Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng

Linh Trần
10/07/2020 - 08:14
Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng
Những ngày gần đây, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng. Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc tay chân miệng.  

Ngày 9/7, BV E (Hà Nội) cho biết, trong vài ngày gần đây, số trẻ nhập viện do tay chân miệng có dấu hiệu tăng. Mới đây nhất, BV tiếp nhận bệnh nhi 9 tháng tuổi (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C. Trên da bé xuất hiện các nốt phỏng nước, vết loét vùng họng, miệng khiến đau đớn, bỏ ăn. Tại BV, bé được xác định mắc tay chân miệng và bác sĩ thực hiện điều trị theo phác đồ.

Một bệnh nhi nam khác 13 tháng tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa được gia đình đưa đến BV cấp cứu. Trước đó, bé sốt cao trên 40 độ C. Gia đình đã cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, kèm theo co giật, các nốt phỏng nước tập trung nhiều ở khoang miệng dẫn đến ăn kém nên gia đình đưa đến BV. Bệnh nhi được xác định nguồn lây nhiễm từ anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần. Hiện tại, sức khỏe các bé đã ổn định, tỉnh táo, còn sốt nhẹ và hết co giật.

Bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng - Ảnh 1.

Bé bị tay chân miệng đang được chăm sóc tại BV E

Theo thống kê của BV E, mỗi ngày khoa Nội Nhi tổng hợp tiếp nhận khám và điều trị từ 40 - 50 bệnh nhân nhi. Trong đó, khoảng 30% bị tay chân miệng. Còn theo báo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay toàn TP. ghi nhận 201 trường hợp mắc tay chân miệng. Số ca mắc bắt đầu gia tăng nhanh trong hai tuần gần đây. Hiện đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.

Bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E), cho biết, bệnh tay chân miệng do virus đường ruột Enterovirus gây ra. Loại virus này tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ. Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc phải virus gây bệnh. Virus có thể phát tán từ cơ thể người bệnh ra môi trường qua đường phân, các nốt phỏng nước hoặc dịch tiết từ đường hô hấp.

Theo bác sĩ Quý, khi trẻ bị mắc tay chân mẹ mức độ nhẹ, phụ huynh có thể chăm sóc bé ở nhà. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu trở nặng, gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sĩ khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Để phòng bệnh tay chân miêng, gia đình cần cho bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Ngoài ra, gia đình thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, gia đình cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm