pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?
- 1. Vì sao sốt xuất huyết gây giảm tiểu?
- 2. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?
- 2.1. Các thực phẩm giàu Vitamin B12
- 2.2. Thực phẩm chứa nhiều Folate, Acid folic
- 2.3. Thực phẩm giàu vitamin C
- 2.4. Thực phẩm giàu Vitamin A
- 2.5. Thực phẩm thuộc các nhóm dưỡng chất chính như đường bột, chất đạm,...
1. Vì sao sốt xuất huyết gây giảm tiểu cầu?
Người bệnh sốt xuất huyết dễ dàng bị chảy máu tại nhiều vị trí trên cơ thể hơn so với bình thường. Cơ chế chính gây nên điều này chính là tình trạng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Có hai cơ chế chính dẫn đến người bệnh sốt xuất huyết bị giảm tiểu cầu đó là:
- Ức chế sản xuất tiểu cầu ở tủy xương: Sự tấn công của virus dengue - nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở tủy xương gây nên ức chế các tổ chức tại đây. Mà tủy xương chính là bộ phận đảm nhận chức năng tạo máu chính trong cơ thể. Do đó, khi tủy xương bị ức chế thì hoạt động tạo máu ở đây cũng trở nên kém hiệu quả, từ đó làm suy giảm tốc độ tạo tiểu cầu mới.
- Tăng hủy tiểu cầu: Các yếu tố miễn dịch mà cơ thể tạo nên để đối kháng với virus dengue có thể kết hợp với tiểu cầu, tạo nên các phức hợp miễn dịch. Sự tạo thành các phức hợp này khiến tiểu cầu trở nên kém ổn định, kém bền và dễ dàng bị tiêu hủy hơn. Từ đó làm số lượng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết bị giảm xuống.
Có thể thấy rằng giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết là kết quả của cả hai quá trình tăng hủy tiểu cầu ở ngoại biên và giảm sản xuất tiểu cầu ở tủy xương. Hậu quả là chức năng đông máu của người bệnh bị rối loạn, các tình trạng xuất huyết dễ dàng xảy ra. Nếu không được can thiệp kịp thời thì thậm chí có thể khiến tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa.
Đọc thêm:
- 6 biểu hiện sốt xuất huyết điển hình, nhận biết sớm để điều trị sớm!
- Bệnh sốt xuất huyết dengue và những hiểu lầm tai hại
2. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?
Tình trạng hạ tiểu cầu gây nên các hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân sốt xuất huyết, làm cách nào để tăng số lượng tiểu cầu trở thành một vấn đề quan trọng trong điều trị bệnh. Bên cạnh việc truyền tiểu cầu cấp cứu cho các trường hợp cần thiết thì chế độ dinh dưỡng cũng là một biện pháp hiệu quả có thể giúp bệnh nhân sốt xuất huyết nâng cao số lượng tiểu cầu. Vậy bệnh nhân sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu?
2.1. Các thực phẩm giàu Vitamin B12
Theo một số nghiên cứu, sự thiếu hụt hàm lượng vitamin B12 trong cơ thể có liên quan đến số lượng tiểu cầu thấp. Vì vậy, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều Vitamin B12 trong bữa ăn như gan, trứng, các loại sò,... để giúp tăng số lượng tiểu cầu.
2.2. Thực phẩm chứa nhiều Folate, Acid folic
Folate hay acid folic đều là những chất cần thiết cho quá trình tạo máu của cơ thể, trong đó có sản sinh tiểu cầu. Cung cấp đủ Folate hoặc Acid folic sẽ giúp hoạt động tạo máu trở nên hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các bệnh nhân gặp tình trạng chức năng tạo máu của tủy xương đang bị suy giảm, trong đó có bệnh nhân sốt xuất huyết.
Những loại thực phẩm chứa nhiều Folate và Acid folic mà người mắc sốt xuất huyết có thể bổ sung vào chế độ ăn uống như đậu phộng, đậu đen, cam hay nước cam,...
2.3. Thực phẩm giàu vitamin C
Thực phẩm giàu Vitamin C đã được chứng minh giúp tăng tính bền của màng tế bào tiểu cầu và tăng hiệu quả hoạt động của tiểu cầu. Hơn thế nữa, bổ sung Vitamin C cũng giúp ích đáng kể trong việc làm tăng số lượng tiểu cầu.
Người bị sốt xuất huyết có thể bổ sung Vitamin C qua một số thực phẩm như trái cây (xoài, dứa), rau củ (bông cải, ớt chuông, cà chua),...
2.4. Thực phẩm giàu Vitamin A
Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A như bí đỏ, cà rốt, khoai lang,... cũng là một sự lựa chọn tốt để tăng số lượng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Vì Vitamin A là chất có vai trò quan trọng đối với quá trình phân chia tế bào. Từ đó giúp quá trình tân tạo tiểu cầu trở nên hiệu quả hơn và làm tăng số lượng tiểu cầu.
2.5. Thực phẩm thuộc các nhóm dưỡng chất chính như đường bột, chất đạm,...
Mặc dù các Vitamin, Folate, Acid folic,... đều có khả năng thúc đẩy quá trình tăng số lượng tiểu cầu ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phải được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất để quá trình này diễn ra, bao gồm các acid amin, lipid,...
Vì vậy, việc bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng chính cho bệnh nhân bao gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo,... trong chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Chỉ khi đầy đủ tất cả dưỡng chất cần thiết thì hoạt động sản xuất tiểu cầu mới có thể diễn ra một cách hiệu quả.
Trên đây là một số nhóm thực phẩm nên sử dụng cho những bệnh nhân đang tìm kiếm sốt xuất huyết nên ăn gì để tăng tiểu cầu. Để giúp bệnh mau khỏi, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, ...