Hương quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 2006, chị rời quê lên Sài Gòn nộp đơn xin làm công nhân chế biến thủy sản. Tưởng rằng môi trường làm việc sẽ “lý tưởng” hơn nhưng nó hoàn toàn trái với suy nghĩ ban đầu của cô. Hơn 7 năm qua, ngày nào Hương cũng vào ca từ lúc 7h sáng, làm đến tận 19h mới tan. Do đặc thù của ngành nghề là đóng gói, phân loại thủy sản nên Hương phải đứng suốt 12 giờ/ngày để làm việc trong điều kiện ẩm ướt. Làm được 2 tháng, Hương cũng thấy nản nhưng cứ nghĩ đến cảnh thất nghiệp rồi phải trở về điểm xuất phát là mảnh ruộng của gia đình nên cô tặc lưỡi cho qua.
Bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch
Hiện lương của Hương trung bình được khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. “Doanh nghiệp khó khăn nên “ép” công nhân dữ lắm, phải làm việc luôn tay. Có khi làm cả buổi mà không dám đứng lên đi vệ sinh. Nghỉ một ngày là mất thưởng chuyên cần. Vì thế, nếu có ốm đau cũng vẫn cố gắng đi làm để bảo đảm thu nhập. Biết là vất vả, sức khỏe suy giảm nhưng vì miếng cơm, manh áo nên tôi phải chấp nhận, cố gắng làm thêm được đồng nào hay đồng ấy”, cô chia sẻ.
Đứng làm việc hết ngày này sang ngày khác nên khoảng 3 tháng nay, đôi chân của Hương có biểu hiện hay bị chuột rút, nhức mỏi về đêm và gần sáng. Nghĩ là mình thiếu canxi nên Hương ra tiệm thuốc Tây mua về uống bổ sung. Thế nhưng, chân không có dấu hiệu bớt nhức mỏi mà ngày càng trở nặng. Đến khi các mạch máu nổi li ti ở chân, có cảm giác ngứa ngáy, nóng rát ở những nơi có búi gân làm chân sưng phù, nặng chân, tê nhức, vùng da dưới chân dần bị lở loét thì Hương mới tá hỏa đi khám và phát hiện mình bị giãn tĩnh mạch chân.
Các bác sĩ cho biết do không được phát hiện kịp thời nên bệnh của Hương đã ở giai đoạn khó điều trị. Cụ thể, chân đã xuất hiện cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu đông này sẽ theo tĩnh mạch chạy về tim và nếu gặp phải nơi mạch máu nhỏ, lòng động mạch hẹp thì rất dễ gây thuyên tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài phút nếu không cấp cứu kịp thời.
Để giảm bớt các cơn đau, Hương phải “bóp bụng” mua các đôi tất y khoa nhằm mục đích tăng cường lưu thông máu với giá hơn 1 triệu đồng. Hương cho biết, có rất nhiều công nhân cùng xí nghiệp cũng đã mắc phải căn bệnh này. Thậm chí, một số người phải nghỉ làm hay chuyển sang công việc khác.
Gồng mình chống chọi
Nghe bác sĩ dặn các chế độ ăn uống và tập luyện để chữa trị như: Tránh đứng lâu, đứng nhiều, vận động phù hợp, ăn nhiều trái cây, rau xanh làm tăng tính bền vững của thành mạch, thường xuyên đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội... nhưng với công việc và cuộc sống hiện tại thì Hương cũng khó mà thực hiện đầy đủ được những nguyên tắc ấy.
Vì kế sinh nhai nên hiện Hương vẫn tiếp tục làm việc ở xí nghiệp, dù biết rằng sức khỏe của mình đang bị ảnh hưởng do đặc thù công việc. Để hạn chế cơn đau, Hương xin công ty cho phép sau 2 giờ làm việc được ngồi nghỉ ngơi 30 phút nhưng bù lại, lương sẽ giảm 300.000 đồng/tháng. Hằng ngày, cô thường dậy từ lúc 5h sáng để đi bộ nhẹ rồi ăn sáng đúng giờ, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ; khi ngủ thì kê cao chân bằng một chiếc gối mềm, có độ cao thích hợp, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
Đến nay, tuy các cơn đau có giảm hơn trước nhưng do cường độ làm việc căng thẳng, có những ngày mệt quá, đi làm về, Hương nằm bẹp trên giường. Không người thân, mắt cô chợt nhòa lệ khi nhìn đôi bàn chân nhăn nheo của mình với những đường gân xanh nổi chi chít. Có lẽ, mục đích duy nhất kéo Hương ở lại Sài Gòn là kiếm tiền. Nghe cô tâm sự mà thấy nao lòng: “Tôi cũng muốn bỏ xí nghiệp nhưng nghĩ số tiền lương làm công nhân gần 4 triệu đồng/tháng có thể cho đứa em út dưới quê học đàng hoàng, cha mẹ không còn cảnh ăn bữa này, chạy bữa kia nên tôi ráng làm tiếp. Đợi 2 năm nữa, đứa em kế ra trường rồi đi làm phụ giúp cha mẹ thì khi ấy, tôi sẽ nghỉ làm để về quê kiếm việc khác rồi chữa bệnh sau”.
PGS,TS, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM) - Giãn tĩnh mạch chân là bệnh hay gặp ở những người vì công việc phải đứng nhiều như: công nhân, nhân viên bán hàng, giáo viên… Hiện nay có 3 phương pháp điều trị. Phổ biến nhất là dùng băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa 2 hệ thống tĩnh mạch nông và sâu, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Cách thứ 2 là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch. Còn khi phát hiện trễ, tĩnh mạch đã bị loét, chảy nước, gây ứ trệ tuần hoàn, nhiễm trùng rất khó điều trị thì phải điều trị nội khoa, tiến hành phẫu thuật, sử dụng sóng cao tần, điều trị bằng laser… - Nữ giới mắc bệnh này chiếm tỉ lệ cao hơn nam (khoảng 70%), nguyên nhân là do ảnh hưởng của nội tiết nữ, thai nghén tác động lên tĩnh mạch. - Phát hiện bệnh giãn tĩnh mạch không khó. Khi mới mắc, bệnh nhân thường gặp những cơn chuột rút về đêm, đau nhức, phù chân, nặng chân, cảm giác tê như kiến bò, bắt đầu nổi những đường tĩnh mạch xanh… Trong một số trường hợp, bệnh nhân lầm tưởng mình bị viêm cơ, viêm khớp nên đã điều trị không đúng hướng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị. - Người bệnh cần tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức mạnh của chân và sức mạnh tĩnh mạch. Tập trung vào các bài tập có vận động nhiều ở chân như đi bộ, chạy, bơi lội. Thường xuyên mang vớ y khoa, tránh quần chật và thắt eo, nên mang giày đế mềm, thấp gót để giúp máu lưu thông tốt hơn. |