Bệnh nặng hơn do... lạm dụng thuốc

10/08/2015 - 15:23
Tình trạng tự mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, khiến nhiều người mắc bệnh nặng thêm, chi phí điều trị cũng tốn kém hơn.
Ho, sổ mũi là "nện" kháng sinh

Thấy con hắt hơi, sổ mũi rồi ho khan và nặng tiếng, như mọi lần, chị Lại Tuyết Hà, ở Hà Nam, ra hiệu thuốc gần nhà mua mấy loại kháng viêm, long đờm, trị cảm cúm; thuốc làm khô niêm mạc mũi về cho con uống, nhỏ. Với cách làm trên, mấy lần trước, chị đã "chặn" được các con virus, vi khuẩn tấn công con mình. Tuy nhiên, lần này, cho con uống đến mấy ngày, rồi rửa, nhỏ thuốc mũi, mà bệnh tình con chị không có dấu hiệu thuyên giảm. Đến ngày thứ 4, con có dấu hiệu sốt cao. Lo lắng, chị Hà đưa con đến bệnh viện.
Sau khi khám và làm một số xét nghiệm cần thiết cũng như hỏi thông tin, xem đơn thuốc mà chị Hà đã mua về cho con, bác sĩ phải cân nhắc, đắn đo mãi mới kê đơn phù hợp với bé Mai, con chị. Bởi với bệnh tình của Mai, có thể sử dụng một số thuốc mà chị Hà từng mua, kết hợp với thuốc khác nhưng nguyên tắc sử dụng kháng sinh là không nên uống dài ngày, vừa không tốt cho sức khỏe, vừa dễ nhờn thuốc. Hơn nữa, việc con cứ ốm là mua những loại thuốc trẻ dùng trước đó; cho con uống thuốc chưa đúng, đủ của chị Hà, có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh của Mai không những không khỏi mà còn nặng thêm.

 
Việc sử dụng vô tội vạ thuốc kháng sinh có thể gây điếc, suy thận, hội chứng xanh tái… cho trẻ

Không chỉ chị Hà, theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, rất nhiều trẻ ốm đã được cha mẹ cho dùng kháng sinh trước khi đưa con đến bệnh viện. Nhiều trường hợp ho, sốt do virus, cha mẹ cũng mua kháng sinh về cho con sử dụng, trong khi thuốc này chỉ được dùng để chống vi khuẩn. Rất nhiều phụ huynh không chỉ dùng lại đơn kháng sinh cũ mà còn tăng liều, mua thuốc mới khi thấy con "uống mãi mà chưa khỏi". Trong khi đó, nếu sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ cho trẻ; một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận; nhiều thuốc khác có thể gây hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh.

Lo ngại vi khuẩn siêu kháng thuốc
Kháng sinh là loại "vũ khí" quan trọng nhất để “tiêu diệt” các bệnh không lây nhiễm và bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng loại thuốc này đã khiến vi khuẩn kháng lại kháng sinh. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, có những bệnh nhi sơ sinh vài tuần tuổi, bị suy hô hấp nhưng cơ thể đã kháng lại những loại thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng khiến chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh.

Bệnh nhân chỉ nên sử dụng kháng sinh khi thật sự bị nhiễm khuẩn và phải sử dụng đúng theo sự chỉ định của bác sỹ

Theo các chuyên gia y tế, không thể phủ nhận vai trò trị bệnh của kháng sinh nhưng bên cạnh những mặt trái do lạm dụng thuốc trên, sử dụng kháng sinh vô tội vạ còn dễ khiến người uống bị dị ứng, nhiễm độc các cơ quan, loạn khuẩn đường ruột gây tiêu chảy. Do đó, người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn; phải uống đúng loại, đúng liều, đúng cách, đủ thời gian, thông thường là không dưới 5 ngày, nếu không sẽ không có hiệu quả. Bên cạnh đó, người bệnh chỉ nên dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết... Để làm được những điều trên, khi ốm đau, người dân nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên sử dụng kháng sinh; tránh tự ý mua thuốc về sử dụng, bởi có thể khiến bệnh nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm