chục trẻ tự kỷ. Cô Bảo Yến chia sẻ: làm giáo viên can thiệp cho trẻ tự kỷ đòi hỏi sự kiên trì rất cao; nhiều khi còn gặp nguy hiểm. Những trẻ bị tự kỷ bắt đầu bước sang độ tuổi trưởng thành, có những em 15 – 16 tuổi, cao to lực lưỡng, không kiểm soát được hành vi, nghịch quậy không thể quản lý nổi; có những lúc không kiểm soát được hành vi, có thể hành hung cả cô giáo và các bạn…

tre-tu-ky.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Yến (giữa) trong buổi dạy, can thiệp trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An 

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, nhìn nhận: Đội ngũ cán bộ, giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ hiện nay chủ yếu được đào tạo từ các trường như sư phạm, ngành tâm lý, công tác xã hội, y tế. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có chuyên ngành nào đào tạo một cách bài bản cho cán bộ, giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ.

Trong khi đó, giáo dục, can thiệp đối tượng trẻ em này cần phải có hệ thống cơ sở, tài liệu giáo án, nhân lực đào tạo theo một hệ thống đầy đủ, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các trung tâm, cơ sở tiếp nhận trẻ tự kỷ, đặc biệt là cơ sở tư nhân hiện nay đang phát triển tự phát.

Bên cạnh đó, theo ông Lý, tỷ lệ lớn các trẻ tự kỷ đang dần bước sang tuổi trưởng thành. Nhiều em đến tuổi 15 – 16 đã rất cao lớn, nhưng quậy phá khó kiểm soát được, thậm chí gây nguy hiểm cho giáo viên và các học sinh khác. Chính vì vậy, với những trẻ này, hầu hết các trung tâm đều không dám nhận trông nom, chăm sóc; thậm chí nhiều gia đình chi trả tiền công cao nhưng không nhiều giao viên dám nhận kèm cặp, trông nom riêng cho các em.

Các em chỉ ở nhà với gia đình, thiếu được can thiệp bài bản, toàn diện; thiếu cơ sở, môi trường chăm sóc an toàn, nên tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Đây là vấn đề nan giải của các nước trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài, với trẻ tự kỷ đến tuổi trưởng thành, không kiểm soát được hành vì thì càng không được bắt nhốt; mà cần có cơ sở chăm sóc riêng đảm bảo an toàn. Có nguồn nhân lực công tác xã hội, giáo viên can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ được đào tạo chuyên nghiệp, có cơ chế đãi ngộ riêng…

 

giao-duc-can-thiep-tre-tu-ky-1.jpg
Buổi học của trẻ đặc biệt tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An

 

Tại Hội thảo Nâng cao chất lượng truyền thông trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội sáng 21/9, ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH, cho rằng: Để nguồn nhân lực, nghề công tác xã hội phát triển, có chỗ đứng như các nghề khác, cần phải có 3 trụ cột gồm: Khuôn khổ pháp lý, cao nhất là hình thành, xây dựng Luật về công tác xã hội; đồng thời, vai trò Nhà nước là cơ bản trong cung cấp dịch vụ xã hội này, bởi người được trợ giúp chủ yếu là người yếu thế, khó khăn, không có khả năng tài chính, nên chi phí nhân lực cần Nhà nước chi trả; đặc biệt cần phải có đội ngũ làm công tác xã hội được đào tạo như một nghề, chứ không phải là người hoạt động xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm