pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh quáng gà là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
Bệnh quáng gà là một bệnh lý khá thường gặp, đặc trưng bởi sự khó khăn về thị giác khi mắt phải quan sát trong môi trường thiếu ánh sáng. Từ lâu, người ta đã biết về căn bệnh này và nhận thức được sự ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chưa thực sự có kiến thức đầy đủ về bệnh quáng gà, những nguyên nhân tiềm ẩn cũng như cách xử trí khi bị bệnh quáng gà.
1. Bệnh quáng gà là gì?
Bệnh quáng gà hay còn gọi là bệnh mù đêm là một bệnh lý ở mắt với đặc trưng là tình trạng giảm thị lực, giảm tầm nhìn vào các thời điểm thiếu ánh sáng như vào ban đêm, khi chập tối hoặc ở những nơi có nguồn ánh sáng không đủ.
Tại mắt có hai nhóm tế bào có khả năng tiếp nhận tín hiệu ánh sáng là các tế bào hình nón và tế bào hình que. Trong đó, các tế bào hình que có chứa sắc tố rhodopsin giúp cho mắt có khả năng cảm nhận tín hiệu từ các luồng ánh sáng yếu.
Chính sự suy giảm sắc tố này khiến cho các tế bào hình que hoạt động kém hoặc do chính các tế bào que bị tổn thương đã làm giảm khả năng thu nhận thông tin trong môi trường ánh sáng yếu. Chính sự suy giảm này là cơ chế chủ yếu gây nên bệnh quáng gà, do đó căn bệnh này còn được gọi với tên khoa học là bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc.
Bệnh quáng gà tuy không ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân nhưng lại gây nên rất nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, cản trở nhiều đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
2. Các nguyên nhân gây bệnh quáng gà
Do gây nên nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống, chính vì vậy có khá nhiều các nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu căn bệnh này. Người ta xác định rằng có một số tình trạng khác nhau là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh quáng gà trong hầu hết các trường hợp trên thực tế, bao gồm:
- Bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp (bệnh glocom) với tình trạng tăng nhãn áp diễn ra nặng nề hoặc kéo dài có thể gây tổn thương các thành phần trong ổ mắt, làm thoái hóa thần kinh thị, thoái hóa điểm vàng và hậu quả là giảm dần thị lực, trong đó có thể gây nên bệnh quáng gà.
- Thiếu vitamin A
Thiếu vitamin A cũng được ghi nhận là một trong các nguyên nhân chủ yếu khiến mắt bị quáng gà. Điều này là bởi dẫn chất carotenoit của vitamin A là thành phần thiết yếu tạo nên sắc tố Rhodopsin giúp mắt nhận biết ánh sáng yếu. Chính bởi thế, thiếu vitamin A có thể khiến mắt bị quáng gà.
- Bệnh đục thủy tinh thể
Khác với các nguyên nhân như glocom hay thiếu vitamin A, cơ chế gây bệnh quáng gà do đục thủy tinh thể là do thủy tinh thể bị đục nên làm cản trở luồng ánh sáng đi vào trong mắt. Điều này làm cho các cơ quan cảm thụ của mắt nhận được ít ánh sáng hơn so với ánh sáng thực tế từ môi trường dẫn đến khả năng nhìn cũng kém hơn.
- Bệnh viêm võng mạc sắc tố
Bệnh viêm võng mạc sắc tố cũng là một trong các nguyên nhân gây mắt bị quáng gà đáng chú ý. Bệnh lý do tình trạng đột biến gen gây nên, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành và hoạt động bình thường của các tế bào nhận cảm ánh sáng tại võng mạc gây nên bệnh quáng gà.
Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh keratoconus hay do tác dụng phụ của một số thuốc,... cũng được ghi nhận là những nguyên nhân có thể gây nên bệnh quáng gà.
Đôi khi bệnh quáng gà không phải là hậu quả của một nguyên nhân duy nhất mà có thể được hình thành do sự phối hợp của hai hay nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, vấn đề xác định nguyên nhân gây bệnh cần phải được tiến hành tỉ mỉ, kỹ càng để không bỏ sót nguyên nhân gây bệnh khiến bệnh không được kiểm soát.
3. Bệnh quáng gà biểu hiện như thế nào?
Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh quáng gà có thể được phát hiện không quá khó khăn do cơ chế nhìn kém trong môi trường ánh sáng yếu. Bệnh nhân có thể gặp phải một số biểu hiện sau đây khi mắc bệnh quáng gà:
- Người bệnh cảm thấy cảm thấy đôi mắt của mình không còn nhìn rõ được các vật như trước kia khi ở trong môi trường ánh sáng yếu, chẳng hạn như trong phòng tối, lúc chập tối,... điều mà trước kia hoàn toàn không xảy ra.
- Thời gian điều chỉnh mắt cần thiết khi đi từ ngoài sáng vào phòng tối để có thể nhìn rõ vật trở nên lâu hơn so với trước kia. Bệnh nhân có thể phải chờ một lúc mới có thể bắt đầu quan sát lại các vật ở trong phòng.
- Thường xuyên bị vấp ngã khi di chuyển trong môi trường thiếu ánh sáng hoặc cảm thấy điều khiển phương tiện giao thông trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, tùy thuộc vào bệnh nguyên gây nên bệnh quáng gà là gì mà người bệnh còn có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng khác như đau mắt, đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, trước mắt cảm thấy có chấm đen,...
4. Bệnh quáng gà có chữa được không?
Do bệnh quáng gà gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, bởi vậy bệnh quáng gà có chữa được không thực sự là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Thực tế thì việc có chữa được bệnh quáng gà hay không và điều trị như thế nào sẽ chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây nên bệnh quáng gà.
Trong trường hợp, bệnh quáng gà gây nên do các nguyên nhân chỉ gây thiếu hụt sắc tố Rhodopsin tạm thời như thiếu vitamin A,... thì bệnh quáng gà có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng đúng phương pháp.
Tuy nhiên, nếu trường hợp bệnh quáng gà gây nên bởi các tổn thương thị giác mang tính vĩnh viễn thì việc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh là rất khó khăn, gần như chỉ có thể kiểm soát không để bệnh tiến triển hoặc giúp cải thiện thị lực của bệnh nhân một phần.
Còn đối với những bệnh nhân bị quáng gà do di truyền thì việc chữa khỏi hoàn toàn là điều không thể do bệnh gây nên bởi đột biến gen. Chỉ có thể điều trị các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ cho bệnh nhân tối đa để cải thiện chất lượng sống.
5. Điều trị bệnh quáng gà như thế nào?
Như đã nói, điều trị bệnh quáng gà phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây nên bệnh quáng gà là gì. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể mà sẽ có các hướng điều trị khác nhau, chẳng hạn như:
- Điều trị bệnh quáng gà do thiếu vitamin A
Bổ sung vitamin A là phương pháp điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp này. Bệnh nhân cần sử dụng vitamin A nghiêm ngặt theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh trường hợp ngộ độc vitamin A.
- Điều trị bệnh quáng gà do đục thủy tinh thể
Đối với những bệnh nhân đục thủy tinh thể gây quáng gà thì thủy tinh thể đã bị đục của bệnh nhân sẽ được lấy ra khỏi cơ thể. Sau đó bác sĩ sẽ sử dụng một thủy tinh thể nhân tạo trong suốt để thay thế. Thủy tinh thể mới cho phép ánh sáng đi tốt hơn nên có thể giúp cải thiện thị lực của bệnh nhân một cách rất nhanh chóng.
- Điều trị bệnh quáng gà do Glocom
Khi bệnh quáng gà do glocom gây nên, mắt cần phải được giải áp bằng phương pháp thích hợp để làm giảm nhãn áp chẳng hạn như phẫu thuật hay sử dụng các loại thuốc hạ nhãn áp,... Điều này sẽ tránh tạo thêm các tổn thương cho võng mạc và làm bệnh quáng gà nặng hơn.
- Điều trị bệnh quáng gà do di truyền
Bệnh quáng gà do di truyền không thể điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Tất cả các điều trị có thể áp dụng chỉ có ý nghĩa cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.
6. Phòng tránh bệnh quáng gà như thế nào?
Qua những nội dung trên đây có thể thấy rằng, hầu hết trong các trường hợp thì bệnh quáng gà đều là hậu quả thứ phát của một tình trạng bất thường hoặc bệnh lý nào đó. Chính vì thế nên ta hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh quáng gà xảy ra nếu áp dụng các phương pháp một cách thích hợp.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A
Bổ sung đầy đủ thực phẩm chứa nhiều vitamin A là cách đơn giản nhất để có thể phòng tránh bệnh quáng gà do thiếu vitamin A. Các loại thực phẩm giàu vitamin A có thể tăng cường sử dụng trong bữa ăn hằng ngày rất đa dạng, kể đến như cà rốt, bí đỏ, rau bina, trứng, sữa,... Đồng thời, khi muốn bổ sung vitamin A hiệu quả hơn thì ta cũng cần có một chế độ sử dụng chất béo thích hợp, bởi vitamin A là loại vitamin tan trong dầu do đó sẽ dễ hấp thu hơn khi có đầy đủ chất béo.
- Tập thể dục
Tập thể dục có tác dụng tích cực đối với tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong đó có cả mắt. Nó giúp cải thiến sức khỏe của mắt, làm giảm nhãn áp. Đồng thời tập thể dục còn là phương pháp hiệu quả để kiểm soát các bệnh lý mãn tính khác chẳng hạn như đái tháo đường, khiến bệnh ít biến chứng đến mắt gây quáng gà hơn.
- Khám mắt định kỳ
Một chế độ khám mắt định kỳ được thực hiện liên tục có thể phát hiện sớm các bất thường tại mắt, điều này cho phép chẩn đoán và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, tránh để bệnh biến chứng thành bệnh quáng gà.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh quáng gà, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh cho một số trường hợp thường gặp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh quáng gà, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo:
1. https://www.healthline.com/health/vision-night-blindness
2. https://www.healthline.com/health/vision-night-blindness#what-to-look-for
3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324004#outlook-and-takeaway
4. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/10118-night-blindness-nyctalopia