pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, hầu hết trẻ em đều bị tiêu chảy ít nhất 1 lần trong đời, thậm chí một số bé còn bị tái đi tái lại nhiều lần. Bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày, mẹ cần phải bình tĩnh quan sát màu sắc và tính chất của phân để biết chính xác rằng liệu bé có bị tiêu chảy hay không.
Ở giai đoạn 8 tháng tuổi, bé đã bắt đầu ăn dặm và có thể ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau như tinh bột, rau củ quả, thịt, cá,... nên số lần bé đi ngoài và độ đặc của phân cũng sẽ thay đổi ít nhiều, tùy thuộc vào những gì bé ăn. Bé có thể đi ngoài nhiều hơn hoặc ít hơn, phân có màu khác so với bình thường,... tùy thuộc vào từng loại thực phẩm mà bé ăn.
Bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày và phân lỏng, nhiều nước hơn so với bình thường thì chứng tỏ bé đang bị tiêu chảy. Ảnh minh họa
Trẻ 8 tháng đi ngoài mấy lần 1 ngày?
Đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ có thể đi ngoài trung bình 5 lần/ngày, phân có màu vàng sáng, vàng tươi, kết cấu lỏng. Đối với trẻ bú sữa công thức, số lần đi ngoài sẽ ít hơn so với trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, phân đặc dính hơn, có màu vàng nâu hoặc vàng nhạt và có mùi hơi nồng.
Khi trẻ được 8 tháng tuổi, trẻ được ăn thêm nhiều thực phẩm khác ngoài sữa mẹ nên phân của trẻ sẽ đặc dính hơn trước rất nhiều, số lần đi ngoài ít hơn so với trước đây. Trẻ 8 tháng tuổi có thể đi ngoài 1 lần/ngày hoặc vài ngày 1 lần.
Trong khi đó, một số trẻ lại có thể đi ngoài vài lần 1 ngày. Nếu bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng phân của trẻ không có gì bất thường, bé vẫn ăn chơi bình thường thì không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ngày và phân lỏng, nhiều nước hơn thường ngày thì chứng tỏ trẻ đang bị tiêu chảy.
Nếu trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân bình thường và không có biểu hiện khác thì không có gì nguy hiểm. Ảnh minh họa
Khi bị tiêu chảy, trẻ có thể kèm theo một vài triệu chứng khác như đau bụng, quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi, sốt,... Lúc này, mẹ nên tìm cách bù nước và điện giải cho con. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy:
- Cho trẻ uống dung dịch oresol. Lưu ý, mẹ cần pha và sử dụng đúng theo liều lượng được ghi trên bao bì.
- Cho trẻ bú và uống nước nhiều hơn.
- Trong thực đơn ăn dặm của trẻ, mẹ nên bổ sung các món ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp, canh,...
- Không cho trẻ uống nước ép trái cây vì trẻ dễ bị tiêu chảy nặng hơn.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi, khử trùng các vật dụng như bát thìa trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn thực phẩm có hàm lượng protein cao như trứng, thịt,... đồ lạnh hay nhiều dầu mỡ vì chúng sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày của trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn một số loại rau như bắp cải, tỏi tây, khoai lang, trái cây vì những thực phẩm này rất giàu chất xơ, có thể thúc đẩy nhu động ruột khiến bệnh trầm trọng hơn.
Khi nào cần đưa trẻ tới bác sĩ?
Thông thường, tình trạng tiêu chảy ở trẻ sẽ tự khỏi sau khoảng 3 ngày nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu trẻ 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày và có những biểu hiện sau thì tốt nhất nên đưa trẻ đi bệnh viện càng sớm càng tốt:
- Phân của trẻ có màu đen, máu hoặc mủ.
- Trẻ không chịu ăn uống, nôn ói nhiều dù đã cho trẻ ăn chậm, ăn từng ít một.
- Sốt cao từ 39 độ trở lên.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước như quấy khóc, ngủ li bì, miệng khô, mắt trũng,...
- Tình trạng tiêu chảy vẫn không hết sau 7 ngày.
- Trẻ đi ngoài quá nhiều lần và bố mẹ lo sợ không bù được nước cho trẻ.
Bé 8 tháng đi ngoài nhiều lần trong ngày có thể là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bé đang bị tiêu chảy. Do đó, những lúc như vậy, mẹ cần phải bình tĩnh để theo dõi con, từ đó có phương pháp chăm sóc đúng cách.