pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bầu cử cho phụ nữ là thể hiện quan điểm bình đẳng giới, công bằng, tiến bộ
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa (áo xanh) cùng các cán bộ cơ quan TƯ Hội ủng hộ cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Buổi báo cáo do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan cùng phối hợp nghiên cứu.
Tham gia ý kiến, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã sớm chỉ đạo, triển khai trong hệ thống Hội về công tác bầu cử; Các cấp Hội đã tiến hành rà soát, tổng hợp số liệu những phụ nữ đủ tiêu chuẩn, giới thiệu được 376 phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực cho Ban Công tác Đại biểu và 109 chị được giới thiệu vào danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Các cấp Hội chủ động tham gia, có chính kiến trong 3 kỳ hiệp thương, đặc biệt tiếng nói của các đại diện tổ chức Hội trong các kỳ hiệp thương đều đảm bảo tính pháp luật về bình đẳng giới, quy định về tỷ lệ ứng cử viên là nữ và quy định về chất lượng các ứng cử viên là nữ.
Để đồng hành cùng các nữ ứng cử viên, Hội đã tập trung, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nữ ứng cử viên ngay khi có danh sách sau hiệp thương vòng 3. Theo báo cáo nhanh, đến trước ngày 10/5, các cấp Hội đã tổ chức được trên 800 lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 55.500 nữ ứng cử viên. Ngoài những lớp tập huấn trực tiếp, Hội còn xây dựng các bài giảng trực tuyến để nâng cao năng lực cho ứng cử viên nữ và hỗ trợ tài liệu cho hội phụ nữ các cấp làm cơ sở giúp đỡ các nữ ứng cử viên có sự chuẩn bị tốt nhất trong kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND này.
Hội đã phân công, phân cấp các cấp Hội tham gia giám sát cuộc bầu cử theo từng nội dung, từng thời điểm, đúng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức tự giác thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân trong tham gia đi bầu; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quan tâm tới các nữ ứng cử viên là nữ, bỏ phiếu bầu cho các nữ ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn nhằm tăng tỷ lệ nữ trúng cử. Các cấp Hội đã tổ chức được trên 63.000 cuộc tuyên truyền với hơn 3,2 triệu lượt người tiếp cận hoạt động truyền thông và 250.000 sản phẩm tuyên truyền về bầu cử được phát đến các cơ sở Hội.
"Bầu cử cho phụ nữ là thể hiện quan điểm bình đẳng giới cũng như thể hiện sự công bằng, tiến bộ, văn minh trong nhận thức và trong xây dựng chế độ đất nước. Sự tham gia của phụ nữ trong quyết định, thi hành chính sách nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giới cũng là yêu cầu được đặt ra nhằm đảm bảo cân bằng về giới trong hoạt động của các cơ quan dân cử không chỉ về vấn đề y tế, giáo dục mà cả an sinh xã hội", Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
Nghiên cứu "Vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021" cho thấy, trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn tới các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch, dân tộc, lao động thương binh và xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng hơn so với nam đại biểu.
Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất "phát ngôn đúng mực" và "có khả năng thuyết phục" cao hơn so với nam đại biểu. Cả nam và nữ đại biểu quốc hội đồng tình rằng nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Theo Giáo sư Phạm Quang Minh - Trưởng nhóm nghiên cứu, hầu hết các đại biểu được phỏng vấn cho rằng sẽ có lúc số nữ đại biểu Quốc hội và nam đại biểu Quốc hội là ngang nhau. Điều quan trọng là cần chung tay để tạo môi trường cho nữ đại biểu Quốc hội phát huy tiềm năng của họ.
Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cần tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu Quốc hội tăng cường tiếp xúc, đối thoại với cử tri qua nhiều kênh, tận dụng ứng dụng truyền thông xã hội. Đồng thời tạo mọi cơ hội cho nữ đại biểu Quốc hội tham gia tất cả các lĩnh vực thông qua việc thúc đẩy cân bằng giới trong các Ủy ban của Quốc hội.
Bà Diana Torres - Trợ lý đại diện thường trú UNDP Việt Nam - nhấn mạnh, tỷ lệ phụ nữ ngang bằng trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định ở tất cả các cấp, trong khu vực công cũng như khu vực tư, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầm nhìn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo cơ hội phát triển bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Clip cổ động Mỗi lá phiếu 1 niềm tin