pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé bị sổ mũi uống thuốc gì sẽ nhanh khỏi?
Trẻ nhỏ rất dễ mắc phải các bệnh lý phổ biến như viêm xoang, cảm lạnh hay viêm mũi dị ứng nên rất thường hay gặp hiện tượng hắt hơi, sổ mũi… Các bậc cha mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân để có cách điều trị cũng như sử dụng thuốc cho phù hợp.
Bé bị sổ mũi uống thuốc gì an toàn?
Hầu hết, các loại thuốc trị sổ mũi cho bé thường có độ an toàn khá cao vì chứa các thành phần thảo dược. Bên cạnh tác dụng trị sổ mũi thông thường, những thuốc này còn giúp bé cải thiện một số triệu chứng đi kèm như nghẹt mũi, đau đầu, ho nóng.
- Theo các bác sĩ, đối với trường hợp bé bị sổ mũi kèm theo hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt tắc mũi, mẹ có thể thể xử trí theo những cách sau:
Dùng hạ sốt nếu như trẻ bị sốt cao khoảng trên 38,5 độ C (các loại thuốc có chứa thành phần paracetamol hiện vẫn được coi là nhóm hạ sốt an toàn nhất).
Các nhóm thuốc chống xuất tiết, mẹ có thể dùng kháng histamin H1 kết hợp với nhóm chlorpheniramin maleat, loratidin, fexofenadin hydoclorid, desloratidin… (chủ yếu mang đến tác dụng phong bế các thụ thể H1, ức chế phóng thích histamin từ dưỡng bào), được dùng nhiều trong 2 tuần.
Hầu hết, các loại thuốc trị sổ mũi cho bé thường có độ an toàn khá cao vì chứa các thành phần thảo dược. Ảnh minh họa
- Đối với trường hợp trẻ bị viêm sổ mũi mạn tính, viêm mũi dị ứng, viêm mũi mủ: Hầu hết kháng sinh thuộc nhóm chống dị ứng được dùng trong trường hợp này. Một số loại có chứa micocrystalline, cellulose…cũng được chỉ định cho trẻ em trên 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, với những trường hợp trẻ trên 1 tuổi bị sổ mũi, mẹ có thể lưu ý sử dụng loại thuốc trị sổ mũi cho bé ở dạng xịt. Mặc dù vậy, lời khuyên tốt nhất là trước khi muốn dùng thuốc cho bé, cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết bé bị sổ mũi uống thuốc gì cho an toàn.
Thuốc sổ mũi cho trẻ em nên dùng khi nào?
Sổ mũi thường xảy ra khi niêm mạc hô hấp bị viêm dẫn đến hiện tượng xuất hiện dịch nhầy trong hốc mũi gây nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi. Thông thường, sổ mũi sẽ giảm sau 2-3 ngày nghỉ ngơi, chăm sóc. Tuy nhiên, nếu triệu chứng sổ mũi kéo dài hơn 3 ngày, bố mẹ có thể sử dụng một số loại thuốc trị sổ mũi cho trẻ.
Mách mẹ một số cách trị sổ mũi cho bé sơ sinh không cần dùng thuốc
Đối với trẻ sơ sinh, nếu mẹ vẫn băn khoăn bé bị sổ mũi uống thuốc gì, có thể áp dụng biện pháp không thua kém gì các thuốc trị sổ mũi trẻ em mà lại mang lại an toàn:
- Dùng nước muối loãng: Sử dụng dung dịch muối natri clorua 0,9% được pha sẵn dưới dạng xịt hoặc thuốc nhỏ mũi sẽ rất tốt cho việc rửa mũi của bé. Bằng cách này, mũi của trẻ sẽ không bị tắc nghẽn, giảm cảm giác nghẹt mũi do các nguyên nhân khác.
Mách mẹ một số cách trị sổ mũi cho bé sơ sinh không cần dùng thuốc. Ảnh minh họa
- Sử dụng dụng cụ hút mũi: Nếu trẻ có nhiều nước mũi và dính, mẹ nên làm lỏng các chất dịch nhầy bằng cách nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi trước khi dùng dụng cụ hút. Hút mũi sẽ giúp loại bỏ một số chất nhầy trong mũi bé.
- Áp dụng việc nhỏ mũi, hút mũi khoảng 4 lần/ngày cho bé đang bị sổ mũi.
- Uống nhiều nước: Khi trẻ bị sổ mũi, mẹ có thể cho trẻ uống nhiều chất lỏng hơn như sữa mẹ, sữa công thức, nước ấm… để làm loãng đờm giúp bé nhanh khỏi.
Một số bài thuốc trị sổ mũi cho bé từ dân gian
Cha mẹ có thể kết hợp các bài thuốc dân gian để trị sổ mũi cho trẻ thay vì sử dụng thuốc Tây. Dưới đây là một số bài thuốc đã được áp dụng từ rất lâu để trị sổ mũi dành cho bé:
- Dùng lá hẹ hấp mật ong: Lấy khoảng 100g lá hẹ tươi và rửa sạch, cắt khúc cỡ khoảng 2cm. Bỏ lá hẹ vào một cái bát sành và đổ thêm một lượng mật ong vừa đủ ngập phần lá hẹ. Hấp trong nồi nước đang sôi theo phương pháp hấp cách thủy khoảng 15-30 phút là được. Khi lá hẹ đã chín thì mẹ chắt lấy nước cho bé dùng 2-3/lần, mỗi ngày 3 lần. Với trẻ lớn hơn, có thể khuyến khích cho bé ăn cả lá hẹ để có kết quả nhanh hơn.
Lưu ý: Với trẻ sơ sinh, không nên dùng mật ong, mà nên thay bằng đường phèn.
- Kết hợp hoa đu đủ đực, hoa khế, lá hẹ: Dùng 3 loại với trọng lượng bằng nhau, đem hấp chung cùng một chút đường phèn trong 15 phút. Cách dùng tương tự như bài thuốc trên.
- Tắm hoặc ngâm chân với nước gừng ấm: Nấu nước gừng cho trẻ ngâm chân mỗi tối hoặc thêm chút nước gừng trong nước tắm của bé sẽ giúp bé bớt sổ mũi và ngủ ngon hơn.
- Xông mũi bằng tỏi: Giã nát tỏi tươi rồi cho vào một lọ thủy tinh. Sau đó, đổ ngập nước sôi vào bình, chờ trong khoảng 3 phút thì đưa cho bé ngửi hơi nước bốc lên trực tiếp hoặc thông qua một cái phễu.
Nếu như tình trạng sổ mũi của bé kéo dài hơn 2 tuần hoặc bé sốt cao, bỏ bú, có dịch mũi màu vàng, mùi hôi, thay vì tìm hiểu bé bị sổ mũi uống thuốc gì, mẹ cần phải đưa bé đến bác sĩ ngay, không nên chậm trễ.