Bé 11 tháng suýt tử vong vì uống nhầm thực phẩm chức năng giống thuốc Oresol

22/05/2018 - 15:03
Bé trai 11 tháng tuổi được đưa vào cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với triệu chứng sốt cao, co giật, mệt lả. Nguyên nhân được cho là bé bị tiêu chảy, dẫn đến mất nước và không được bù nước đúng cách.
Theo đó, mẹ cháu bé kể lại: "Bé đi ngoài nhiều lần, nghĩ con bị tiêu chảy, tôi ra hiệu thuốc mua men tiêu hóa, thuốc Oresol để bù nước cho con. Hiệu thuốc bán cho tôi một chai nước nhựa khoảng 200 ml ghi chữ Oresol và một vài gói bột có tác dụng bù nước, điện giải. Về sau, tôi được bác sĩ giải thích, đó chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bổ sung chứ không phải thuốc Oresol".
 
Do cả 2 mẹ con cùng bị tiêu chảy nên đã dùng chung các loại TPCN đó. Bản thân người mẹ không nhớ được con đã uống bao nhiêu lượng nước này. Hai ngày sau, bé vẫn đi tiêu chảy hơn 10 lần/ngày, mệt lả, môi nhợt, bố mẹ mới đưa con vào Bệnh viện Y học cổ truyền, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
 
Với tình trạng trẻ co giật, sốt cao khó hạ, các bác sĩ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã phải chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ trường hợp viêm não. Kết quả cho thấy nguyên nhân chính là trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.
 
Được biết, đây là em bé thứ 3 từ 6 tháng đến một tuổi rưỡi, bị tiêu chảy nhập viện gần đây vì mất nước rnặng. Điểm chung là cả 3 trẻ đều uống thực phẩm chức năng Oresol.
images980874_2_loai.JPG
Thuốc oresol (bên trái) thường đóng ở dạng gói, còn thực phẩm chức năng dung dịch bù nước (bên phải) dạng ống pha sẵn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết, thuốc Oresol có tác dụng bù mất nước khi bị tiêu chảy. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng giống Oresol. Trên nhãn sản phẩm này có dòng chữ "sản phẩm không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh" nhưng đa phần chữ rất nhỏ, người dân ít để ý. Những thực phẩm chức năng này có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc thì không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh.
 
Hiện nay, các hãng dược sản xuất Oresol với nhiều hàm lượng khác nhau, gói pha với 1 lít nước, pha với 200ml và pha với 500ml để phù hợp với từng đối tượng. Mỗi khi bị tiêu chảy, bệnh nhân phải uống hàng trăm ml Oresol để bù nước, điện giải bị mất đi trong cơ thể. Vậy mà có loại TPCN giống Oresol chỉ đóng gói dạng 10ml nhìn như thuốc, rất dễ gây nhầm lẫn cho người sử dụng. "Trong trường hợp trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại TPCN này sẽ không giải quyết được tình trạng mất nước mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
tpcn.jpg
Một loại TPCN giống Oresol đóng gói dạng 10ml/ống

Trước đó không lâu, dư luận cũng từng xôn xao câu chuyện về một bệnh nhi sốt, tiêu chảy mất nước, đã được bác sĩ khám, kê đơn dung dịch bù nước điện giải và hướng dẫn mẹ về nhà cho bé uống, theo dõi triệu chứng. Tuy nhiên, người mẹ lại ra hiệu thuốc mua một loại TPCN dạng oresol để bù nước, không rõ là loại gì. Khi về nhà cho bé uống nhưng triệu chứng cứ xấu dần đi cho đến khi hoảng hốt phát hiện cháu lờ đờ không phản ứng. Trẻ vào viện trong tình trạng trụy tim mạch, không cứu được. Đây là câu chuyện đau lòng cảnh báo đến tất cả các bậc cha mẹ không tự ý dùng thuốc, TPCN cho trẻ tránh hậu quả đáng tiếc.

Hướng dẫn dùng thuốc Oresol bù nước đúng cách
 
- Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm để phân biệt được thuốc Oresol và TPCN giống Oresol. Chỉ có thuốc mới có tác dụng chữa bệnh còn TPCN chỉ là bổ sung, không có tác dụng chữa bệnh.
 
- Pha đúng liều lượng của thuốc Oresol, nếu không sẽ gây tác dụng ngược.
Cụ thể, nếu gói Oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml nước, vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. Nếu pha quá loãng sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi, còn nếu pha đậm đặc với ít nước thì sẽ khiến trẻ bị ngộ độc muối và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu Oresol được pha đặc hơn so với khuyến cáo thì khi trẻ uống không khác gì uống một cốc nước muối. Uống Oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu).
Khi nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào ra khoảng kẽ, khiến tế bào bị mất nước nên bị “teo” lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng... Nguy hiểm nhất là khi tế bào não bị “teo”, gây tổn thương não khiến trẻ có các biểu hiện: Co giật, sốt cao, vật vã, kích thích nặng hơn nữa thì hôn mê...
 
- Dùng nước đun sôi để nguội pha thuốc Oresol, khuấy tan thuốc Osesol trong nước rồi mới cho trẻ uống. Không được pha với sữa, nước canh, nước trái cây... và tuyệt đối không cho thêm đường. Các bậc phụ huynh cũng không pha Oresol với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ thuốc.
 
- Ngoài việc bù nước, bù điện giải bằng Oresol, cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thêm nước lọc, nước cam, chanh, đặc biệt cần liên tục theo dõi tình trạng của trẻ khi trẻ sốt, tiêu chảy… khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
 
-Nếu đã bù Oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, khát, tiểu ít...), cần đưa bé đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm