Bê bối tình dục “hạ gục” nhiều chính trị gia Hàn Quốc

Nhu Thụy
30/07/2020 - 08:12
Bê bối tình dục “hạ gục” nhiều chính trị gia Hàn Quốc

Thị trưởng Busan Oh Keo-don phải ra tòa và từ chức

Phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) đang từng bước tạo ra thay đổi, đặc biệt là trong suy nghĩ về vấn đề quấy rối tình dục phụ nữ tại xứ Kim chi. Nhiều phụ nữ đứng ra tố cáo những quan chức đã có hành vi tấn công tình dục đối với mình. Bê bối khiến không ít “ngôi sao” chính trị của Hàn Quốc “ngã ngựa” và phải trả giá đắt.

Từ những "cú ngã ngựa"...

Ngày 10/7, Thị trưởng Seoul Park Won-soon (64 tuổi), quan chức quyền lực thứ hai ở Hàn Quốc, đồng thời là một ứng viên Tổng thống tiềm năng, đã tự sát sau khi một thư ký tố với cảnh sát rằng, cô từng bị ông Park quấy rối tình dục từ năm 2017. Ông Park được phát hiện đã tự sát tại khu vực núi Bugak, phía Bắc Seoul. Trong thư tuyệt mệnh, ông Park đã viết: "Tôi xin lỗi gia đình, những người lúc nào cũng đau khổ vì tôi. Xin vĩnh biệt mọi người!".

Sự việc trên là một cú sốc lớn đối với gia đình cố thị trưởng và đông đảo người dân Hàn Quốc, đặc biệt là cư dân thủ đô Seoul. Trước khi vụ bê bối nổ ra, ông Park được biết đến như một "ngôi sao chính trị", một luật sư về nhân quyền và là người ủng hộ phong trào bảo vệ quyền phụ nữ tại "xứ sở kim chi". Ông Park giữ chức thị trưởng Seoul nhiệm kỳ thứ 3. Là một luật sư, ông Park từng giúp thân chủ thắng trong một số vụ kiện bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trong đó có cả vụ quấy rối tình dục đầu tiên của Hàn Quốc. Ông cũng đấu tranh mạnh mẽ cho quyền của những "phụ nữ mua vui", các nô lệ tình dục bị buộc phục vụ Quân đội Nhật trong Thế chiến lần thứ hai.

Bê bối tình dục “hạ gục” nhiều chính trị gia Hàn Quốc - Ảnh 1.

Phong trào #MeToo ở Hàn Quốc

Trong thời kỳ chính quyền quân sự những năm 1980, ông Park từng giúp thắng kiện vụ kết tội nhân viên cảnh sát quấy rối nhà hoạt động sinh viên trong một cuộc thẩm vấn. Ông là người đã sáng lập nhóm quyền công dân có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc: Nhóm Nhân dân đoàn kết vì dân chủ, một phong trào chống các mối quan hệ tham nhũng giữa chính giới và các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc. Ông cũng nổi tiếng là nhà phê bình không ngừng nghỉ đối với tình trạng bất bình đẳng. Năm 2016, cố thị trưởng còn "ghi điểm" trong mắt công chúng khi khuyến khích hơn một triệu người tham gia "phong trào Ngọn nến" - cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phế truất cựu Tổng thống Park Geun-hye. Ông Park còn là một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất ở Hàn Quốc trong việc chống dịch Covid-19 khi áp dụng một loạt biện pháp bao gồm cả đóng cửa các hộp đêm.

Với những đóng góp cho xã hội Hàn Quốc, ít ai có thể tin rằng, ông Park lại vướng vào loạt cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên nữ. Trong một buổi họp báo mới đây, một luật sư về nữ quyền và đại diện hai tổ chức hoạt động vì quyền phụ nữ đã trình bày chi tiết bản cáo trạng của nữ thư ký và yêu cầu một cuộc điều tra. Theo lời của nạn nhân, trong suốt 5 năm qua, ông Park đã có hành vi cố ý động chạm thân thể, gửi hình ảnh bán khỏa thân và liên tục nhắn tin gạ tình cô. Dù đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền, cô vẫn không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ hay bảo vệ nào. Nạn nhân đã chia sẻ những cảm xúc tuyệt vọng: "Tôi không biết mình sẽ sống tiếp thế nào. Tôi chỉ biết mình là một con người, một con người đang thở, đang sống". Cô cũng nói với các nhà điều tra rằng một số nhân viên nữ tại Tòa thị chính Seoul bị ông Park quấy rối tình dục và giao tin nhắn với ông Park cho cảnh sát để làm bằng chứng.

