pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh giãn phế quản là gì? Những điều cần biết về bệnh giãn phế quản
1. Bệnh giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là tình trạng tổn thương vĩnh viễn đường dẫn khí của phổi. Các ống phế quản phổi bị mở rộng và dày lên do viêm lâu dài và sẹo, cho phép vi khuẩn và chất nhầy tích tụ trong phổi của bạn. Điều này dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên và tắc nghẽn đường thở. Chu kỳ viêm và nhiễm trùng có thể phát triển, dẫn đến mất chức năng phổi ngày càng trầm trọng. Do đó giãn phế quản là một bệnh mãn tính trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Những người bị giãn phế quản sẽ trải qua thời kỳ sức khỏe tốt và xấu. Đôi khi bệnh nhân cảm thấy dễ thở, thở bình thường. Nhưng cũng có lúc bệnh bùng phát gây ra những cơn khó thở cực độ, bác sĩ gọi đó là những đợt trầm trọng.
2. Triệu chứng của bệnh giãn phế quản
Các triệu chứng phổ biến nhất của giãn phế quản là:
- Ho có đờm, ho ra chất nhầy màu vàng hoặc màu xanh lá cây kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.
- Thở khò khè hoặc thở có tiếng rít. Thỉnh thoảng bùng phát nhưng cơn khó thở trầm trọng.
- Cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức, đặc biệt là trong các đợt trầm trọng.
- Sốt hoặc ớn lạnh, thường phát triển trong đợt trầm trọng.
- Tình trạng nặng có thể ho ra máu hoặc chất nhầy trộn lẫn với máu. Ho ra máu không có đờm được gọi là "giãn phế quản khô".
- Nếu có nhiễm khuẩn phổi ở vùng giãn phế quản thì có thể gây ra triệu chứng đau ngực.
- Những người bị giãn phế quản có thể bị hôi miệng do nhiễm trùng hoạt động.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân gây bệnh giãn phế quản là gì?
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hoặc góp phần vào sự phát triển của giãn phế quản. Trường hợp giãn phế quản không có nguyên nhân rõ ràng được gọi là giãn phế quản vô căn.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác: Đây là nguyên nhân gây bệnh giãn phế quản phổ biến nhất. Những bệnh lý hoặc yếu tố làm cho thành phế quản bị viêm và nhiễm trùng thường xuyên, khiến phế quản bị thương và ngăn chất nhày chảy ra bình thường.
- Tổn thương phổi: Có thể kể đến các tác nhân như thường xuyên xảy ra các phản ứng dị ứng. Hít sặc, trào ngược thức ăn vào trong phổi, khiến đường thở bị viêm, dẫn đến giãn phế quản. Hít phải nồng độ cao khí có hại như amoniac. Tổn thương phổi do bức xạ. Hít phải khói thuốc lá.
- Tắc nghẽn đường thở: Dị vật lọt và phế quản. Tắc đường thở do các khối u lành tính. Sự hiện diện của tắc nghẽn đường thở dẫn đến một chu kỳ viêm, gây tổn thương và giãn phế quản.
- Giãn phế quản bẩm sinh: Do phổi ngoại vi phát triển kém, hoặc do mắc các hội chứng bẩm sinh như thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, Tracheobronchomegaly, hội chứng Marfan, hội chứng Williams Williams Campbell.
3.2. Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị giãn phế quản?
- Người bị mắc các bệnh nhiễm trùng phổi như lao, ho gà, sởi, viêm phổi nặng, nhiễm nấm tại phổi.
- Người mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren.
- Người có hệ miễn dịch bị suy yếu do bị xơ nang, nhiễm HIV, rối loạn chức năng đường mật nguyên phát,...
- Bị bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng.
- Người mắc các bệnh mãn tính như bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính, bệnh ghép so với vật chủ.
- Người hút thuốc lá, dù chủ động hay bị động cũng có nguy cơ bị giãn phế quản cao hơn nhóm người không hút thuốc.
4. Chẩn đoán
Bác sĩ có thể sử dụng các loại xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán giãn phế quản và giúp xác định nguyên nhân. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các điều kiện liên quan đến giãn phế quản, như kiểm tra bệnh lao và nhiễm trùng.
- Chụp CT (hoặc CAT) hoặc chụp X-quang: Để xem cấu trúc phổi, tìm ra những bất thường của phổi và phế quản.
- Cấy đờm: Kiểm tra sự tồn tại và phát triển của các loại vi khuẩn hoặc nấm trong phế quản.
- Xét nghiệm chức năng phổi: Để theo dõi đường đi của khí, xem tình trạng hoạt động của phổi, xác định mức độ tổn thương của phổi.
5. Các phương pháp điều trị
Vì giãn phế quản là tổn thương vĩnh viễn, nên các phương pháp điều trị bệnh thường tập trung vào cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp, tránh các yếu tố làm bệnh tiến triển nặng hơn.
5.1. Làm thông đường thở
Mục tiêu của giải phóng đường thở là làm loãng đờm, giảm tiết dịch nhày, làm gián đoạn chu kỳ viêm và nhiễm trùng. Để thông đường thở, bệnh nhân có thể tập các bài tập ngực, hoặc sử dụng các loại kỹ thuật và thiết bị can thiệp và phế quản.
Việc lựa chọn kỹ hoặc thiết bị dựa trên tần suất và độ đặc của đờm, sự thoải mái của bệnh nhân, chi phí và khả năng sử dụng kỹ thuật hoặc thiết bị của bệnh nhân. Một số thiết bị hoạt động bằng cách bệnh nhân thở ra vào một thiết bị cầm tay khiến không khí bị xáo trộn trong phế quản, giúp phá vỡ chất nhầy. Các thiết bị khác có thể đeo và làm rung ngực để giúp nới lỏng chất nhầy.
Các biện pháp vật lý trị liệu ngực có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở, ho và giúp bệnh nhân ho ra đờm và chất nhầy. Tập vật lý trị liệu cần có sự hướng dẫn của chuyên gia.
5.2. Sử dụng thuốc
- Thuốc kháng sinh: Giúp diệt trừ vi khuẩn mãn tính và điều trị các đợt trầm trọng. Điều trị giãn phế quản bằng kháng sinh là phổ biến vì vi khuẩn thường nhiễm trùng phế quản. Bác sĩ sẽ quyết định xem bạn nên được điều trị bằng kháng sinh bằng đường uống hay truyền qua tĩnh mạch. Một số loại kháng sinh có thể được đưa cho bệnh nhân hít vào bằng máy phun sương.
- Thuốc chống viêm: Hai nhóm trị liệu chống viêm được sử dụng phổ biến nhất là macrolide và corticosteroid.
Macrolide là một loại kháng sinh không chỉ tiêu diệt một số loại vi khuẩn mà còn làm giảm viêm trong phế quản. Ví dụ về macrolide bao gồm azithromycin, erythromycin và clarithromycin. Đôi khi macrolide được sử dụng lâu dài trong vài tháng. Điều này có thể có lợi cho một số người nhưng cũng có thể đi kèm với các tác dụng phụ nghiêm trọng, như tiêu chảy, buồn nôn, giảm thính lực, chóng mặt và sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc trong phổi.
Điều trị bằng corticosteroid dạng hít để có thể làm giảm sản xuất đờm và giảm co thắt đường thở trong một khoảng thời gian, giúp ngăn ngừa tiến triển giãn phế quản. Sử dụng lâu dài corticosteroid hít liều cao có thể dẫn đến hậu quả bất lợi như đục thủy tinh thể và loãng xương. Nó không được khuyến khích sử dụng thường xuyên ở trẻ em.
- Thuốc giãn phế quản: Đối với một số bệnh nhân, việc sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít giúp cải thiện tình trạng khó thở, ho và chất lượng cuộc sống mà không làm tăng các tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc này không được khuyến nghị sử dụng cho tất cả các bệnh nhân bị giãn phế quản.
- Thuốc làm loãng chất nhầy: Những loại thuốc này thường được cung cấp thông qua một máy phun sương, nơi nó được trộn với dung dịch muối ưu trương, biến thành một màn sương và được bệnh nhân hít sâu vào phổi. Thuốc sẽ giúp hòa tan chất nhầy trong phế quản để có thể ho ra dễ dàng hơn.
5.3. Phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật là để loại bỏ các phân đoạn phế quản bị tổn thương, hoặc để loại bỏ tắc nghẽn đường thở. Phẫu thuật thường chỉ được xem xét để điều trị giãn phế quản khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả, tổn thương phế quản chỉ giới hạn ở một khu vực nhỏ và bạn có sức khỏe tốt.
6. Biến chứng của bệnh giãn phế quản là gì?
- Suy hô hấp xảy ra khi giãn phế quản bùng phát trầm trọng, không cung cấp đủ oxy đi từ phổi vào máu. Triệu chứng là thở gấp, thở nhanh, da và môi tím tái, bệnh nhân xuất hiện ảo giác và buồn ngủ.
- Chảy máu xảy ra khi một hoặc nhiều mạch máu trong phổi bị tách ra. Triệu chứng là ho ra lượng lớn máu. Người bệnh cần đi cấp cứu ngay lập tức.
- Suy tim xảy ra khi giãn phế quản xảy ra ở nhiều khu vực của phổi.
- Phổi bị viêm lâu ngày có thể biến chứng thành áp xe phổi và viêm mủ màng phổi, xẹp phổi.
7. Cách phòng tránh
- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh như lao, sởi, ho gà,... Cúm cần được tiêm phòng hàng năm.
- Khi bị mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm khuẩn vùng tai mũi họng thì cần điều trị sớm và triệt để, tránh biến chứng là viêm nhiễm lây sang phế quản.
- Có dị vật hoặc khối u phế quản thì cần được lấy sớm. Đề phòng hóc, sặc và nuốt dị vật ở trẻ.
- Vệ sinh nơi ở và thân thể nói chung, vệ sinh răng miệng và tai - mũi - họng nói riêng để đề phòng nhiễm trùng đường thở.
- Tránh môi trường có nhiều bụi khói. Làm việc trong môi trường có khí độc hại thì cần trang bị bảo hộ đầy đủ.
- Không hút thuốc lá.
- Rèn luyện và tập thể dục thường xuyên để nâng cao hệ miễn dịch.
- Giữ ấm cổ và ngực.
8. Sống chung với bệnh giãn phế quản
Vì giãn phế quản là căn bệnh mãn tính không thể chữa khỏi, có thể bùng phát đợt trầm trọng bất cứ khi nào, nên bệnh nhân cần có kế hoạch quản lý và sống chung với bệnh.
8.1. Quản lý bệnh giãn phế quản
- Dùng thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh nhiễm trùng phổi, tránh khói và khí độc hại, ngưng hút thuốc.
- Giữ vệ sinh tốt để tránh bội nhiễm đường thở. Giữ ấm đường thở.
- Tập luyện để nâng cao sức khỏe.
- Luôn mang theo thuốc hít bên mình, đề phòng các đợt trầm trọng của giãn phế quản khởi phát.
- Có thể đăng ký tham gia các lớp vật lý trị liệu ngực, lớp tập thở,... để cải thiện hệ hô hấp.
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Khi ngủ nên kê cao đầu để dễ thở hơn, ngủ ngon hơn.
- Thông báo cho bác sĩ khi thấy các triệu chứng trầm trọng hơn, có triệu chứng mới, hoặc bị sốt.
8.2 Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân giãn phế quản
- Bệnh nhân giãn phế quản nên uống nước ấm, thực phẩm còn ấm nóng để giúp làm loãng dịch nhầy.
- Ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể như rau củ quả tươi, trứng gà, sữa bò, các loại đậu,... Các loại hạt như hạnh nhân, bí đỏ có thể giúp giảm ho nên có thể dùng ăn vặt hàng ngày.
- Tránh các loại thực phẩm có nhiều gia vị cay, kích thích niêm mạc họng, gây ho nhiều hơn. Các thực phẩm gây viêm như đồ chiên rán, rượu bia cũng cần tránh. Không sử dụng nước và thực phẩm lạnh.
9. Các câu hỏi thường gặp
9.1. Giãn phế quản có chữa khỏi được không?
Đây là căn bệnh mãn tính, các tổn thương là vĩnh viễn nên không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Không có cách chữa bệnh giãn phế quản, nhưng nó có thể kiểm soát được. Chỉ cần có phương pháp kiểm soát bệnh tốt, bạn có thể sống một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, cần đề phòng bệnh bùng phát, phải được điều trị nhanh chóng để duy trì lưu lượng oxy đến phần còn lại của cơ thể và ngăn ngừa tổn thương phổi thêm.
9.2. Bệnh giãn phế quản có lây không?
Để biết bệnh giãn phế quản có lây không, nó còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản là gì.
- Nếu bạn bị giãn phế quản bẩm sinh hoặc do tiếp xúc với hóa chất độc hại làm phế quản bị tổn thương, thì bệnh sẽ không lây nhiễm.
- Trong trường hợp, bệnh giãn phế quản của bạn hình thành sau quá trình viêm kéo dài do nhiễm trùng thì bạn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Hiểu rõ nguyên nhân gây giãn phế quản của bản thân không chỉ giúp bạn điều trị đúng cách, mà còn giúp người thân của bạn có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tốt hơn.
9.3. Giãn phế quản có di truyền không?
Cũng giống như câu hỏi giãn phế quản có lấy không, để biết bệnh giãn phế quản có di truyền không thì trước tiên chúng ta cần biết nguyên nhân gây ra bệnh giãn phế quản là gì.
- Nếu bạn bị giãn phế quản do bội nhiễm hoặc gặp phải các yếu tố gây tổn thương phế quản, làm giãn phế quản thì bệnh không có nguy cơ di truyền sang thế hệ sau.
- Nếu bạn bị giãn phế quản bẩm sinh do phổi ngoại vi phát triển kém, hoặc bị giãn phế quản do mắc một số bệnh di truyền như thiếu alpha1-antitrypsin, bệnh xơ nang, rối loạn vận động lông chuyển nguyên phát,.... thì bạn có nguy cơ di truyền bệnh cho thế hệ sau.
10. Một số hình ảnh về bệnh giãn phế quản
Mô phỏng phế quản bình thường và phế quản bị giãn (Ảnh: Internet)
So sánh phổi bình thường và phổi có phế quản bị giãn. (Ảnh: Internet)
Bệnh giãn phế quản hình trụ (Ảnh: Internet)
Bệnh giãn phế quản hình túi (Ảnh: Internet)
Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Bronchiectasis