Bệnh cảm cúm và tất cả những thông tin cần biết về bệnh

Tiểu Quyên
04/09/2021 - 08:45
Bệnh cảm cúm và tất cả những thông tin cần biết về bệnh
Bệnh cảm cúm hay rất dễ lây lan thông qua các giọt bắn đường hô hấp và là căn bệnh tương đối nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.

Cúm là căn bệnh không quá đáng lo đối với người trưởng thành. Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai, đây cũng được liệt vào những căn bệnh bệnh tương đối nguy hiểm. Bởi những đối tượng này có hệ miễn dịch không được tốt, rất dễ gặp phải một số biến chứng của bệnh cảm cúm.

1. Bệnh cảm cúm là gì?

Bệnh cảm cúm (hay còn gọi là bệnh cúm) là một bệnh đường hô hấp do vi rút gây nên. Căn bệnh này rất dễ lây lan và thường lây qua các giọt bắn từ đường hô hấp của người mắc bệnh. Người bệnh có thể truyền vi rút cho người đối diện thông qua hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc thông qua tiếp xúc cơ thể, chẳng hạn như bắt tay.

Cúm A và cúm B có thể gây ra dịch cúm theo mùa ở Hoa Kỳ và một số nơi khác trên thế giới vào mùa đông. Bệnh cúm C thường chỉ gây ra bệnh đường hô hấp rất nhẹ.

Một số chủng cúm A do vi rút cúm gia cầm H5N1 gây nên có thể gây bệnh nặng nếu lây nhiễm trên người. Do đó, các chuyên gia dịch tễ thường theo dõi các chủng vi rút này rất kỹ lưỡng và cố gắng dự đoán chúng sẽ thay đổi như thế nào và chúng có thể ảnh hưởng đến con người ra sao.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp về các triệu chứng, các cách chữa bệnh cảm cúm, phân biệt bệnh cảm cúm với cảm lạnh; và cách phòng ngừa bệnh cảm cúm.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 2.

Cúm A và cúm B có thể gây ra dịch cúm theo mùa ở Hoa Kỳ và một số nơi khác trên thế giới - Ảnh: vncdc

Đọc thêm bài viết:

Cúm A là gì? Tổng hợp các thông tin cần biết về bệnh cúm A

Cúm B là gì? Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh

2. Triệu chứng của bệnh cảm cúm

Theo Trung tâm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người mắc bệnh cảm cúm có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

- Sốt cao kéo dài khoảng 3-4 ngày

- Đổ mồ hôi lạnh

- Cảm giác rùng mình

- Đau nhức nghiêm trọng

- Đau đầu

- Mệt mỏi

Không phải ai bị cúm cũng có đầy đủ tất cả các triệu chứng này. Ví dụ, có người có thể mắc bệnh cảm cúm và không bị sốt. Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường xuất hiện khá đột ngột. Ban đâu, một người mắc bệnh cảm cúm thường chỉ thấy mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, chán ăn và đau nhức cơ thể.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 3.

Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường xuất hiện khá đột ngột - Ảnh: clevelandclinic

2.1. Các triệu chứng nguy hiểm của bệnh cảm cúm ở người lớn

Người lớn có các triệu chứng dưới đây khi mắc bệnh cảm cúm thì nên đến bệnh viện thăm khám ngay:

- Khó thở

- Tức ngực hoặc đau bụng

- Chóng mặt nhiều

- Lú lẫn hoặc không tỉnh táo

- Co giật

- Không đi tiểu trong nhiều giờ, đây có thể là dấu hiệu mất nước

- Đau nhức cơ thể, suy nhược và đi không vững

- Sốt cao và ho liên tục

2.2. Các triệu chứng nguy hiểm của bệnh cảm cúm ở trẻ em

Triệu chứng bệnh cảm cúm ở trẻ em cũng khá giống với người lớn, nhưng có thể kèm thêm một số vấn đề về tiêu hóa chẳng hạn như buồn nôn, tiêu chảy. Nếu một em bé có các triệu chứng sau của bệnh cảm cúm, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:

- Khó thở

- Thở nhanh

- Mặt hoặc môi hơi xanh

- Rút lõm lồng ngực khi trẻ thở

- Đau tức ngực, nhức mỏi cơ thể dữ dội

- Không đi tiểu trong vòng 8 tiếng đồng hồ, khóc không có nước mắt

- Thiếu tỉnh táo, không tương tác với người khác

- Sốt cao hoặc ho

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 4.

Triệu chứng bệnh cảm cúm ở trẻ em cũng khá giống với người lớn - Ảnh: pediatricsofflorence

2.3. Các triệu chứng cảm cúm ở trẻ sơ sinh

Bệnh cảm cúm có thể khá nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh cúm ở em bé sơ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Các dấu hiệu trẻ sơ sinh mắc bệnh cảm cúm bao gồm:

- Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi

- Trẻ ho và đau họng

- Trẻ bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

- Trẻ sốt trên 38 độ C

- Nôn ói hoặc tiêu chảy

- Trẻ quấy khóc nhiều

- Thở nhanh hoặc khó thở

- Bị sốt kèm xuất hiện phát ban

- Có dấu hiệu cơ thể bị mất nước, ví dụ như trẻ không đi tiểu

- Trẻ ngủ li bì

- Nôn ói dữ dội

2.4. Các triệu chứng cúm loại A, B

Các triệu chứng cum A và cúm B tương đối giống nhau. Người mắc cúm A hoặc B thường gặp phải một số triệu chứng như: sốt và ớn lạnh; đau đầu; đau cơ; mệt mỏi; cảm giác yếu trong người; nghẹt mũi hoặc bị chảy nước mũi; đau họng và ho.

3. Mùa cúm là khi nào?

Mọi người có thể bị bệnh cảm cúm bất cứ lúc nào, nhưng căn bệnh này thường phổ biến hơn vào mùa cúm. Thời gian xảy ra mùa cúm thay đổi theo từng năm, nhưng nó dễ xảy ra nhất vào mùa thu và đông.

Theo đó, bệnh cảm cúm hoạt động ngày một nhiều hơn vào tháng 10 và có thể kéo dài đến cuối tháng 5 năm sau. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 2 năm kế tiếp thường số ca nhiễm tăng mạnh nhất.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 5.

Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thường nhẹ hơn so với bệnh cảm cúm - Ảnh: hackensackmeridianhealth

4. Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Rất nhiều người thường nhầm lẫn bệnh cảm cúm với cảm lạnh nặng bởi một số triệu chứng của hai căn bệnh này khá giống nhau. Cả hai bệnh cảm lạnh và cúm đều có chung một số triệu chứng như: sổ mũi hoặc nghẹt mũi; ho; đau họng; tức ngực; mệt mỏi. Tuy nhiên, chúng cũng có một số khác biệt như:

- Cảm lạnh thường không gây sốt, trong khi cúm thường xảy ra.

- Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh có xu hướng xuất hiện từ từ, trong khi các triệu chứng của bệnh cảm cúm có thể phát triển khá nhanh chóng.

- Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thường nhẹ hơn so với bệnh cảm cúm.

- Sau khi bị cúm, người bệnh có thể tiếp tục cảm thấy mệt mỏi trong vài tuần.

- Bệnh cảm cúm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, và có thể đe dọa tính mạng nếu không được bác sĩ điều trị kịp thời.

Đọc thêm bài viết: Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh, đừng nhầm lẫn!

5. Phân biệt bệnh cảm cúm và viêm phổi

Bệnh viêm phổi có thể gây ra bởi vi khuẩn hoặc vi rút. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi và bệnh cảm cúm khá giống nhau, người bệnh có thể bị đau ở ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu hoặc ho.

Viêm phổi do vi khuẩn có thể khởi phát dần dần hoặc đột ngột. Các triệu chứng của viêm phổi do vi khuẩn gây nên thường là: sốt cao; đổ mồ hôi; nhịp tim và nhịp thở nhanh; móng tay chuyển màu xanh do thiếu oxy trong máu.

Ngoài ra, bệnh viêm phổi do vi rút khá giống với các triệu chứng của bệnh cảm cúm như: sốt; ho khan; đau đầu; nhức mỏi và suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, không giống như bệnh cảm cúm, các triệu chứng của viêm phổi thường phát triển từ từ.

Do đó, bất cứ khi nào cảm thấy khó thở kèm dấu hiệu sốt cao, hãy đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 6.

Bệnh cảm cúm có thể lây truyền trước khi người bệnh biết mình mắc bệnh - Ảnh: medicalnewstoday

6. Bệnh cảm cúm có lây lan không?

Vi rút cúm có thể lây truyền thông qua các giọt chất lỏng bắn ra khi người bệnh ho, nói chuyện hoặc hắt hơi. Người mắc bệnh cảm cúm có thể truyền vi rút cho người khác khi họ đứng cách xa nhau gần 2m thông qua nói chuyện, hắt hơi hoặc tiếp xúc thân thể.

Một người mang vi rút cúm có thể lây truyền bệnh cảm cúm cho người khác trước khi bản thân họ có các triệu chứng mắc bệnh. Nói cách khác, bệnh cảm cúm có thể lây truyền trước khi người bệnh biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, người bị nhiễm vi rút cúm có thể lây truyền vi rút trong khoảng 1 tuần sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như người cao tuổi và trẻ nhỏ có thể lây truyền vi rút trong thời gian dài hơn 7 ngày. Và bệnh cảm cúm dễ lây nhất khi tiếp xúc với người bị bệnh trong khoảng 3-4 ngày đầu người đó có các triệu chứng của bệnh.

7. Bệnh cảm cúm lây như thế nào?

Một người có thể mắc bệnh cảm cúm nếu các giọt chứa vi rút từ hệ hô hấp của người mắc bệnh xâm nhập vào mũi, miệng và phổi của họ. Sự lây truyền này có thể xảy ra nếu như:

- Đứng gần hoặc tiếp xúc thân thể với người bị cảm cúm, chẳng hạn như bắt tay.

- Cầm nắm vật mà người mắc bệnh cảm cúm đã chạm vào, sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt của bản thân.

- Một số nghiên cứu cho thấy, chỉ cần hít thở cũng có thể làm lây lan vi rút cúm.

8. Thời gian ủ bệnh cảm cúm

Thời kỳ ủ bệnh được định nghĩa là khoảng thời gian từ khi vi rút lây nhiễm sang người khác đến khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Đối với bệnh cảm cúm, thời gian ủ bệnh thường là 2 ngày; nhưng đôi khi cũng thay đổi từ 1 đến 4 ngày tùy theo thể trạng của từng người.

Và người mang vi rút có thể lây truyền vi rút trước khi các triệu chứng của bệnh cảm cúm xuất hiện.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 7.

Cách chữa bệnh cảm cúm khá đơn giản, hầu hết mọi người có thể điều trị bệnh cảm cúm ngay tại nhà - Ảnh: medicalnewstoday

9. Chẩn đoán bệnh cảm cúm và cách điều trị

Để chẩn đoán bệnh cảm cúm, bác sĩ có thể sẽ hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải khi khám sức khỏe. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện lấy mẫu ngoáy họng để xét nghiệm. Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cảm cúm thường khá nhanh chóng, có thể cho kết quả sau 15 phút.

Cách chữa bệnh cảm cúm khá đơn giản, hầu hết mọi người có thể điều trị bệnh cảm cúm ngay tại nhà. Thuốc giảm đau có thể giúp kiểm soát cơn đau đầu và đau nhức toàn thân.

Tuy nhiên, hãy chú ý rằng một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, không phù hợp đối với cho trẻ em dưới 16 tuổi. Việc sử dụng aspirin ở độ tuổi này có thể dẫn đến hội chứng Reye vô cùng nguy hiểm.

Tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến và tuân theo chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc điều trị bệnh cảm cúm.

