Bén duyên với tiếng Ả rập sau khi trượt 2 nguyện vọng vào ĐH

24/01/2018 - 14:57
Thay vì học những ngoại ngữ phổ biến như Anh, Pháp, Đức,… Nguyễn Thị Cẩm Tú lại chọn tiếng Ả rập và khá hài lòng với lối đi riêng của mình.
cam-tu-2.jpg

Nguyễn Thị Cẩm Tú: Phía sau thất bại là cơ hội mới đang mở ra - Ảnh: NVCC

Thử thách với ngoại ngữ hiếm

Đến bây giờ, Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên năm thứ 3 bộ môn Ngôn ngữ văn hóa Ả Rập, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội vẫn cho rằng, mình đã đúng khi quyết định học tiếng Ả rập.

Do đây là một ngoại ngữ hiếm, chưa phổ biến ở Việt Nam nên hồi thi ĐH, như nhiều bạn trẻ khác Tú đã chọn lối đi khá phổ biến là dự thi khối A nguyện vọng 1 vào Học viện An ninh và nguyện vọng 2 vào khoa tiếng Hàn, ĐH Ngoại ngữ.

Khi biết cả hai nguyện vọng đều thiếu điểm, Tú từng rất buồn. Sau đó, biết được thông tin, thí sinh nào đăng ký thi khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc được 30 điểm có thể đăng ký chuyển sang học bộ môn Ngôn ngữ Ả Rập, Tú đã quyết định thử thách mình ở cơ hội mới. Không ngờ, sau 1 tháng theo học, Tú bắt đầu yêu ngôn ngữ này và tình yêu đó ngày một lớn dần.

Năm 2016, Tú được nhận học bổng của Chính phủ để sang Ai Cập học tiếng Ả rập 1 năm nhờ có thành tích học tập tốt trong trường đại học. “Trước khi sang Ai Cập, mình mới chỉ biết sơ về sự kỳ bí của Kim Tự Tháp, tò mò về cuộc sống nơi sa mạc, dòng sông Nin hay những chú lạc đà… Mình cũng có phần lo lắng về thế giới của những người theo đạo Hồi, không biết có hòa nhập được không”.

Khi sang đến nước bạn, Tú đã hòa nhập rất nhanh và thấy cả một chân trời mới đã mở ra trước mắt. 1 năm học ở nước bạn không chỉ giúp Tú nâng cao trình độ tiếng Ả Rập mà còn có cơ hội kết bạn với nhiều bạn bè quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga,… cũng như khám phá kho tàng văn hóa, phong tục tập quán vô cùng phong phú của người dân nơi đây. “Nếu năm đó mình không chọn ngành Ngôn ngữ Ả rập thì chưa chắc, mình đã có được cơ hội tốt như thế”

Song, Tú cũng cho biết: Để làm chủ tiếng Ả rập không đơn giản. Năm đầu nhập học, lớp của Tú có khoảng 40 sinh viên, nhưng nay chỉ còn khoảng 20 bạn. Số còn lại, vì nhiều lý do đã từ bỏ giấc mơ, chuyển sang học ở các trường ĐH khác.

“Với tiếng Ả rập khó nhất là phát âm phải dùng đến âm ở cổ phát ra. Thời gian đầu, những bạn nào đọc đúng tiếng Ả rập thường bị đau rát cổ họng. Ngoài ra, người Ả rập viết chữ tượng hình trong khi người Việt đã quen dùng chữ Latinh nên rất khó nhớ cách viết”.

Hiện nay, ở Việt Nam, không nhiều cơ sở ĐH đào tạo chuyên về tiếng Ả rập, các trung tâm dạy tiếng Ả rập cũng rất ít. Vì thế, Tú và các bạn chủ yếu học tiếng trong trường ĐH chứ không có cơ hội học thêm bên ngoài như với tiếng Anh, Pháp… Nguồn tài liệu, giáo trình cũng do các cựu du học sinh từng học tại Ai Cập và các nước nói tiếng Ả rập mang về nước, hoặc tham khảo từ giáo trình dạy tiếng Ả rập của các nước khác.

“Cẩm nang” không thể thiếu cho người học tiếng Ả rập là từ điển, cũng chủ yếu do người học photo chia sẻ cho nhau vì không thể mua được tại các hiệu sách trong nước và chỉ là từ điển Ả rập - Anh, Anh - Ả rập hoặc Ả rập - Ả rập chứ không có Ả rập -Việt. Để rèn khả năng nghe nói, Tú phải tự lên mạng tìm kiếm các clip dạy tiếng Ả rập trên youtube bằng tiếng Anh. Cũng vì thế mà Tú cũng đã học tốt cả hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Ả rập”. 

cam-tu-1.jpg"Khi đi theo con đường riêng, tuy khó nhưng lại có lợi thế là ít người cạnh tranh" - Ảnh: NVCC

Cơ hội việc làm cao

Tú cho biết, hiện nay, những bạn trẻ học giỏi tiếng Ả rập có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ở một số đại sứ quán, làm biên, phiên dịch hay dạy tiếng Ả rập tại các trung tâm xuất khẩu lao động. Mức lương khởi điểm có thể khoảng 5 triệu đồng, song, cũng có phiên dịch viên được trả 300-500 USD cho một ngày 8 tiếng phiên dịch.

Ngoài ra, bạn trẻ còn có thể đi làm việc tại các nước I ran, I rắc, Ả rập Xê út với mức lương khá cao. “Tuy nhiên, hiện nay khó khăn với những bạn trẻ học tiếng Ả rập là nắm bắt được thông tin về việc làm. Đôi khi chúng mình phải dựa vào sự giới thiệu của người quen, của nhà trường. Vì thế, mình mong trong tương lai sẽ có kênh hỗ trợ bạn trẻ học tiếng Ả rập để họ tiếp cận nhà tuyển dụng dễ dàng và hiệu quả hơn”.

Riêng Tú cũng đã có kế hoạch lập nghiệp của riêng mình. “Mình muốn làm trong lĩnh vực du lịch hoặc xuất nhập khẩu. Sau 1 năm học ở Ai Cập, mình thấy đây là mảnh đất có nhiều tiềm năng về du lịch mà hiện chưa có nhiều công ty khai thác. Sau khi ra trường, mình sẽ đi học một khóa về xuất nhập khẩu để có thể làm việc cho các công ty xuất nhập khẩu lớn có bạn hàng ở các nước nói tiếng Ả rập”.

“Khi mình đi theo con đường riêng, tuy khó nhưng lại có lợi thế là ít người cạnh tranh”, Tú chia sẻ. Hiện nay, trung bình sau mỗi khóa đào tạo ở trường Tú chỉ có khoảng 20-40 cử nhân biết tiếng Ả rập ra trường. Vì thế, ở bất cứ đâu, chỉ cần mình giỏi sẽ tìm được thời cơ vào đời tốt. Tú khuyên các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học đừng ngại dấn thân. Có thể phía sau thất bại lại chính là một cơ hội mới đang mở ra (như Tú năm xưa) nhưng bạn trẻ phải kiên trì, đi đến cùng con đường đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm