pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh táo bón ở người già: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Táo bón ở người già là vấn đề bệnh lý đường tiêu hóa rất thường gặp phải ở nhóm đối tượng này. Theo ước tính, có đến hơn 40% số lượng người già trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi táo bón. Bệnh táo bón ở người già xảy ra gây suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn, nó có thể thúc đẩy nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác xảy ra.
1. Các nguyên nhân gây táo bón ở người già
Mặc dù táo bón thường xuyên xảy ra ở người già, nhưng bệnh lý này lại không phải là một hậu quả trực tiếp của sự lão hóa. Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh táo bón ở người già có thể kể đến như:
- Chế độ dinh dưỡng mất cân đối, ít chất xơ
Khi tuổi tác tăng cao sẽ khiến chức năng tiêu hóa của người già bị suy giảm, họ thường cảm thấy ít hứng thú với việc ăn uống hơn. Lúc này người già có thể chỉ sử dụng một hoặc một số loại thức ăn mà họ cảm thấy ưa thích và dễ sử dụng. Ngoài ra, mất răng tuổi già khiến việc nhai thức ăn trở nên khó khăn hơn. Điều này cản trở khả năng sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ, thường là những thực phẩm có độ cứng và độ dai cao.
Chính việc sử dụng chế độ dinh dưỡng mất cân đối, ít chất xơ,... đã làm quá trình tiêu hóa trong lòng ruột trở nên khó khăn hơn. Từ đó gây nên bệnh táo bón ở người già.
- Hạn chế lượng nước nạp vào
Khả năng cô đặc nước tiểu của thận bị suy giảm kèm theo đó là rối loạn chức năng bàng quang khiến người già thường gặp các vấn đề như tiểu tiện nhiều lần, tiểu són, tiểu không tự chủ,... Cách khắc phục được nhiều người lựa chọn là hạn chế lượng nước nhập vào thông qua thức ăn hay nước uống.
Tuy rằng việc hạn chế lượng nước nhập vào có khả năng khắc phục một phần các vấn đề liên quan đến tiểu tiện, nhưng nó cũng khiến cơ thể bị thiếu nước. Lúc này, quá trình tái hấp thu nước trong lòng ruột sẽ được gia tăng để bù trừ lại lượng nước bị thiếu. Hậu quả là phân trong lòng ruột bị khô, cứng, khó di chuyển và là nguyên nhân gây táo bón ở người già.
- Ít vận động
Ít vận động là vấn đề gặp phải ở hầu hết người già, người cao tuổi. Hạn chế vận động khiến sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị giảm xuống, trong đó bao gồm cả các hoạt động cơ học của ống tiêu hóa. Do vậy, hạn chế vận động ở người già cũng là một nguyên nhân gây táo bón ở người già.
Đọc thêm:
- Mối liên hệ giữa bệnh trĩ và táo bón
- Ăn hồng ngâm dễ gây tắc ruột, những người này tuyệt đối không nên ăn nhiều
- Do tác dụng phụ của thuốc
Người già thường gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, điều này đồng nghĩa với việc họ phải sử dụng rất nhiều loại thuốc. Những loại thuốc này ngoài tác dụng điều trị bệnh lý đích thì chúng còn có thể gây nên các tác dụng không mong muốn trong quá trình sử dụng. Trong số đó phải kể đến bệnh táo bón ở người già do tác dụng phụ của thuốc.
Các loại thuốc thường dùng có thể ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của người già và là nguyên nhân gây táo bón ở người già bao gồm thuốc kháng toan, thuốc chẹn kênh calci, thuốc lợi niệu, thuốc an thần, opioids,...
- Táo bón thứ phát do các bệnh lý
Trong một số các trường hợp, nguyên nhân gây táo bón ở người già là hậu quả thứ phát của một số bệnh lý nên đã mắc từ trước đó gây nên. Các bệnh lý nên này xảy ra gây nên những rối loạn trong cơ thể, bao gồm cả những rối loạn tại hệ tiêu hóa khiến bệnh táo bón xảy ra. Những bệnh lý có thể dẫn đến táo bón ở người già kể đến như suy giáp, tiểu đường, bệnh trĩ, sa trực tràng, sa sút trí tuệ, các bệnh lý tâm thần,...
2. Phân loại bệnh táo bón ở người già
Dựa vào cơ chế, đặc điểm của sự hình thành và xảy ra táo bón mà táo bón ở người già được phân chia làm 3 dạng chính bao gồm:
- Táo bón vận chuyển bình thường
Táo bón vận chuyển bình thường là dạng táo bón phổ biến nhất ở người già, người cao tuổi. Đặc trưng của dạng táo bón này chính là nhu động ruột của người bệnh vẫn bình thường. Không có sự bất thường tốc độ di chuyển của phân trong lòng ruột, nhưng lại có sự khó khăn khi đào thải phân ra ngoài. Dạng táo bón này hay gặp nhất trong trường hợp bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
- Táo bón vận chuyển chậm
Dạng bệnh táo bón ở người già này đặc trưng bởi sự kéo dài thời gian vận chuyển phân trong lòng ruột. Kéo dài thời gian vận chuyển phân trong lòng ruột khiến phân bị tái hấp thu nước nhiều hơn, tăng độ cứng của phân. Táo bón vận chuyển chậm thường liên quan đến các rối loạn nội tiết và chuyển hóa như suy giáp, tăng calci huyết, bất thường thần kinh ruột,...
- Táo bón rối loạn chức năng sàn chậu
Sự bất thường trong phối hợp hoặc chức năng của các cơ tham gia vào quá trình đào thải phân (cơ thành bụng, cơ sàn chậu, cơ thắt hậu môn,...) là cơ chế chính gây nên dạng táo bón này. Dạo táo bón này thường khiến cho người bệnh không thể đại tiện hết, thường xuyên phải đi đại tiện nhiều lần.
3. Chẩn đoán bệnh táo bón ở người già
Để can thiệp hiệu quả bệnh táo bón ở người già, điều quan trọng là phải chẩn đoán đoán bệnh sớm và xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh táo bón mãn tính ở người già thường chủ yếu được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn Rome III. Bộ tiêu chuẩn này được thành lập dựa trên các tính chất biểu hiện triệu chứng ở người bệnh như số lần đại tiện, tính chất phân, cảm giác bất thường trong quá trình đại tiện, các can thiệp hỗ trợ cần thiết,...
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ cần phải thực hiện thêm các thăm khám cần thiết như thăm khám trực tràng và phân loại phân của bệnh nhân theo thang phân loại phân Bristol. Điều này sẽ cho bác sĩ có các bằng chứng khách quan hơn về tình trạng bệnh nhân đang gặp phải, ngoài những dấu hiệu mà bệnh nhân tự mô tả.
Các cận lâm sàng hình ảnh học như chụp X-Quang đại tràng có cản quang, CT-Scanner có cản quang, MRI, nội soi đại tràng,...có thể được chỉ định. Những kết quả hình ảnh học này có giá trị cao trong tìm kiếm nguyên nhân gây táo bón ở người già, đặc biệt là với các nguyên nhân gây tắc nghẽn cơ học.
4. Điều trị bệnh táo bón ở người già
4.1. Điều trị không dùng thuốc bệnh táo bón ở người già
Điều chỉnh và thay đổi lối sống là lựa chọn đầu tiên đối với các trường hợp mắc bệnh táo bón ở người già. Nếu được áp dụng tích cực và thích hợp, các biện pháp thay đổi lối sống có thể cho hiệu quả cải thiện bệnh táo bón ở người già một cách hiệu quả và lâu dài.
- Tạo lập thói quen đại tiện
Người bệnh được hướng dẫn để nhận biết và xử lý đúng cách khi có cảm giác mót rặn. Đi đại tiện vào một khung giờ nhất định trong ngày sẽ tạo thành phản xạ cho người bệnh, thúc giục cảm giác mót rặn một cách nhịp nhàng và đúng chu kỳ. Thời điểm buổi sáng mỗi ngày hoặc sau bữa ăn là những khoảng thời gian thích hợp nhất để bệnh nhân đi đại tiện.
- Sử dụng nhiều nước và chất xơ mỗi ngày
Sự gia tăng chất xơ và chất lỏng làm cải thiện tính chất của phân, giúp tăng kích thước khối phân và làm phân mềm hơn. Do đó, nó được khuyến khích tăng cường sử dụng ở các bệnh nhân bị mắc bệnh táo bón ở người già. Lượng chất xơ được khuyến cáo sử dụng mỗi ngày nên đạt ít nhất 30g/ngày.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều nước cần phải thận trọng hơn ở các bệnh nhân có suy tim, suy thận, phù,... để tránh làm nặng thêm các bệnh lý nền đang có sẵn.
- Cung cấp thêm lợi khuẩn cho cơ thể
Sử dụng các loại men vi sinh hoặc các thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn đường ruột (sữa chua,...) đã được chứng minh có khả năng giúp cải thiện bệnh táo bón ở người già. Các báo cáo cho thấy rằng, cung cấp thêm lợi khuẩn cho phép rút ngắn thời gian vận chuyển phân và làm mềm phân. Trong khi đó nó lại không gây nên tác dụng không mong muốn như khi điều trị bằng thuốc.
- Tăng cường vận động thể chất
Tăng cường vận động thể chất có tác dụng tích cực đối với nhiều vấn đề sức khỏe ở người già. Nó cũng có thể hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa. Từ đó giúp cải thiện tình trạng bệnh táo bón ở người già.
4.2. Điều trị táo bón ở người già bằng thuốc
Các nhóm thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh táo bón ở người già bao gồm các loại thuốc nhuận tràng, thuốc xổ,...
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Là các chất có tính chất ưu trương, chẳng hạn như lactulose và sorbitol. Do có tính chất ưu trương nên các loại thuốc nhuận tràng này sẽ giúp kéo nước vào lòng ruột, làm tăng nhu động ruột và làm mềm phân.
- Thuốc nhuận tràng tạo khối
Thuốc nhuận tràng tạo khối có bản chất là các polysacarid không tan, có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc tổng hợp. Khi sử dụng, chúng sẽ hấp thụ nước để tạo thành dạng gel. Từ đó làm tăng kích thước của khối phân, làm phân mềm hơn nên dễ di chuyển hơn.
- Thuốc nhuận tràng kích thích
Thuốc nhuận tràng kích tác động vào các thụ thể thần kinh tại ruột. Do đó làm tăng nhu động ruột và gây tiết dịch ruột. Anthranoids và diphenylmethane là những loại nhuận tràng kích thích thường được dùng hiện nay.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm phân
Các chất thuộc nhóm này có đặc điểm chung đều là muối của docusat. Thuốc giúp làm giảm sức căng bề mặt của khối phân nên làm nước thấm vào phân dễ dàng hơn. Hiện nay nhóm thuốc này ngày càng ít sử dụng trên thực tế.
- Một số loại thuốc khác
Bên cạnh các loại thuốc nhuận tràng đã kể như ở trên, bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc khác như parafin lỏng, chất bôi trơn để tống phân dễ dàng hơn,...
4.3. Phẫu thuật bệnh táo bón ở người già
Khi nguyên nhân gây táo bón ở người già là các tắc nghẽn cơ học như khối u,... và điều trị bằng thuốc không thể giúp cải thiện bệnh thì phẫu thuật sẽ là phương pháp được lựa chọn. Tuy nhiên, đây thường là sự lựa chọn cuối cùng bởi người già là đối tượng có nguy cơ rất cao khi thực hiện phẫu thuật.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh táo bón ở người già về nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị bệnh. Nếu còn có thể thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo:
1.https://www.medscape.com/viewarticle/855040_3
2. https://www.news-medical.net/health/Constipation-in-the-Elderly.aspx
3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3652936/