Khớp thái dương hàm là khớp di động duy nhất ở vùng sọ mặt, có hai khớp ở hai bên, trái và phải. Tuy nhiên hai khớp này được nối với nhau bởi một cấu trúc vững chắc đó là xương hàm dưới, vì vậy mà hai khớp này luôn hoạt động đồng thời cùng nhau để thể hiện các chức năng sinh lý như nhai, cắn, nuốt hoặc những chức năng về mặt xã hội như là ngôn ngữ, biểu lộ cảm xúc. Cấu tạo có thể gồm nhiều thành phần xương, đĩa khớp, mạch máu, mô mềm, thần kinh… tạo nên khớp phức tạp nhất trên cơ thể.
Không xác định được rõ nguyên nhân
Hầu hết, các trường hợp bệnh nhân không xác định được các nguyên nhân gây bệnh mà chỉ có các yếu tố nguy cơ. Có thể gặp ở nhiều độ tuổi, nhưng đặc biệt là độ tuổi từ 17 – 21 tuổi. Những bệnh nhân có tình trạng nghiến răng hoặc cắn chặt răng hay như bệnh nhân có tiền sử về bệnh lý đa khớp, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh nhân bị stress, lo âu trong công việc và cuộc sống.
Tỉ lệ bệnh rối loạn khớp thái dương hàm có thể từ 10 – 25% dân số, nguyên nhân gia tăng bệnh này là do áp lực, stress trong một xã hội hiện đại.
Biểu hiện của bệnh
Triệu chứng điển hình là bệnh nhân sẽ thấy đau mỏi ở vùng mang tai, cơ cắn hai bên khi bệnh nhân nhai cắn, bệnh nhân thường khó phát hiện gặp khó khăn khi ăn và nhai. Có những tiếng kêu lục bục hoặc lép bép ở mang tai hai bên, bệnh nhân khó há miệng.
Đây không phải là một bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khớp xương hàm là khớp duy nhất trên cơ thể có khả năng tự sửa chữa, tự hồi phục. Vì vậy một số bệnh nhân sau một thời gian, các triệu chứng có thể giảm đi. Tuy nhiên, bệnh nhân không được thăm khám, chẩn đoán chính xác thì có thể dẫn tới một số biến chứng như thoái hóa khớp, dính khớp.
Cách phân biệt và chẩn đoán với các bệnh lý khác
Vùng mang tai và vùng khớp có rất nhiều bệnh lý để có thể gây đau, ví dụ bệnh lý của tuyến nước bọt, răng số 8, răng số 5. Khi mà bệnh nhân có triệu chứng đau vùng mang tai, thái dương thì bệnh nhân đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa của bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt để khám lâm sàng và chiếu chụp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Về bệnh lý rối loạn khớp thai dương hàm thì chia làm hai bệnh lý:
- Một là rối loạn về cơ, hai là rối loạn trong nội khớp. Với rối loạn về cơ thì bệnh nhân đều được chẩn đoán bằng những triệu chứng lâm sàng.
- Còn những trường hợp bệnh nhân có rối loạn về nội khớp thì bệnh nhân cần chụp thêm một số phim panorama, phim cắt lớp nội cầu và đặc biệt tiêu chuẩn vàng để chuẩn lý bệnh rối loạn nội khớp là phim cộng hưởng từ hạt nhân hoặc MRI nó cho phép quan sát được thành phần như là đĩa khớp, mô mềm trong khớp. Đối với trường hợp phức tạp thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế trung ương nơi mà bệnh viện có khả năng chụp được những phim MRI riêng biệt cho vùng khớp hai bên hàm.
Theo bác sĩ Thành, hầu hết bệnh nhân đều đến khám muộn sau khoảng 3 tháng. Những vấn đề của khớp chỉ là vấn đề tại chỗ và nếu được chẩn đoán chính xác và được điều trị bệnh lý chính xác thì sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh lý chuyển sang giai đoạn mạn tính là khi có sự tham gia của yếu tố thần kinh sẽ trở nên dai dẳng và khó để điều trị dứt điểm và nhanh chóng.
Nói về cách điều trị bệnh, bác sĩ cho biết, có thể chia làm hai nhóm chính: Điều trị bảo tồn và điều trị không bảo tồn. Điều trị bảo tồn là bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, máng nhai, vật lý trị liệu, biện pháp tập vận động hàm. Điều trị không bảo tồn là mài điều chỉnh khớp cắn, làm răng giả, bơm rửa khớp và phẫu thuật khớp. Đối với những bệnh nhân phát hiện muộn mà phương pháp điều trị bảo tồn không có tác dụng thì bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị nội soi khớp, phẫu thuật khớp.
Bác sĩ khuyên mỗi người nên có một lối sống lành mạnh, tránh những căng thẳng lo âu như stress; hoặc tránh các thói quen xấu như nghiến chặt răng, nằm sấp, tựa cằm về một bên, cắn bút; tránh ăn những đồ ăn quá cứng hoặc quá dai. Ngoài ra,việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa răng - hàm - mặt khi có dấu hiệu đau mỏi ở vùng mang tai hai bên là điều rất cần thiết để phát hiện sớm bệnh lý này.