9.2. Thuốc điều trị cảm cúm

Cảm cúm là bệnh gây ra bởi một loại vi rút, do đó thuốc kháng sinh không phù hợp để điều trị bệnh. Bác sĩ thường chỉ kê thuốc kháng sinh đối với người bệnh bị nhiễm vi khuẩn cùng với bệnh cúm. Ngoài ra, thuốc kháng vi rút đôi khi cũng hữu ích đối với người bị bệnh cảm cúm.

Thuốc kháng vi rút sẽ được kê để giúp ngăn chặn vi rút sinh sôi trong cơ thể của một người bệnh, ví dụ như oseltamivir và zanamivir. Mọi người có thể được bác sĩ kê đơn phương án điều trị này khi đã các triệu chứng bệnh xuất hiện quá 48 giờ và người bệnh lớn hơn 12 tuổi.

Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc kháng vi rút đó là viêm phế quản hoặc tiêu chảy.

9.3. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Khi một người bị bệnh cảm cúm, một số điều mà người đó cần thiết thực hiện bao gồm

- Ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan vi rút

- Giữ ấm cơ thể và nghỉ ngơi nhiều hơn

- Uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe

- Không nên uống rượu bia, đồ uống chứa cồn

- Ngừng hút thuốc, vì hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ biến chứng

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 8.

Tiêm phòng cúm là biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm tuyệt vời, tuy nhiên nó không hiệu quả 100% - Ảnh: scientificamerican

10. Phòng ngừa bệnh cảm cúm

Tiêm phòng cúm là biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm tuyệt vời, tuy nhiên nó không hiệu quả 100%. Mọi người nên tuân thủ thêm một số mẹo khác trong lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh cảm cúm, bao gồm:

- Thực hành giữ vệ sinh tốt, rửa tay thường xuyên với xà phòng

- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch của cơ thể

- Bỏ hút thuốc lá

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh cúm

11. Bệnh cảm cúm khi mang thai

Bệnh cảm cúm có thể nghiêm trọng hơn đối với phụ nữ mang thai, bởi mang thai khiến hệ miễn dịch của thai phụ hoạt động kém hơn. Nếu một phụ nữ mang thai và mắc bệnh cúm, họ có thể phải nhập viện để bác sĩ theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.

11.1. Biến chứng của bệnh cảm cúm với phụ nữ mang thai

Bệnh cảm cúm có thể gây ra một số biến chứng đối với thai nhi nếu thai phụ nhiễm vi rút cúm trong thời gian mang thai, chẳng hạn như viêm phế quản, viêm tai hoặc nhiễm trùng máu ở thai phụ; và sinh non, cân nặng khi sinh thấp hoặc thai chết lưu ở thai nhi.

Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh cảm cúm - Ảnh 9.

Bệnh cảm cúm có thể nghiêm trọng hơn đối với phụ nữ mang thai - Ảnh: babycentre

11.2. Cách chữa bệnh cảm cúm cho bà bầu

Theo khoa Y tại Đại học Michigan, tốt nhất bà bầu nên tránh dùng tất cả các loại thuốc trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Đây là thời điểm quan trọng đối với sự phát triển các cơ quan quan trọng của thai nhi. Thậm chí, nhiều bác sĩ sản khoa khuyến cáo phụ nữ mang thai nên thận trọng khi dùng thuốc cho đến khi thai nhi được 28 tuần.

Hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa trước khi thai phụ dùng bất cứ loại thuốc nào. Một số cách chữa bệnh cảm cúm cho bà bầu khi thai nhi sau 12 tuần tuổi được coi là an toàn bao gồm:

- Thoa tinh dầu bạc hà lên ngực, mũi và thái dương

- Miếng dán mũi giúp mở giảm nghẹt mũi cho bà bầu

- Viên ngậm ho

- Acetaminophen dùng để giảm đau và hạ sốt

- Thuốc giảm ho vào ban đêm

Việc dùng thuốc điều trị cảm cúm cho bà bầu là vô cùng cẩn trọng. Thai phụ không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào nếu chưa nhận được sự đồng ý của bác sĩ sản khoa.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/15107#flu-when-pregnant

2. https://www.healthline.com/health/cold-flu/treating-during-pregnancy#medications


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm