Bệnh nhân là bé Trần Thị Bích T. sinh năm 2005, ở Dĩ An - Bình Dương. Bệnh nhân mới có kinh nguyệt những lần đầu tiên trong cuộc đời, kinh nguyệt kéo dài 2 tuần, da xanh xao, đau bụng nhiều. Khi bé đến bệnh viện tỉnh siêu âm thì phát hiện bị ung thư. Sau đó, bé chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Kết quả chụp MRI cho thấy, khối u cổ tử cung rất to, xâm lấn hoàn toàn cơ tử cung, lan ra 2 bên, xâm lấn bàng quang, xâm lấn xuống gần hết thân âm đạo trên 10cm, dãn niệu quản, thận ứ nước.
Sáng ngày 16/4, bệnh nhân được tiến hành mổ khẩn tuy nhiên phẫu thuật thất bại vì khối bướu to không chỉ chiếm hết tử cung, mà còn bám vào vách chậu, hạch chậu, kể cả hạch cạnh động mạch chủ bụng tạo thành khối. Bác sĩ đã chuyển sang xử lý khối u bằng sinh thiết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ nhất mà bác sĩ Tiến gặp sau gần 30 năm làm chuyên khoa ngoại ung bướu.
Theo bác sĩ Tiến, sau khi sinh thiết, kết quả chẩn đoán ung thư sẽ chính xác hơn, bệnh nhân sẽ được hóa trị và xạ trị nhưng cơ hội phẫu thuật lại để cắt u của bệnh nhân này chỉ được 20% vì khối u quá lớn, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, bệnh nhân này không hề bị đau bụng hay có dấu hiệu gì trước đó ngoài việc chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên dài bất thường lên tới 2 tuần. Bác sĩ Tiến cho biết, cháu bé và gia đình cũng không biết đó là máu do khối u ung thư cổ tử cung hay chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên nên khi bị xác định ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, cả bác sĩ và bệnh nhân đều sốc. Với bệnh nhân này, bác sĩ Tiến cho rằng “đã xô đổ kỷ lục về ung thư cổ tử cung”.
Vì sao mắc ung thư khi tuổi đời còn quá trẻ?
Theo bác sĩ Tiến, tại Mỹ, ung thư cổ tử cung trong độ tuổi 15 - 19 là 14 trường hợp/năm (với tỉ lệ 0,15/100.000 phụ nữ) và trong độ tuổi 20 - 24 tuổi là 125 trường hợp/năm (với tỉ lệ 1,4/100.000 phụ nữ). Nguyên nhân chính vẫn được cho là nhiễm HPV do quan hệ tình dục, hoặc có thể là do lây từ mẹ lúc chưa sinh, còn hiện chưa xác định được yếu tố di truyền trong ung thư cổ tử cung. Người ta chỉ thấy một số người trong gia đình có vấn đề liên quan đến đào thải HPV, tức là việc người nhiễm HPV nhưng không chuyển thành nhiễm mạn tính. Những người không đào thải được HPV sẽ bị nhiễm mạn tính và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Như vậy, bé này có bị đột biến gene liên quan đến việc đào thải HPV hay không thì vẫn chưa biết vì hiện nay các nhà khoa học vẫn còn đang trong quá trình tìm kiếm và xác định các gene có liên quan đến điều hòa miễn dịch và dung nạp miễn dịch với HPV.
Cách phòng bệnh
Bác sĩ Tiến cho biết, cách phòng ung thư cổ tử cung tốt nhất hiện vẫn là tiêm ngừa vaccine HPV. Bằng chứng là ở các nước phát triển, từ vài chục năm trước, người ta chích ngừa trên 70% trẻ con nên đến nay, tỉ lệ ung thư giảm mạnh, hiện tại đang xuống hàng thứ 4 - 5.
Mới đây trên trang Medscape, vào đầu tháng 4/2019, tác giả Peter Russel đã đăng một bài báo đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa HPV trong giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung: Trong một nghiên cứu quan sát, việc tiêm vaccine HPV cho các em gái từ 12 đến 13 tuổi, đã làm giảm mạnh bệnh lý cổ tử cung tiền xâm lấn khi trưởng thành.
Có thể tiêm chủng vaccine ngừa nhiễm HPV cho bé gái lứa tuổi từ 9 đến 26 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất là từ 12 đến 13 tuổi (gọi là tiêm chủng thường quy), nếu tiêm chủng ở lứa tuổi 16-17 (gọi là tiêm chủng bắt kịp) thì không tốt bằng và lúc này có thể người được tiêm chủng đã bị “phơi nhiễm” HPV.
Trong môi trường hàng ngày, nguy cơ phơi nhiễm virus HPV rất lớn, bác sĩ Tiến cho biết, không phải cứ quan hệ tình dục mới có nguy cơ nhiễm virus HPV mà ở trẻ nếu cầm, nắm, sờ vào đồ dùng của người nhiễm virus HPV thì có thể nhiễm virus này qua vết thương hở.
Ung thư, đặc biệt là ung thư phụ khoa không chừa bất kỳ người phụ nữ nào và ở bất kỳ độ tuổi nào. Vì vậy, mọi người cần có một lối sống lành mạnh, cân bằng để giảm bớt nguy cơ bị ung thư. Bên cạnh đó, các chị em phụ nữ cũng cần trang bị kiến thức cho mình về việc phòng ngừa, chẩn đoán và phát hiện sớm căn bệnh ung thư phụ khoa; cần chích ngừa HPV; đi khám tầm soát định kỳ và đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động... để tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh quái ác này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM: “Với các bậc phụ huynh, nếu thấy con em mình có những dấu hiệu như kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc rong huyết, đau bụng, tiêu tiểu khó khăn, mệt mỏi, sụt cân... và nhất là bụng to dần thì phải đến cơ sở y tế tìm ra nguyên nhân để kịp thời xử lý”. |