'Bắt mạch và trị bệnh' nói dối ở trẻ

08/03/2017 - 07:00
Bạn sốc khi thấy đứa con 5 tuổi của mình có biểu hiện xấu như nói dối, gian lận hay trộm đồ? Thực tế, nếu nhận được sự dạy bảo chu đáo của cha mẹ, trẻ sẽ dần hiểu rõ những giá trị đạo đức cần thiết và phát triển theo chiều hướng tốt.
Truy tìm nguyên nhân.

Vì sao trẻ nói dối? Trẻ nói dối có thể là do chưa phân biệt được đúng - sai. Vì thế, trẻ không hiểu được hậu quả của việc nói dối. Trẻ cũng có thể nói dối để tránh bị trách phạt. Nếu một đứa trẻ bị mắng thì phản ứng đầu tiên của bé thường là từ chối hành vi sai trái của mình. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy trẻ nói dối và không thừa nhận sai lầm. Ngoài ra, trẻ thường cảm thấy xấu hổ khi mọi người có thái độ chế giễu hành vi sai trái đó. Bởi vậy, trẻ sẽ nói dối khi cảm thấy bối rối và không thừa nhận rằng mình đã làm sai.
1.jpg
Ở độ tuổi từ 5 đến 7, hành vi sai trái ngây thơ của trẻ vẫn còn trong giới hạn
Vì sao trẻ gian lận? Trẻ gian lận vì muốn chiến thắng. Với con trẻ, mục tiêu quan trọng hơn quá trình. Thế nên trẻ sẵn sàng “đi tắt” để về đích nhanh hơn. Ngay cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng đã ý thức được về thế giới cạnh tranh xung quanh mình. Điều cha mẹ cần lưu ý ở đây là việc trẻ gian lận thường chỉ làm phiền lòng cha mẹ chứ bản thân trẻ thì không nghĩ ngợi gì về điều này. Trẻ coi gian lận là một bước đường vòng chứ không phải tội lỗi.

Trẻ lấy trộm đồ? Việc trẻ nhỏ lấy trộm đồ của bạn khác phần lớn là do trẻ chưa hiểu về khái niệm tài sản cá nhân. Hoặc trẻ tham lam một cách ngây thơ, nếu muốn thứ gì, trẻ sẽ lấy thứ đó.
 
5 điều cha mẹ cần làm 
tr-em.jpg
Cha mẹ hãy đánh giá cao trí tưởng tượng cúa bé
Là một tấm gương tốt: Bạn kỳ vọng điều gì nếu đứa con sắp vào lớp 1 của mình thấy cha mẹ nói dối, thấy cha mẹ phá vỡ các quy tắc đạo đức, hoặc thấy những thứ không phải của bạn mà lại nằm trong túi bạn? Trẻ dễ bị ảnh hưởng và thường dựa vào cha mẹ để đặt ra những quy tắc đạo đức cho mình. Vì thế, cha mẹ hãy hành động đúng đắn và trung thực vì chính con cái. Hãy là tấm gương tốt cho con.

Phân tích thay vì thẩm vấn: Con trai bạn thề rằng cậu bé đã đánh răng nhưng bạn biết chắc rằng bé chưa làm việc đó? Hãy nói với bé rằng: “Thật tốt vì con đã đánh răng, vì con biết điều gì sẽ xảy ra nếu răng không được vệ sinh sạch sẽ rồi đấy”. Hãy đưa ra những hình ảnh sinh động về hậu quả của việc không đánh răng, từ sâu răng, đi khám bác sĩ, đến khoan răng… Chắc chắn cậu bé sẽ muốn đánh răng thêm lần nữa để có được sự bảo vệ an toàn hơn.
 
Khuyến khích trí tưởng tượng: Hãy đánh giá cao những câu chuyện tưởng tượng của bé - thậm chí tích cực tham gia và bổ sung thêm các chi tiết hấp dẫn. Nhưng khi các câu chuyện liên tục chứa những lý do biện minh cho các hành vi sai trái thì, cha mẹ cần chủ động hướng con về những quy tắc đạo đức đúng đắn.

Tránh đổ lỗi, làm trẻ xấu hổ ở chỗ đông người: Trẻ thường chỉ nhận ra hành vi sai trái sau khi được giải thích về hậu quả mà mình đã gây ra. Bởi thế, cha mẹ hãy cố gắng tìm ra biện pháp khắc phục, sửa sai hoặc xin lỗi phù hợp với lứa tuổi và làm việc đó một cách riêng tư,  đừng để trẻ xấu hổ trước chỗ đông người.
 
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên kỳ vọng rằng trẻ sẽ thay đổi sau 1 đêm. Ở độ tuổi từ 5 đến 7, các ranh giới đúng sai với trẻ vẫn còn rất mờ nhạt nhưng phần lớn hành vi sai trái ngây thơ của trẻ vẫn còn trong giới hạn. Từ tuổi thứ 8 trở đi, trẻ sẽ có sự phân định rõ ràng hơn giữa sai và đúng. Nếu lúc đó trẻ vẫn tiếp tục những thói quen xấu như nói dối, gian lận hay lấy đồ của người khác thì có thể vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn.

Nếu bạn vẫn nghi ngờ về con mình thì hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn, gặp giáo viên, bạn bè, chuyên gia tâm lý, chuyên gia về lĩnh vực nuôi dạy con cái. Đừng nuôi dạy con theo cách của riêng mình. Sự tách biệt với mọi người có thể khiến cha mẹ bỏ lỡ những tín hiệu quan trọng hoặc can thiệp quá muộn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm