pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh mắt lồi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
- 1. Mắt lồi là gì?
- 2. Triệu chứng của bệnh mắt lồi
- 3. Nguyên nhân gây bệnh mắt lồi
- 3.1. Cường giáp (do bệnh Basedow) gây ra bệnh mắt lồi
- 3.2. Bệnh Graves là nguyên nhân gây ra bệnh mắt lồi
- 3.3. Lồi mắt do viêm
- 4. Phương pháp điều trị bệnh mắt lồi
- 5. Phương pháp phòng tránh bệnh mắt lồi
- 6. Chế độ ăn uống dành cho người bị bệnh mắt lồi
- 7. Các câu hỏi liên quan tới bệnh mắt lồi
- 7.1. Mắt lồi có chữa được không?
- 7.2. Đeo kính cận có bị lồi mắt không?
- 7.3. Làm sao để mắt cận hết lồi?
- 7.4. Mắt lồi có nên cắt mí, nhấn mí không?
- 7.5. Mắt lồi nên nối mi gì?
Lồi mắt là tình trạng do nhiều nguyên nhân gây ra. Để điều trị bệnh mắt lồi, người bệnh cần được chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây mắt lồi chính xác.
1. Mắt lồi là gì?
Hiện tượng mắt lồi được định nghĩa là do tổ chức hốc mắt bị tăng thể tích choán chỗ nên đẩy nhãn cầu ra phía trước. Theo đó, độ lồi của nhãn cầu được tính bằng đường chiếu từ đỉnh giác mạc xuống đường thẳng đi ngang qua bờ ngoài của hai bên hốc mắt.
Cụ thể, độ lồi ở mắt bình thường của người Việt là 12mm, nếu độ lồi ở mắt cao hơn 12mm chứng tỏ bạn đã mắc bệnh lồi mắt và cần phải chữa trị kịp thời. Bệnh lồi mắt có thể chia thành 4 mức độ sau đây:
- Mức độ 1: Độ lồi dao động từ 13 – 16mm.
- Mức độ 2: Độ lồi từ 17 – 20mm.
- Mức độ - mức độ trung bình: Độ lồi dao động từ 20 – 23mm.
- Mức độ 4: Đây là mức độ nặng với độ lồi trên 24mm.
Bệnh mắt lồi có thể là do bẩm sinh, cũng có thể là biểu hiện của những vấn đề sức khỏe khác. Tình trạng mắt lồi có thể xuất hiện ở cả 2 bên mắt hoặc 1 bên mắt. Thông thường, mắt lồi ở cả 2 bên liên quan đến bệnh Basedow còn mắt lồi một bên thường là do tồn tại khối u tổ chức ngoại vi tại hốc mắt.
Đọc thêm:
Ngứa bờ mi mắt là bệnh gì? Tất cả thông tin cần biết về tình trạng ngứa bờ mi mắt
Bệnh quáng gà là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
2. Triệu chứng của bệnh mắt lồi
Để xác định chính xác bệnh mắt lồi, các chuyên gia sẽ quan sát từ trên trán xuống, từ đó so sánh độ mở khe mi, nhìn nghiêng so sánh đỉnh giác mạc với cung lông mày và đo độ lồi của mắt bằng thước Hertel.
Những triệu chứng của bệnh mắt lồi cụ thể là :
- Triệu chứng cơ năng: Tình trạng mắt lồi có thể xuất hiện từ lâu hoặc mới xuất hiện, mức độ tiến triển có thể nhanh hay chậm, kèm theo đó là một số hiện tượng như mờ mắt, song thị, ù tai đau đầu.
- Triệu chứng thực thể: Ở dấu hiệu này, lồi mắt có thể biểu hiện cụ thể như sau:
Rối loạn vận động nhãn cầu và mi mắt, có thể liệt dây thần kinh vận nhãn.
Bất thường ở mi mắt và tuyến lệ: chảy nước mắt nhiều, sưng nề góc trên ngoài mắt...
Hướng nhãn cầu bị đẩy.
Sờ nắn bằng tay để xác định khối u cũng như mật độ các khối u.
Thị lực bị suy giảm, tăng nhãn áp.
- Triệu chứng toàn thân: Bệnh lồi mắt xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử các bệnh như basedow, lao, viêm nhiễm,, u ác tính…
Ngoài ra, bệnh lồi mắt thường kèm theo triệu chứng là luôn có cảm giác chói mắt, nóng rát ở mắt và ít chớp, sợ ánh sáng…
3. Nguyên nhân gây bệnh mắt lồi
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng lồi mắt. Trong đó, có 3 nhóm chính dẫn đến bệnh mắt lồi.
3.1. Cường giáp (do bệnh Basedow) gây ra bệnh mắt lồi
Rất nhiều người băn khoăn mắt lồi là biểu hiện của bệnh gì? Câu trả lời không thể bỏ qua chính là cường giáp, đặc biệt là cường giáp do bệnh Basedow. Theo các thống kê, bệnh Basedow là nguyên nhân gây 3/4 số trường hợp cường giáp. Bệnh Basedow là một bệnh tự miễn, cơ thể người bệnh sản sinh ra kháng thể kháng tuyến giáp. Các kháng thể này tấn công vào tuyến giáp của người bệnh, gây ra bệnh cường giáp.
Sau đó, các kháng thể này tấn công vào các cơ vùng quanh mắt một cách âm thầm khiến mắt có nhiều biến đổi. Cụ thể, mắt không những gặp phải tình trạng lồi mắt mà còn có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mặc, đỏ và phù vùng mắt...
Người bệnh mắc bệnh mắt lồi do cường giáp thường bị lồi mắt cả 2 bên kèm theo các triệu chứng như chảy nước mắt, mắt nóng rát, nếu ở tình trạng trầm trọng hơn có thể bị khô và loét giác mạc.
3.2. Bệnh Graves là nguyên nhân gây ra bệnh mắt lồi
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng mắt lồi. Theo đó, có tới khoảng 25-50% người mắc bệnh Graves có liên quan đến hiện tượng lồi mắt.
Ở những đối tượng mắc bệnh Graves, các tế bào miễn dịch tấn công tuyến giáp tích tụ trong hốc mắt. Điều này khiến các mô mỡ và cơ quanh mắt trở nên to, đẩy mắt ra phía trước, dẫn tới bệnh mắt lồi.
3.3. Lồi mắt do viêm
Bên cạnh nguyên nhân do cường giáp và bệnh Graves, tình trạng lồi mắt có thể là do viêm. Cụ thể, viêm mô tế bào quanh hốc mắt, áp xe dưới màng xương...là những nhiễm trùng ảnh hưởng đến mô xung quanh mắt và là lý do dẫn tới tình trạng lồi mắt.
Ngoài ra, lồi mắt có thể là do các khối u, có thể là u vùng hốc mắt lành tính hay ác tính, u đã di căn...Mắt lồi cũng có thể do gặp phải những chấn thương vùng mắt như rò động mạch cảnh xoang hang, tràn khí trong hốc mắt...
4. Phương pháp điều trị bệnh mắt lồi
Phương pháp điều trị bệnh mắt lồi tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ bị lồi mắt. Theo các chuyên gia, ở những bệnh nhân lồi mắt ở mức độ nhẹ và vừa thì có khoảng 30% bệnh nhân sẽ hết lồi mắt sau khi phẫu thuật.
Cụ thể, với những bệnh nhân mắc bệnh mắt lồi do tuyến giáp thì các bác sĩ sẽ điều trị qua nhiều giai đoạn khác nhau tùy vào từng trường hợp, các phương pháp có thể dùng là:
- Điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp.
- Dùng Corticosteroid.
- Xạ trị.
- Phẫu thuật ( phẫu thuật hạ áp hốc mắt, phẫu thuật mí mắt, phẫu thuật cơ mắt).
- Các biện pháp chung như ngừng hút thuốc, kê cao đầu, đeo kính râm, nhỏ mắt, tránh tiếp xúc với khói bụi.
Đối với những người mắc bệnh mắt lồi do những nguyên nhân khác, các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cơ bản mà dùng các phương pháp điều trị cho phù hợp và hiệu quả.
Theo đó, nếu người bệnh bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến các mô trong hốc mắt (như viêm mô tế bào), các bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc làm thủ thuật để điều trị áp xe. Trong trường hợp người bệnh mắt lồi có khối u trong mắt, các bác sĩ có thể sẽ dùng các phương pháp như hóa trị liệu, xạ trị, phẫu thuật.
Đọc thêm: Bật mí tất tần tật những cách xóa bọng mắt không phẫu thuật cho chị em
5. Phương pháp phòng tránh bệnh mắt lồi
Bên cạnh việc tuân thủ phương pháp điều trị của các bác sĩ, người mắc bệnh mắt lồi cần lưu ý một số vấn đề cơ bản sau để phòng tránh bệnh mắt lồi:
- Tránh tình trạng khô mắt bằng cách nhỏ mắt và dùng thuốc bổ mắt theo chỉ định của các bác sĩ nhãn khoa.
- Đeo kính đùng cách, không dùng kính sai độ, không phụ thuộc vào kính.
- Không nên học tập và làm việc quá lâu trong môi trường thiếu ánh sáng.
6. Chế độ ăn uống dành cho người bị bệnh mắt lồi
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị các loại bệnh nói chung, bệnh mắt lồi nói riêng. Theo đó, để việc điều trị bệnh mắt lồi đạt được hiệu quả cao nhất và nhanh nhất, người bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học.
Người bị bệnh mắt lồi nên bổ sung vào trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày những thực phẩm tốt cho mắt. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nhãn khoa, vitamin A, vitamin C, beta-caroten, lutein, selenium rất cần thiết cho mắt. Vì vậy, người bị bệnh mắt lồi nên tăng cường các dưỡng chất này vào trong chế độ ăn uống của mình.
Cụ thể, những thực phẩm người bệnh mắt lồi nên ăn là:
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin A: Gan động vật, các loại trứng, sữa...
- Các thực phẩm giàu beta-caroten (sẽ chuyển hóa thành vitamin A khi vào cơ thể): Các loại rau củ quả có màu vàng cam như đu đủ, cà rốt…;
- Những loại rau có màu xanh đậm như như súp lơ xanh, rau bina, rau ngót,…
- Nhóm thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây có múi cam, quýt, bưởi giúp tăng cường thị lực, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
- Các thực phẩm dồi dào vitamin E như các loại dầu đậu nành, dầu đậu phộng, hạt bí, hạt dưa...vitamin E có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh cườm mắt, chống oxy hoá
- Nhóm thực phẩm giàu lutein: Bắp, cải bó xôi, trứng…có tác dụng giúp bảo vệ võng mạc.
- Các thực phẩm giàu selenium: Các loại hải sản, thịt, trứng, gan, cật…
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh xa những thực phẩm gây hại cho mắt như đồ uống có cồn, thực phẩm có tính cay, nóng, đồ ăn ngọt, thực phẩm chiên rán.
7. Các câu hỏi liên quan tới bệnh mắt lồi
7.1. Mắt lồi có chữa được không?
Mắt lồi hoàn toàn có thể chữa được. Tùy theo mức độ của bệnh bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Với mức độ nhẹ, người bệnh có thể dùng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc theo đơn. Ở mức độ trung bình, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị, theo đó, sóng bức xạ sẽ chiếu vào hốc mắt để hạn chế độ lồi của mắt. Còn đối với trường hợp người bị bệnh mắt lồi nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải phẫu thuật để chữa trị .
7.2. Đeo kính cận có bị lồi mắt không?
Nhiều người bị cận thị băn khoăn đeo kính cận có bị lồi mắt không. Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Việc đeo kính cận không gây ra bệnh lồi mắt. Tuy nhiên, nếu đeo kính cận sai cách và không đúng độ có thể dẫn đến lồi mắt. Theo thời gian, trục nhãn cầu sẽ dài ra khiến mắt bị đẩy lên phía trước. Từ đó, tình trạng lồi mắt xuất hiện.
7.3. Làm sao để mắt cận hết lồi?
Như đã nói, đeo kính sai cách làm mắt cận bị lồi. Vì thế, để khắc phục, cần chú ý đeo kính cận đúng cách. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo nên đi khám mắt định kỳ để có biện pháp điều trị kịp thời nhất. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng.
7.4. Mắt lồi có nên cắt mí, nhấn mí không?
Mắt lồi có nên cắt hay nhấn mí không là vấn đề quan tâm hàng đầu của những người bệnh là phụ nữ. Câu trả lời cho cấu hỏi này là tùy vào tình trạng cảu mắt, độ lồi của mắt mà bác sĩ sẽ xác định có phù hợp hay không. Thông thường nếu bệnh mắt lồi là do bẩm sinh hoặc không liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm khác thì hoàn toàn có thể cắt mí, nhấn mí.
Tuy nhiên cần lưu ý khi thực hiện cắt mí, nhấn mí khi bị mắt lồi, chị em cần lựa chọn các địa chỉ thẩm mỹ uy tín vì chỉ sơ suất nhỏ thôi cũng khiến tình trạng mắt trở nên tồi tệ hơn.
7.5. Mắt lồi nên nối mi gì?
Một trong những cách cải thiên khuyết điểm của của mắt là nối mi. Đối với mắt lồi thì việc nhấn vào đuôi mắt là cách hiệu quả để mắt trở nên quyến rũ hơn. Theo đó, mi có độ dày vừa phải với độ cong chữ J ở phần đuôi sẽ tạo cảm giác mắt dài hẹp hơn, che được dấu hiệu lồi mắt và giúp gương mặt trở nên cân đối hơn.
Trên đây là những thông tin chung về bệnh mắt lồi cũng như giải đáp băn khoăn mắt lồi là biểu hiện của bệnh gì. Để phòng tránh và làm giảm bệnh mắt lồi, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần được thăm khám sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện sớm các bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt nhằm điều trị kịp thời.