pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh tay chân miệng là gì? Những thông tin cần biết về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng trẻ em rất phổ biến và dễ lây lan. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách bệnh tay chân miệng trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.
1. Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em và cả người lớn là một bệnh lây lan bởi một nhóm virus đường ruột gây ra. Nhóm các virus RNA nhỏ này bao gồm hơn 70 loại virus, như là Coxsackieviruses A, Coxsackieviruses B, polaguiruses, echoviruses và enterovirus gây ra và người mắc bệnh hoàn toàn có thể bị tái nhiễm nhiều lần.
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Tỷ lệ biến chứng nặng của bệnh không cao, phần lớn bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh nhân gặp phải các biến chứng nguy hiểm được ghi nhận có thể dẫn tới tử vong.
2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do các loại virus thuộc họ enterovirus gây ra. Tác nhân gây nhiễm khuẩn thường gặp nhất là virus Coxsackie A-16, trong khi enterovirus 71 thì ít gặp hơn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh tay chân miệng là như nhau bất kể loại virus gây bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm enterovirus 71 có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp ví dụ như viêm màng não do virus, viêm não hoặc tổn thương cơ tim dẫn đến tử vong. Trong khi đó, A16 ít gây biến chứng thần kinh và có thể tự hết trong vài ngày.
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người này sang người khác, thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng hay nước bọt, thông qua đường tiêu hoá do ăn phải thức ăn nhiễm virus hoặc thông qua đường phân – miệng do tiếp xúc nhà vệ sinh có chứa virus gây bệnh. Người nhiễm bệnh có khả năng lây cho người khác trong thời kỳ ủ bệnh. Tuy nhiên, nó thường lây lan mạnh trong khoảng thời gian 5 ngày sau khi phát bệnh.
3. Phân loại bệnh tay chân miệng theo cấp độ
Mức độ 1
Mức độ 1 chỉ có biểu hiện bệnh lý loét ở miệng và tổn thương ở da. Người bệnh được chỉ định điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.
Mức độ 2
Mức độ này lại được chia ra làm 2 cấp độ 2A và 2B. Người bị mắc bệnh phải được điều trị nội trú tại bệnh viện.
Độ 2A có dấu hiệu bệnh lý với một trong các biểu hiện như bệnh sử có giật mình dưới 2 lần mỗi 30 phút và không ghi nhận lúc khám, sốt trên 2 ngày hay sốt trên 39oC, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Độ 2B có thể có các dấu hiệu bệnh lý thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 của mức độ này. Nhóm 1 có một trong các biểu hiện như trẻ giật mình được ghi nhân lúc khám, bệnh sử có giật mình từ 2 lần trở lên trong vòng 30 phút; bệnh sử có giật mình kèm theo một dấu hiệu như ngủ gà, mạch nhanh trên 150 lần/phút khi trẻ nằm yên và không sốt, sốt cao từ 39oC trở lên và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Nhóm 2 có một trong các biểu hiện bệnh lý như thất điều vận động, run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng, rung giật nhãn cầu, lác mắt, yếu chi hoặc liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, nuốt sặc, thay đổi giọng nói...
Mức độ 3
Người mắc bệnh ở mức độ này có biểu hiện dấu hiệu mạch nhanh khi nằm yên, không sốt. Một số trường hợp có thể gặp mạch chậm, đây là dấu hiệu của bệnh rất nặng. Đồng thời có triệu chứng vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, huyết áp tăng, thở nhanh, thở bất thường với cơn ngưng thở, thở bụng, thở nông, rút lõm lồng ngực, thở khò khè, thở rít thanh quản. Có dấu hiệu rối loạn tri giác với điểm đánh giá Glasgow dưới 10 điểm, có tăng trương lực cơ.
Điều trị bệnh ở mức độ 3 phải được thực hiện tại đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện trong quy định điều trị nội trú.
Mức độ 4
Mức độ này khá trầm trọng, được biểu hiện với một trong các dấu hiệu như sốc, phù phổi cấp, tím tái với độ bão hòa SpO2 dưới 92%, ngưng thở hoặc thở nấc. Việc điều trị mức độ 4 cũng phải được thực hiện tại đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện trong quy định điều trị nội trú.
4. Biến chứng
Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như:
- Bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị.
- Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân run, co giật, sốt cao, méo miệng. Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.
- Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.
- Viêm cơ tim (viêm tế bào cơ tim) cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp.
5. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tay chân miệng thường gặp nhất vào mùa xuân và mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 12. Thời gian ủ bệnh khoảng 2-10 ngày. Hầu hết những người nhiễm bệnh không có hoặc có các triệu chứng rất nhẹ. Hầu hết bệnh nhân sẽ tự phục hồi hoàn toàn tự nhiên sau một vài ngày. Tuy nhiên nhiều người có thể sẽ quan tâm đến những dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng là gì?
Triệu chứng ban đầu có thể là sốt và thường kèm theo đau họng. Tình trạng biếng ăn và khó chịu cũng có thể xảy ra. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, vết loét gây đau và mụn nước sẽ xuất hiện trong miệng hoặc họng, hoặc cả hai. Mụn nước có khả năng xuất hiện ở tay, chân, miệng, lưỡi, bên trong má. Mụn nước ít khi gây ngứa ở trẻ em, nhưng có thể gây ngứa dữ dội ở người lớn. Vết loét và mụn nước thường tự khỏi trong một tuần hoặc lâu hơn.
Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và chỉ gây sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu vết loét miệng hoặc tình trạng đau họng khó uống nước được, hoặc khi các dấu hiệu và triệu chứng chuyển biến xấu hơn sau vài ngày.
6. Điều trị
Hiện nay không có thuốc chuyên trị đặc biệt cho bệnh tay chân và miệng. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng như sốt và đau từ vết loét, có thể cảm thấy dễ chịu hơn bằng việc sử dụng thuốc. Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus, vì vậy nhiều bác sĩ không cho sử dụng thuốc điều trị, trừ khi bị nhiễm trùng nặng. Nhiễm trùng ở trẻ lớn tuổi hơn, thanh thiếu niên, và người lớn thường rất nhẹ và kéo dài khoảng 1 tuần hoặc đôi khi lâu hơn. Thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng trong trường hợp sốt cao.
Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cần phải được theo dõi sát, phát hiện bệnh sớm, khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời. Cẩn thận với các biến chứng thần kinh có thể xảy ra như viêm não, viêm màng não hoặc phù phổi, xuất huyết phổi.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch nhằm chống lại những tác động tiêu cực do bệnh gây ra như vết loét, sốt cao, đồng thời phòng ngừa và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh.
7. Nguyên tắc ăn uống khi bị bệnh
Chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi rất quan trọng, đặc biệt là dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng tốt chống lại virus gây bệnh. Do vậy, khi bị tay chân miệng, cần tuân thủ những nguyên tắc ăn uống như sau:
Những nguyên tắc nên thực hiện khi bị bệnh tay chân miệng là gì?
- Cho bệnh nhân ăn những thức ăn mềm, loãng, nguội để dễ nuốt vì lúc này miệng bị đau rát do các nốt ban.
- Chia nhỏ các bữa ăn và không cố gắng ép bệnh nhân ăn.
- Cần ăn uống đủ chất protein, kẽm để tạo kháng nguyên, kháng thể. Một số trứng phẩm giàu protein và kẽm gồm trứng, thịt nạc, sữa, sữa chua, mật ong, dưa hấu,...
- Bổ sung vitamin C qua các loại thực phẩm như rau xanh, đu đủ, nước dừa,...
- Khi thấy dấu hiệu mụn nước vỡ thì cần bổ sung thêm nhiều vitamin A qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô... để chống bội nhiễm.
- Với trẻ sơ sinh hoặc bé 1 tuổi bị tay chân miệng còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều.
Những điều cần kiêng khi bị bệnh tay chân miệng là gì?
Bên cạnh việc chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cũng cần chú ý một số điều kiêng kỵ trong ăn uống cũng như trong sinh hoạt:
- Cách ly bệnh nhân là điều đầu tiên cần làm. Nếu trẻ đang đi học, nên cho trẻ nghỉ học ngay để tránh lây lan cho những trẻ khác. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống để tránh tạo thành ổ dịch.
- Không cho bệnh nhân ăn thức ăn quá cứng và quá nóng. Việc cho bệnh nhân ăn những món quá cứng và nóng sẽ khiến miệng bị đau, không nuốt được thức ăn.
- Không nên kiêng nước. Nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân bị tay chân miệng cần kiêng tắm để không làm ảnh hưởng đến các mụn nước. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm bởi điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm khác.
8. Phòng tránh bệnh tay chân miệng
Phương pháp tối ưu nhất để giảm thiểu mầm vi khuẩn gây bệnh là giữ gìn vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Ngoài ra cần tuân thủ thực hiện những việc sau đây để phòng tránh bệnh hiệu quả nhất:
- Sau khi hắt hơi hay ho, vứt khan giấy vừa sử dụng vào sọt rác càng sớm càng tốt.
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng nước ấm và xà phòng.
- Không dùng chung ly, chén, dao kéo, quần áo hoặc khăn tắm với người khác.
- Lau dọn nhà vệ sinh thường xuyên.
- Khử trùng các bề mặt và vật bị nhiễm khuẩn bằng chất tẩy rửa gia dụng.
- Dùng nước nóng để giặt riêng quần áo và ga trải giường bị nhiễm khuẩn.
9. Những câu hỏi thường gặp
Có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng không?
Hiện tại không có loại thuốc nào đặc trị bệnh tay chân miệng. Quá trình điều trị chủ yếu là để hỗ trợ và làm giảm bớt sự khó chịu từ bệnh gây ra.
Bệnh nhân nhiễm bệnh tay chân miệng có nguy cơ sẽ mắc lại không?
Có hơn 70 loại virus trong nhóm virus gây ra bệnh tay chân miệng. Người đã mắc bệnh sẽ có được khả năng miễn dịch lâu dài với loại virus đó và sự miễn dịch đó có thể kéo dài trong vài thập kỷ. Tuy nhiên, một người có thể gặp nhiều loại virus trong nhóm. Do đó, một số người có thể bị bệnh tay chân miệng hoặc bệnh viêm loét miệng nhiều lần.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh tay chân miệng có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh bệnh tay chân miệng xảy ra ở thai phụ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh của em bé. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn là không thể loại trừ và phụ nữ mang thai nên tránh bị nhiễm bệnh.