Nên cho con nhìn ra cái sai của mình để sửa chữa khi phạm lỗi lầm (Ảnh minh họa)
Con gái tôi sinh nhằm ngày rằm, nghịch không khác nào một đứa con trai. Khi tivi chiếu phim “Super man”, con bé mê nhân vật siêu nhân như điếu đổ và tìm mọi cách để bắt chước. Thoạt tiên, cô nàng mon men leo lên gác lửng để… nhảy xuống cho giống siêu nhân bay, may mà hôm ấy tôi đi làm về sớm bắt gặp, giảng giải rồi bắt phạt con úp mặt vào tường cho nhớ.
Nhưng ước mơ làm siêu nhân của con gái tôi không vì thế mà dừng lại. Một lần, vô tình nghe được con tâm sự với đứa bạn hàng xóm rằng “Tớ sẽ tắm nước cực nóng rồi nước cực lạnh thử thách cho giống siêu nhân”, tôi định lên tiếng ngăn cản, nhưng nhớ ra bình nóng lạnh đã chỉnh nhiệt độ vừa phải nên không sợ con bị bỏng. “Nhân dịp này cũng để con bé rút kinh nghiệm luôn thể”, tôi nghĩ.
Chiều hôm đó, ghé mắt vào nhà tắm, tôi thấy con đứng gồng lên để chỉnh vòi nước, hết nóng rồi lại lạnh. Đợi cho con làm được 2 lần như thế, tôi bước vào chấm dứt “trò thử nghiệm”. Sáng hôm sau, tôi đang ở cơ quan thì cô giáo gọi điện tới đón vì con hơi sốt, chảy mũi. Vì sốt nên con không thể đi tham quan cùng lớp. Cho con uống thuốc xong, tôi nghiêm giọng hỏi: “Con có biết vì sao bị sốt và không đi chơi được với các bạn không?”. Con rất ngạc nhiên khi mẹ biết trò nghịch của mình. “Sao mẹ vẫn để con làm?”. “Vì mẹ muốn con nhớ không phải thứ gì trên phim ảnh cũng là đúng. Nếu không nghe lời người lớn thì hậu quả sẽ thế nào”. Nghe mẹ nói thế, “siêu nhân” của tôi im lặng, nghe chừng đã nhận ra lỗi của mình.