... Đến vấn đề đạo đức công vụ

Phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy) đã lan rộng ở Hàn Quốc, dẫn tới một loạt các vụ kiện về quấy rối tình dục. Đây là vấn đề nhức nhối trong xã hội Hàn Quốc với nhiều bê bối dính dáng tới các quan chức hay người nổi tiếng. Tháng 4 vừa qua, thị trưởng Busan Oh Keo-don thừa nhận đã có hành xử không đúng đắn và từ chức sau khi một công chức cáo buộc bị ông tấn công tình dục ở văn phòng.

Năm 2018, Ahn Hee-jung, một nhân vật nổi bật trong đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon-Jae-in và cũng là một nhân vật tiềm năng tranh cử Tổng thống, đã phải từ chức Thống đốc tỉnh Nam Chungcheong sau khi bị thư ký cáo buộc tấn công tình dục. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù vì các cáo buộc hiếp dâm. Ông Ahn là một chính trị gia trưởng thành trong phong trào đấu tranh dân chủ chống lại chế độ độc tài quân sự ở Hàn Quốc trong thập niên 1980. Trước khi vụ bê bối vỡ lở, chính trị gia này là "ngôi sao" đang lên của đảng Dân chủ. Ông từng được kỳ vọng sẽ thay thế ông Moon Jae-in khi Tổng thống đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ năm 2022.

Bê bối tình dục “hạ gục” nhiều chính trị gia Hàn Quốc - Ảnh 3.

Ông Ahn Hee-jung và nữ trợ lý Kim Ji-eun

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã lên tiếng tuyên bố các cơ quan bảo vệ pháp luật nước này phải ủng hộ tuyệt đối những nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại nơi công sở; đồng thời cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp hiện có để đưa kẻ vi phạm ra trừng phạt. Phát biểu tại Nhà Xanh, ông Moon Jae-in cho rằng, mọi nam giới sử dụng sức mạnh hoặc quyền lực để chèn ép các nữ đồng nghiệp đều phải bị trừng phạt thích đáng, bất kể loại hình bạo lực, địa vị của người vi phạm hoặc mối quan hệ của người này với nạn nhân. 

Ông Moon Jae-in nhấn mạnh bạo lực giới là một vấn đề xã hội "nóng" và mang tính cấu trúc, cho phép những người quyền lực có thể dễ dàng xâm hại người yếu thế hơn. Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ lòng tôn trọng với những người đã dũng cảm lên tiếng vạch trần cái xấu. Ông khẳng định nhìn nhận phong trào #MeToo một cách nghiêm túc và luôn sẵn sàng ủng hộ phong trào này, đồng thời kêu gọi giới chức Hàn Quốc nhanh chóng và luôn cảnh giác trước những nguy cơ diễn ra tình trạng này trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là các công ty tư nhân.

Nhìn rộng ra thế giới, những bê bối liên quan đến tấn công tình dục phụ nữ tại công sở hay lộ clip sex trên mạng đã "hạ gục" không ít nhân vật quyền lực tại nhiều quốc gia, khiến sự nghiệp, uy tín của họ bị chôn vùi. Đó là cái giá phải trả cho những sai lầm của họ và cũng là bài học về vấn đề đạo đức công vụ. Hành vi sai trái của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Như trường hợp bê bối của Thị trưởng Seoul, nhiều ý kiến người dân nước này cho rằng, để lấy lại niềm tin của người dân, chính quyền thành phố Seoul cần đưa ra lời xin lỗi chính thức tới nạn nhân trong vụ việc của ông Park, đồng thời mở cuộc điều tra các cáo buộc nói trên. Sự an toàn tại nơi làm việc và công cộng là quyền lợi của mọi công dân, không phải một trò chơi của các chính trị gia khi tham gia tranh cử.
Nguồn: New York Times, Guardian, Yonhap
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm